Lực lượng phòng không Liên Xô chỉ một lần duy nhất sử dụng hệ thống tên lửa phòng không S-75 vào năm 1960, bắn hạ một máy bay trinh sát U-2 của Mỹ. Từ sau đó, hầu như không có máy bay nước ngoài nào liều lĩnh xâm phạm bầu trời Liên bang Xô viết.
Bắn hạ máy bay do thám Mỹ U-2 ở Sverdlovsk, Nga
Tuyến đường chiếc máy bay do thám Mỹ "Lockheed" U-2 xuất kích từ sân bay gần Peshawar (Pakistan), đi ngang qua từ Nam đến Bắc và hạ cánh tại một sân bay quân sự của Na Uy. Chiếc U-2 thực hiện nhiệm vụ trinh sát chụp ảnh và trinh sát radio các căn cứ quân sự của Liên Xô. Đặc biệt, mục tiêu cuối cùng của chiếc U-2 là nhà máy "Mayak" chuyên sản xuất plutonium dành cho quân sự nằm ở vùng Chelyabinsk.
Những chiếc U-2 đã nhiều lần bay khắp Liên Xô mà không bị trừng phạt, do thời điểm đó chưa có tên lửa phòng không nào có đủ độ tin cậy để tấn công, các máy bay tiêm kích đánh chặn không bay được ở độ cao như vậy. Bộ tổng tham mưu Liên quân Mỹ không có dữ liệu về sự hiện diện trên tuyến đường bay của U-2 các hệ thống tên lửa phòng không của lực lượng vũ trang Liên Xô có thể tấn công được mục tiêu trên độ cao hơn 20 km.
Mặc dù vậy, các máy bay trinh sát U-2 cũng được trang bị hệ thống gây nhiễu tự động chống radar "Ranger". Nhưng thiết bị này không giúp đỡ được phi công Francis Gary Powers, do các nhà thiết kế Mỹ khi chế tạo Ranger đã không có thông tin về radar mặt đất của Liên Xô hoạt động trên độ cao này.
Sự tự tin thái quá và đánh giá thấp đối phương đã khiến Mỹ phải trả giá rất đắt và làm tổn thương uy tín Mỹ trên trường quốc tế. Ngày 01.05.1960, một chiếc U-2 bị hệ thống tên lửa S-75 "Dvina" sử dụng tên lửa 13D bắn hạ trên không phận Sverdlovsk.
Do không có kinh nghiệm tiêu diệt các mục tiêu thực sự, nên trận đánh tưởng chừng như thành công tuyệt đối đã có tổn thất ngoài ý muốn. Sau khi tên lửa đã tiêu diệt chiếc U-2, một đơn vị khác trong khu vực đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu không nhận được thông tin chiếc U-2 đã bị bắn rơi, phát hiện 2 mục tiêu trên màn hình radar và phóng tiếp 3 quả tên lửa vào một biên đội MiG-19 - vốn được lệnh cất cánh đánh chặn chiếc U-2 khoảng gần 30 phút trước đó. Tên lửa đánh trúng mục tiêu, phi công Ayvazyan kịp thời thả rơi máy bay xuống dưới vùng sát thương của vụ nổ tên lửa và an toàn hạ cách. Nhưng chiếc MiG-19 thứ 2 thì không kịp phản ứng, phi công Safronov hy sinh cùng với máy bay.
Tiêu diệt máy bay do thám Đài Loan trên bầu trời Trung Quốc
Nhưng việc sử dụng tên lửa S-75 gần Sverdlovsk không phải là đầu tiên tên lửa phòng không này xuất kích. Trong năm 1959, các khẩu đội tên lửa của hệ thống phòng không này, theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc, đã được triển khai để bảo vệ Bắc Kinh.
Thực tế là vào thời điểm lúc đó, các máy bay của không quân Tưởng Giới Thạch tự do bay lượn trên không phận Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ tình báo, nhưng cũng có thể xảy ra các cuộc tấn công quân sự.
Ngày 07.10. 1959, chiếc máy bay trinh thám của Đài Loan RB-57D do Mỹ sản xuất cất cánh nhằm hướng Bắc Kinh. Khi chiếc máy bay trinh thám Đài Loan cách Bắc Kinh khoảng 400-500 km, các khẩu đội tên lửa S-75 chuyển trạng thái chiến đấu lên toàn bộ. Cùng lúc các máy bay tiêm kích của không quân Trung Quốc cất cánh, nhưng vô ích, máy bay Đài Loan đã nâng độ cao lên đến 20 km. Tiêm kích không thể với tới độ cao của chiếc máy bay do thám này.
Đài radar trinh sát phát hiện mục tiêu trên khoảng cách 320 km, các tư lệnh trưởng lực lượng không quân và phòng không Trung Quốc báo cáo bộ trưởng Bộ quốc phòng. Bộ trưởng Lâm Bưu nhấn mạnh, nếu chắc chắn có khả năng tiêu diệt, được phép phóng tên lửa, nếu không chắc chắn – không phóng. Khi cố vấn quân sự Liên Xô khẳng định khả năng tiêu diệt mục tiêu, bộ trưởng Lâm Bưu ra lệnh phóng tên lửa.
Các máy bay của Trung Quốc được lệnh rời xa khu vực phóng tên lửa. Quả đạn đầu tiên rời bệ phóng vào lúc 12.04, sau đó vài giây là 2 quả đạn tiếp theo. Cả 3 quả đạn đều nổ gần chiếc RB-57D. Máy bay bị hủy diệt hoàn toàn, các mảnh vỡ rơi tung tóe trong bán kính 5-6 Km. Phi công thiệt mạng.
