Tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông thách thức Trung Quốc?
VietTimes -- Báo chí Trung Quốc đã xác nhận tàu Liêu Ninh đang có mặt tại Biển Đông để thực hiện một cuộc tập trận 6 ngày. Reuters trước đó cũng thông tin qua ảnh vệ tinh cụm tàu sân bay Liêu Ninh có mặt tại vùng đảo Hải Nam cùng với 40 tàu chiến và tàu ngầm, National Interest ghi nhận.
Các nhà quan sát tin rằng những tàu này thuộc 3 hạm đội chính của hải quân Trung Quốc. Bắc Kinh đang muốn các loại tàu thuộc các vùng hải quân khác nhau kết hợp với Liêu Ninh để mài giũa khả năng hợp đồng chiến đấu. Không có dấu hiệu cho thấy tàu sân bay của Trung Quốc muốn biểu dương lực lượng trong khu vực.
Nhiều tờ báo của Trung Quốc nói rằng cuộc tập trận được thực hiện với mục đích giải quyết những thiếu sót và sai lầm đã được phơi bày trong nhiều năm kể từ khi tàu Liêu Ninh thực hiện nhiệm vụ của hải quân Trung Quốc - con tàu được tân trang lại từ tàu cũ thời Liên Xô.
Thời báo Hoàn cầu cũng giải thích cuộc tập trận này là mong muốn của hải quân Trung Quốc đạt tới tầm vóc của một lực lượng hải quân viễn dương thực thụ và họ còn rất nhiều điều phải làm. Một trong những khía cạnh là sự phát triển kết hợp các mẫu tàu chiến đấu hỗn hợp với một tàu sân bay để đương đầu với nhiều nhiệm vụ và những cuộc tuần tra ở các vùng biển khơi.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
Bắc Kinh đã có thái độ ôn hòa khi tàu sân bay của Mỹ USS Theodore Roosevelt - biệt danh "Cây Gậy Lớn" cập cảng Singapore theo lịch trình "nghỉ ngơi" tuần này. Cụm tàu sân bay chiến đấu năng lượng hạt nhân lớp Nimitz này sẽ kết hợp cùng những tàu chiến khác của các đồng minh Mỹ trong khi hướng thẳng tới trung tâm Biển Đông. Theo thời báo Straits Times của Singapore, cụm tàu chiến đấu này bao gồm cả tàu tuần dương USS Bunker Hilland và tàu khu trục USS Sampson đều được trang bị tên lửa hành trình dẫn đường.
Trong khi đó, tờ Financial Review của Úc cho hay đặc trách chính sách an ninh của liên minh châu Âu ông Francois Rivasseau đã cho biết trong tương lai không loại trừ khả năng hải quân châu Âu sẽ tiến hành tuần tra trên Biển Đông. Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ đang đẩy mạnh hợp tác thông qua Hội đàm an ninh bốn bên. Anh cũng đang cân nhắc sẽ đưa tàu chiến tới khu vực. Trong khi đó, việc đối đầu giữa 2 cụm tàu sân bay của Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông rất có thể sẽ không xảy ra do chênh lệch về năng lực.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Các nhà phân tích bên ngoài đã hiểu rõ tàu Liêu Ninh của Trung Quốc sau nhiều năm quan sát và có cái nhìn cận cảnh khi tàu sân bay này neo ở cảng Hồng Kông vào tháng 7.2017. Họ đều nhất trí rằng tàu Liêu Ninh giống như "một món đồ chơi lớn" làm biểu tượng cho chiến lược răn đe. Một con tàu huấn luyện với kết quả yếu kém do thiết kế và sự thiếu trang bị, cũng như sự thiếu kinh nghiệm của hải quân Trung Quốc trong việc tổ chức đội ngũ của một cụm tàu chiến đấu hiện đại dù các tướng lĩnh và thủy thủ của Trung Quốc là những người tiếp thu nhanh.
Trong khi đó những thông tin xuất hiện trên nhật báo của quân đội Trung Quốc vào ngày 5.4 cho biết cuộc tập trận là để thử "những hệ thống liên lạc và định vị mới cũng như các loại máy bay mới" được đặt trên tàu sân bay nhưng không cung cấp chi tiết của những triển khai mới này. Một bình luận trên trang tin của Trung Quốc nói sự tập trung vào những triển khai mới nhất trên tàu Liêu Ninh là những phi đội máy bay mới như J-15, một bản copy của máy bay Su-33 do Liên Xô thiết kế sẽ không thể đối mặt với máy bay hạ cánh thẳng đứng như máy bay tàng hình F-35 của Mỹ.
Nhật báo Nhân dân Trung Quốc hồi đầu năm cũng tiết lộ máy bay chiến đấu tầm trung J-31 động cơ đôi thế hệ thứ 5 sắp được ra mắt với nhiều kế hoạch thử nghiệm trong năm nay: "J-31 có thể kết hợp với J-15 và J-20 trong tương lai để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau cũng như trên biển hoặc trong đất liền".