Theo vesti (Nga) ngày 19.11, trước đó, đêm 18 rạng ngày 19.11, quân khu Trung tâm của Nga cũng đã thử nghiệm phóng tên lửa Iskander vào ban đêm để kiểm tra độ chính xác. Phương Tây tỏ ra lo ngại trước loại vũ khí đáng gờm này.
Vũ khí răn đe và cảnh tỉnh
Tính ổn định, độ chính xác và sức công phá cao là ba đặc điểm chính khiến cho tổ hợp tên lửa tấn công chiến thuật Iskander-M trở thành một trong những loại vũ khí nguy hiểm nhất, có ý nghĩa răn đe đối với những ý đồ tấn công nước Nga trên quy mô lớn. Hiện nay, hệ thống vũ khí này đã được triển khai ở 4 quân khu trọng yếu của Nga. Trong tháng 11.2015, Bộ Tổng tư lệnh sẽ thiết lập lữ đoàn Iskander-M thứ năm và có thể sẽ được bố trí ở bán đảo Crimea vào đầu năm 2016.
Thực tế này đã khiến Quốc hội Mỹ hoang mang. Chủ nhiệm Ủy ban về các dịch vụ vũ trang Howard McCone, Chủ tịch Tiểu ban về các lực lượng chiến lược Mike Rogers và người đứng đầu của các tiểu ban của Hạ viện về lục quân và không quân chiến thuật Michael Ternes đã lên tiếng yêu cầu Tổng thống Obama chấm dứt mọi hợp tác quân sự với Nga vì khả năng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Crimea.
Theo lời các nghị sĩ Mỹ, từ đầu tháng 8.2015, Nga đã đưa ra kế hoạch triển khai máy bay ném bom Tu-22M3 và vũ khí tấn công chiến thuật Iskander-M với tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân có độ chính xác cao tại Crimea. Ông James Inofe, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cho rằng động thái này không chỉ vi phạm trực tiếp Hiệp ước về xóa bỏ tên lửa tầm trung (INF) mà còn là một mối đe dọa trực tiếp đến toàn bộ châu Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã phản ứng rất ngắn gọn: “Iskander-M có thể được bố trí trên lãnh thổ Nga tại bất cứ nơi nào và vào bất cứ lúc nào”.
Không ngồi yên hối tiếc
Hồi đầu thập niên 1990, Nga và Mỹ đã ký một hiệp ước về việc loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Hai bên đã thỏa thuận tiêu hủy các loại tên lửa đạn đạo và hành trình đất - đối - đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km hiện có, đồng thời không tiếp tục chế tạo chúng. Tuy nhiên, không biết vô tình hay cố ý, cả Tổng thống Mikhail Gorbachev lẫn Bộ trưởng Ngoại giao Eduard Shevardnadze lại đưa cả tổ hợp tên lửa tấn công chiến thuật Oka vốn có tầm bắn chỉ 400 km vào danh mục “tiêu hủy, không chế tạo”.
Đối với các tướng lĩnh Nga ngày ấy, đó là một cú sốc. Một loại vũ khí mới nhất, độc đáo nhất, không có đối thủ cạnh tranh, đã bị hy sinh cho tình hữu nghị Nga-Mỹ. Tại sao và để làm gì? Cho đến nay nhiều người vẫn trăn trở với câu hỏi này. Nhưng đối với các chuyên gia phân tích chiến lược, điều đó là hiển nhiên. Mỹ và các đồng minh NATO rất sợ Oka. Theo tính năng thiết kế, nó có thể bắn trúng bất kỳ mục tiêu nào ở châu Âu dù được bảo vệ tối đa, thậm chí cả các kho bom hạt nhân của quân đội Mỹ ở Tây Đức. Việc phát hiện và đánh chặn loại tên lửa này là không thể - nó bay theo nguyên lý đạn đạo với vận tốc 5.000 m/giây và “tàng hình” đối với radar, ngay cả những loại radar mà hiện nay đang được sử dụng trong các hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ.
Đối với giới quân sự Mỹ, việc tiêu hủy Oka là một trong những thành tựu quan trọng nhất của thời đại giải trừ quân bị. Cách đây vài năm, Văn phòng thiết kế chế tạo máy Kolomna của Nga (nơi chế tạo tổ hợp tên lửa Oka) được một viện bảo tàng của Mỹ đề nghị bán lại mô hình loại tên lửa này, nhưng đã từ chối. Người Nga không chỉ không giữ lại bệ phóng tên lửa mà còn tháo dỡ, loại bỏ các thiết bị sản xuất Oka. Người Mỹ thở phào. Nhưng người Nga đã không ngồi yên hối tiếc…
Một xe dàn phóng cùng 2 tên lửa tầm trung Iskander của Nga - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Rất nhiều sự lựa chọn
Việc Iskander được “trình làng” đã khiến phương Tây bất ngờ và khó chịu. Iskander thậm chí còn mạnh hơn và nguy hiểm hơn so với “phiên bản tiền nhiệm” của mình là Oka. Với tầm bắn xấp xỉ 500 km, mỗi tên lửa trong tổ hợp có thể mang đầu đạn bình thường (sức công phá tương đương các loại vũ khí hạt nhân, nhưng không gây ô nhiễm phóng xạ) hoặc đầu đạn liên hoàn gồm 54 đơn vị nổ với các chức năng khác nhau như xuyên phá, nổ phá sát thương, nổ phá hủy diệt công trình, v.v.