Để giữ bí mật, Bắc Kinh tuyên bố, chiếc RB-57D bị máy bay tiêm kích Trung Quốc tiêu diệt.
Bảo vệ bầu trời Cuba
Quốc đảo XHCN nhỏ bé này đã trở thành cái gai trong mắt của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Mỹ thực sự tìm mọi cách để tiêu diệt nhà nước XNCH trên hòn đảo này.
Theo yêu cầu của Chủ tịch Fidel Castro, vào năm 1962 Liên Xô đã đưa đến Cuba hai lữ đoàn phòng không được trang bị các tổ hợp S-75 "Dvina" sử dụng tên lửa 13D. Có 144 bệ phóng tên lửa được triển khai. Tổng quân số khoảng gần 10.000 binh sĩ Liên Xô. Ngày 27.10.1962 các đơn vị tên lửa phòng không tiếp tục bắn hạ máy bay do thám U-2, đang bay trên độ cao 21 km. Mục tiêu hủy diệt chỉ bằng một quả tên lửa duy nhất trên khoảng cách 25 km.
Lúc này, Bộ máy lãnh đạo Liên bang Xô viết đã đi một nước cờ rất cứng rắn, có thể lập tức bùng nổ chiến tranh hạt nhân. Tình hình căng thẳng “khủng hoảng tên lửa Cuba đang ở mức cao nhất. Một điều thú vị là, ngay ngày hôm sau, cuộc đàm phán giữa phái đoàn Mỹ và Liên Xô lập tức có chiều hướng thuận lợi hơn, Mỹ đã lùi một bước và tạo ra điều kiện để hạ nhiệt căng thẳng vùng biển Caribe.
Đến giữa năm 1964, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã huấn luyện và đào tạo khoảng 7400 quân nhân Cuba trong quân chủng phòng không. Lực lượng này bắt đầu khai thác sử dụng các tổ hợp tên lửa S-75 Dvina.
S – 75 tham gia cuộc chiến tranh phòng không Miền Bắc Việt Nam
Trong tất cả các quốc gia có sở hữu tên lửa phòng không, chỉ riêng ở Việt Nam, S-75 Dvina giành được vinh quang chói lọi nhất mà không có một hệ thống vũ khí phòng không nào dành được trong cả lịch sử chiến tranh.
Hệ thống tên lửa phòng không Dvina trở thành vũ khí nổi tiếng đứng hàng thứ 3 sau súng tiểu liên AK và xe tăng T-34, sau Dvina là xe tăng T-55. Tổ hợp tên lửa S-75 Dvina không những chỉ làm sụp đổ thần tượng Không lực Mỹ mà còn mở ra con đường vinh quang cho tất cả các thế hệ tên lửa phòng không sau này của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay.
Mùa hè năm 1965, tại Miền Bắc Việt Nam đã triển khai hai trung đoàn tên lửa S- 75 cùng với các cố vấn kỹ thuật quân sự Liên Xô. Các máy bay trinh sát Mỹ đã phát hiện những trận địa của loại vũ khí mới từ ngày 05.04.1965, nhưng không đánh giá cao lắm các hoạt động này nên không tiến hành ném bom.
Ngay cả sự kiện ngày 23.07.1965, máy bay trinh sát điện tử RB-66C phát hiện lần đầu tiên radar của tổ hợp S-75 hoạt động cũng không làm cho Bộ tư lệnh lực lượng không quân viễn chinh Mỹ lo lắng.
Trận địa tên lửa S-75 tại Việt Nam. Ảnh do máy bay trinh sát RF-101 Mỹ thực hiện mùa thu năm 1966
Tình hình chiến trường trên không phận Miền Bắc Việt Nam đột ngột thay đổi vào ngày hôm sau, 24.07.1965, Tiểu đoàn tên lửa 63 và 64 của Trung đoàn tên lửa 236 (Đoàn Sông Đà) tại Hà Tây, dưới sự điều khiển của thiếu tá cố vấn F.Ylinysh tấn công một tốp 4 chiếc F-4C, bay ở độ cao 7 km.
Một quả tên lửa đánh trúng máy bay “Con Ma” của hai đại úy phi công Mỹ là R.Fober và R.Keirn điều khiển. Vụ nổ của 2 quả tên lửa còn lại làm 3 chiếc F-4 bị thương. Phi công nhảy dù và bị bắt làm tù binh. Một điều thú vị là phi công R.Keyrn bị bắn rơi lần này là lần thứ 2, lần thứ nhất R.Keyrn bị bắn hạ vào tháng 9.1944 gần Leipzig, Đức, khi vẫn còn là phi công máy bay ném bom B-17.
Ba ngày sau, không quân Mỹ tổ chức đòn trả đũa vào trận địa tên lửa S-75 Dvina đã bắn hạ F-4 bằng một cuộc không kích của 48 F-105, nhưng kết quả thu được thật sự thảm hại, các đơn vị tên lửa đã rút từ lâu, những chiếc Thần Sấm rơi vào trận địa phục kích của pháo phòng không, 6 chiếc F-105 bị tiêu diệt.
Xem tiếp: Tên lửa S-75 giành đỉnh cao vinh quang trên bầu trời Việt Nam