Ảnh chụp tàu ngầm hạt nhân Moscow trước vùng nước của nhà máy. Việc hoàn tất các khâu cuối của chiếc tàu ngầm này vẫn tiếp diễn, và tàu sẽ sớm tiến hành các thử nghiệm trên biển.
Chiếc tàu ngầm hạt nhân đồ sộ này dài 175 m, lượng choán nước hơn 18.000 tấn, trang bị 2 tổ máy chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Theo trang tin defendingrussia ngày 16.11, tàu ngầm hạt nhân Moscow ban đầu là tàu K-64 thuộc lớp tàu 667 (NATO gọi là lớp tàu ngầm hạt nhân Delta IV). Tàu đặt đóng năm 1982 tại xưởng Sevmash, hạ thuỷ tháng 3.1984, đến năm 1986 đi vào hoạt động trong Hải quân Liên Xô.
Tàu K-64 với 135 thuỷ thủ và sĩ quan, vũ trang 16 tên lửa liên lục địa (mỗi tên lửa mang 4 đầu đạn hạt nhân), mỗi quả đủ sức huỷ diệt cả 1 thành phố lớn. Tàu này thường ẩn mình dưới lớp băng dầy của Bắc Cực, sẵn sàng giáng đòn tấn công vào lãnh thổ đối phương cách xa hàng ngàn km. Nga có 6 chiếc tàu loại này đang hoạt động.
Từ năm 1999, chính phủ Nga ra lệnh đưa tàu ngầm K-64 về xưởng Severodvinsk để cải tạo lại, trị giá 7 triệu USD. Mục tiêu là thay thế các khoang phóng tên lửa bằng khoang chứa các thiết bị hiện đại phục vụ việc do thám và thực hiện các “sứ mạng bí mật”.
Xưởng đóng tàu đã cắt bỏ khoang phóng tên lửa, thay bằng khoang mới phục vụ “sứ mạng bí mật”, và do vậy khiến thân tàu ngầm Moscow dài hơn so với trước. Đến ngày 12.8.2015 tàu Moscow mới hạ thủy.
Tàu Moscow khi hoàn thiện sẽ sử dụng vào các nhiệm vụ bí mật dưới lòng biển sâu, chủ yếu sẽ dùng chuyên chở các tàu ngầm mini bí mật như các loại Kashalot, Paltus, Losharik. Ngoài ra tàu có thể dùng chở tàu ngầm không người lái loại Klavesyn-1R.
Sơ đồ kích thước tàu ngầm Moscow và tàu ngầm mini Losharik |
Ngoài ra, mới đây sau khi truyền thông Nga đưa tin loại vũ khí bí mật Status-6 của Nga bị “lộ hàng” trên truyền hình, tạp chí Mỹ Business Insider ngày 11.11 có bài viết cho rằng Status-6 của Nga không thể trở thành hiện thực mà chẳng qua là nhằm mục đích tuyên truyền sức mạnh của Nga.
Business Insider cho hay Status-6 có 2 loại tàu ngầm hạt nhân mới, và 1 loại tàu ngầm không người lái có khả năng mang ngư lôi hoặc đầu đạn hạt nhân, di chuyển xa 10.000 km và lặn sâu 1.000 m, tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Loại tàu lặn tự hành này sẽ áp sát bờ biển đối phương và khai hỏa vũ khí hạt nhân hủy diệt khu vực mục tiêu.
Tuy nhiên Business Insider nói vũ khí hạt nhân của tàu lặn tự hành này là không mới, có thể là loại ngư lôi hạt nhân T-5 có từ thời Liên Xô những năm 1950. Nga đang phải đối phó với vấn đề giá dầu giảm, kinh tế khó khăn nên khó có thể chi tiền cho các chương trình quốc phòng dài hơi.
Bằng chứng là dự án chế tạo máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới PAK DA dự kiến đến năm 2023 sẽ hoạt động nay tạm gác lại, và Nga phải nâng cấp đội máy bay ném bom siêu thanh Tu-160 có từ thời Liên Xô. Còn siêu xe tăng Armata cũng gặp vấn đề tương tự về tài chính nên dự kiến quân đội Nga chỉ nhận được 330 chiếc vào năm 2020 thay vì 2.300 chiếc như kế hoạch ban đầu.
Theo Thanh niên