Iskander-M có thể sử dụng đến 10 loại đầu đạn khác nhau. Tổng công trình sư Valery Kashin, người chỉ huy nhóm thiết kế, phát biểu trên kênh truyền hình Star của quân đội Nga: “Iskander-M sẽ còn được tiếp tục hoàn thiện, và hiện nay sau cuộc thử nghiệm ở cấp nhà nước, nó đã chứng tỏ là một loại vũ khí lợi hại, có thể sử dụng cho nhiều mục đích, giống như một khẩu súng săn đa năng, có thể bắn vịt trời, cũng có thể săn voi, tùy vào loại đạn được lắp vào nòng”.
Ví dụ, trong phiên bản Iskander-K, tổ hợp được trang bị hai tên lửa hành trình tầm xa Kaliber cho phép tiêu diệt không chỉ những cơ sở hạ tầng trên mặt đất của đối phương mà còn cả những mục tiêu trên biển. Nếu được cải tiến, tầm bắn 480 km như hiện nay có thể được nâng lên đến vài nghìn km.
Như vậy, từ sâu trong hậu phương, Iskander có thể phá hủy một cách hiệu quả các căn cứ tên lửa, pháo binh, các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không, sân bay, trung tâm chỉ huy và truyền thông, bao gồm cả dưới lòng đất, và các mục tiêu quan trọng khác, bất kể quy mô lớn hay nhỏ. Để tăng khả năng đánh trúng một mục tiêu được bảo vệ tốt, tổ hợp được cài đặt các giải pháp kỹ thuật phức tạp để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương, tương tự như ở loại tên lửa liên lục địa chiến lược tiên tiến nhất Topol-M.
Tấn công với độ chính xác cực kỳ cao
Trên chiến trường, Iskander không bị lệ thuộc vào sự hướng dẫn của vệ tinh do thám hoặc máy bay trinh sát. Việc xác định mục tiêu có thể được thực hiện bằng xe trinh sát, thiết bị trinh sát pháo binh hoặc ảnh chụp các vị trí mục tiêu trên mặt đất, thông qua máy quét sẽ nhập vào các máy tính trên xe chở tổ hợp. Từ khi bắt đầu “vươn nòng” cho đến khi khai hỏa chỉ mất chưa đầy 2 phút. Ngay cả khi đối phương bằng biện pháp trực quan xác định được nơi tên lửa phóng đi thì việc bắn trả cũng không còn ý nghĩa, vì chỉ sau vài phút, tổ hợp Iskander đã có thể bật các thiết bị ngụy trang và rời xa khỏi vị trí ban đầu.
Radar định vị lắp đặt trong đầu đạn sẽ dẫn đường cho tên lửa đi đến mục tiêu. Ngoài ra còn có thiết bị quang học giúp phát hiện mục tiêu. Những nguyên tắc này được thực hiện trong tên lửa hành trình Tomahawk và CALCM hiện đại nhất của Mỹ. Phương thức hoạt động của Tomahawk từng được đài truyền hình CNN tường thuật trực tiếp từ Iraq và Nam Tư, chiếu toàn bộ cảnh từ khi tên lửa rời khỏi máy bay cho đến khi bay tới đích và phát nổ. Tuy nhiên, Iskander của Nga có tính năng vượt trội hơn ở chỗ có thể tấn công các mục tiêu ngay cả trong đêm không trăng, và có thể bắn trúng mục tiêu di động với độ chính xác rất cao (sai số cho phép chỉ là 2 mét). Ngoài Iskander, không một hệ thống tên lửa chiến thuật nào trên thế giới có được tính năng này.
Thanh kiếm và lá chắn
Một hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M bao gồm tổng cộng 51 xe: 12 xe bệ phóng, 12 xe tải vận chuyển hàng hóa, 11 xe chỉ huy và binh sĩ, 14 xe hậu cần, đầu đạn thay thế, 1 xe kỹ thuật và bảo trì, 1 xe xử lý thông tin dẫn đường chính xác cho tên lửa và chuyên chở các thiết bị khác.
Hiện nay Iskander-M đã được triển khai ở Kaliningrad để đối phó với tên lửa Mỹ bố trí tại Ba Lan, ở tỉnh Leningrad để “canh chừng” những căn cứ quân sự của NATO ở các nước vùng Baltic, ở vùng Viễn Đông để làm “phên dậu” phía Đông. Sắp tới đây, Iskander sẽ được triển khai ở Crimea để nếu cần thiết thì có thể phá hủy căn cứ tên lửa đánh chặn của Mỹ ở Romania. Và nếu kết hợp với máy bay ném bom Tu-22M3 mang tên lửa hành trình Kh-22 và Kh-15, Iskander-M sẽ có thể xóa sổ hoàn toàn các lực lượng hải quân thù địch tại Biển Đen.
Cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Yuri Baluyevsky phát biểu trên kênh truyền hình Star: “Sự hiện diện của các tổ hợp tên lửa như vậy cho phép chúng ta xây dựng một hệ thống an ninh quốc gia trong bối cảnh tình hình quốc tế đang diễn biến phức tạp. Tôi hy vọng rằng động thái triển khai tên lửa Iskander của Nga sẽ làm nguội bớt những cái đầu nóng ở một số quốc gia láng giềng không thân thiện”.
Chính sự tồn tại của loại vũ khí này là lời cảnh báo đối với thái độ thù nghịch trong quan hệ với Nga. Đó là thứ vũ khí bất khả ngăn chặn, có thể khai hỏa ngay lập tức và sức công phá của nó có thể so sánh với hiệu quả của vũ khí hạt nhân.
Theo Thanh Niên