Trang Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin quân sự cho biết, tên lửa đạn đạo tầm trung DF-27 chưa bao giờ được công bố chính thức, nhưng vũ khí đã xuất hiện trong video từ một nguồn không xác định, lưu hành trên mạng xã hội của quốc gia này tháng 8/2022 cùng với hàng loạt cuộc diễn tập quy mô lớn xung quanh Đài Loan.
Cuộc diễn tập với sự hiện diện của tên lửa đạn đạo DF-27 Trung Quốc gửi một “thông điệp rõ ràng và cứng rắn” tới Mỹ.
Nguồn tin quân sự giải thích rõ, tên lửa siêu thanh đã được đưa vào khai thác sử dụng một thời gian trước năm 2019, được giữ bí mật khi tên lửa đạn đạo tiền nhiệm DF- 17, chiếm vị trí trung tâm trong cuộc duyệt binh Ngày Quốc khánh năm 2019 ở Bắc Kinh.
Trả lời phỏng vấn SCMP, nguồn tin, yêu cầu được giấu tên vì tính nhạy cảm của chủ đề nói: “DF-27 được biên chế trong lực lượng tên lửa chiến lược trước năm 2019, nhưng PLA không muốn tiết lộ “át chủ bài” quá sớm.”
“Là một trong những vũ khí mạnh có khả năng tấn công đảo Guam nhưng tên lửa đạn đạo DF-26 có những thông số kỹ chiến thuật kém hơn, DF-27 được thiết kế để mang nhiều đầu đạn khác nhau hoặc một phương tiện lượn siêu thanh (HGV) tùy thuộc vào tính chất khác nhau của các mục tiêu.”
Nguồn tin cho biết, tên lửa DF-27 có những đặc điểm chung với loại tên lửa DF-17, có tầm bắn 1.500km (930 dặm), bay với tốc độ gấp 5 lần âm thanh và DF-21D, “sát thủ tàu sân bay ” có thể mang nhiều đầu đạn và có tầm bắn 1.800km.
Lầu Năm Góc lần đầu tiên đề cập đến tên lửa mang đầu đạn siêu thanh DF-27 trong báo cáo thường niên năm 2021, cho biết tên lửa có tầm bắn từ 5.000 đến 8.000 km, đủ để tấn công Hawaii từ lục địa Trung Quốc.
Tên lửa siêu thanh cũng xuất hiện trong một loạt các tài liệu tình báo Mỹ, bị rò rỉ vào đầu năm 2023. Những tài liệu tình báo rò rỉ cho biết, Quân đội Trung Quốc đã thực hiện một cuộc thử nghiệm thành công DF-27 ngày 25/2 và kết luận, tên lửa có "xác suất cao" xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ.
Nguồn tin quân sự xác nhận thông tin trong những tài liệu tình báo Mỹ, đồng thời cho biết thêm: “PLA cần thực hiện liên tục các cuộc thử nghiệm tên lửa DF-27, đây là loại tên lửa có hệ điều hành rất phức tạp, dù đã được đưa vào khai thác sử dụng trong vài năm.”
“Với tốc độ siêu thanh và tầm bắn xa hơn nhiều so với DF-17 và DF-26, những cuộc thử nghiệm DF-27 nhằm đảm bảo hiệu chỉnh quỹ đạo bay đầu đạn ổn định hơn, tăng cường khả năng tấn công chính xác các mục tiêu theo kế hoạch.”
Song Zhongping, cựu giảng viên quân sự PLA cho biết, DF-27 là phiên bản nâng cấp và hiện đại hóa sâu của tên lửa đạn đạo DF-17, DF-26 là phiên bản hiện đại hóa của DF-21D. Tên lửa DF-26 được mệnh danh là “sát thủ đảo Guam” do tầm bắn khoảng 3.500km đủ vươn tới lãnh thổ Mỹ. Nhưng quân đội Trung Quốc muốn sở hữu vũ khí có độ chính xác cao, tầm xa hơn và có thể được triển khai sâu trong lục địa chứ không phải các vùng ven biển để đảm bảo tính bất ngờ và độ an toàn.
Theo ông Song, DF-27 là một thành phần trong chiến lược răn đe của PLA nhằm tăng cường năng lực 2A/AD (ngăn chặn truy cập, chống tiếp cận), nhưng sẽ không nhằm vào các bang của Mỹ như Hawaii hoặc Alaska mà sẽ tập trung vào các căn cứ quan trọng của Mỹ ở Nhật Bản và đảo Guam.
Mỹ nắm rõ về kế hoạch phát triển DF-27 của PLA trong vài năm qua và đã có những phản ứng bằng giải pháp hiện đại hóa hệ thống phòng không đảo Guam bổ sung các hệ thống Phòng thủ tên lửa Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD), Lu Li-shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng cho biết.
Ông nói: “Mỹ đã triển khai các hệ thống phòng không Patriot tới đảo Guam, nhưng những hệ thống này không có khả năng phát hiện và đánh chặn các tên lửa mang đầu đạn siêu thanh (HGV) do khả năng đánh chặn trên độ cao lớn hạn chế. Nhưng hệ thống THAAD có thể đánh chặn các mục tiêu như DF-26 và DF-27 khi tên lửa đang bay ở giai đoạn giữa trong hoặc ngoài bầu khí quyển”.
Tháng 3/2023, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào chương trình tăng cường khả năng phòng không cho đảo Guam trong năm tài chính 2024. Ngoài hệ thống THAAD, phòng thủ tên lửa đảo Guam còn được trao cho hệ thống tên lửa đánh chặn Hải quân Aegis ngoài khơi.
Theo Tạp chí Lực lượng Không quân và Vũ trụ, quân đội Mỹ đang có kế hoạch triển khai các hệ thống cảm biến phòng không và phòng thủ tên lửa tầm thấp hơn, tăng cường khả năng phòng thủ chống hỏa lực gián tiếp, nâng cấp hệ thống Patriot nhằm đối phó với các mối đe dọa tên lửa mới từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Theo SCMP