Ngoài lo ngại các cuộc tập trận sẽ ảnh hưởng đến giao thông đường biển và đường hàng không, một số học giả Đài Loan còn chỉ ra rằng “đường giữa của eo biển Đài Loan” (trung tuyến) có thể không còn nữa và “sự tương tác quân sự giữa hai bên eo biển sẽ leo thang thành sự bình thường mới."
Bà Nancy Pelosi là nhân vật chính trị cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan trong 25 năm qua. Chuyến thăm của bà đã khiến quan hệ hai bên eo biển Đài Loan vốn đã căng thẳng lại càng thêm căng thẳng. Theo thông tin từ các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc, Chiến khu Miền Đông của Trung Quốc thông báo sẽ bắt đầu một loạt các hoạt động quân sự xung quanh đảo Đài Loan từ đêm ngày 2/8 và tổ chức bắn đạn thật.
Thông báo do Tân Hoa xã đưa ra cũng cảnh báo các tàu thuyền và máy bay không được đi vào vùng biển và vùng trời nơi đang diễn tập quân sự trong thời gian này vì lý do an toàn.
Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã kết thúc, nhưng các cuộc tập trận của PLA quanh đảo Đài Loan giờ mới bắt đầu (Ảnh: LTN). |
“Sự răn đe chưa từng có”
Ông Trương Học Phong, một chuyên gia quân sự Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu rằng, các cuộc tập trận này có ba "lần đầu tiên" và là "biện pháp răn đe chưa từng có đối với thế lực tìm kiếm ‘độc lập’ ở Đài Loan."
Trương Học Phong cho biết đây là lần đầu tiên Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến hành bắn đạn thật vũ khí tầm xa ở eo biển Đài Loan. "Nếu một tên lửa thông thường của PLA được phóng đi từ phía tây của đảo Đài Loan, thì rất có khả năng sẽ bay qua bầu trời đảo Đài Loan, điều chưa từng được thực hiện trong các cuộc tập trận trước đây”.
Đây cũng là lần đầu tiên PLA cùng một lúc tiến hành các cuộc tập trận trên biển và trên không tại sáu khu vực xung quanh đảo Đài Loan. Ngoài ra, việc khoanh vùng một số khu vực tập trận lần này đã lần đầu tiên đột phá “vùng biển và không phận 12 hải lý” của phía Đài Loan, thậm chí có thể đi vào bên trong phạm vi 10 hải lý. Đây chính là điều mà dư luận Đài Loan bày tỏ lo ngại mấy ngày qua về khu vực tập trận ở gần các cảng Cơ Long và Cao Hùng.
Sơ đồ do Tân Hoa xã công bố cho thấy các cuộc tập trận chồng lên giữa Đường trung tâm Eo biển Đài Loan, có nơi chỉ cách bờ biển chưa đầy 20km, vượt xa các cuộc tập trận trong cuộc Khủng hoảng 1996 (màu xám). (Ảnh: CNA). |
"Rõ ràng là đang phong tỏa Đài Loan"
Một đoạn video cũng được đưa vào bản tin của trang web Thời báo Hoàn cầu (Global Times), trong đó tướng quân đội Đài Loan đã nghỉ hưu Soái Hóa Dân nói rằng các cuộc tập trận quân sự cùng lúc của PLA tại 6 khu vực xung quanh đảo Đài Loan rõ ràng là "đang phong tỏa Đài Loan": các cảng Đài Bắc, cảng Cơ Long, cảng Đài Trung, Cao Hùng, Bình Đông, Đài Đông, Hoa Liên, đều không thể ra vào được. Ông nói: "Nếu cuộc tập trận kéo dài lâu hơn một chút, trong một hoặc hai tuần, thì rất nhiều nguồn vật tư chiến lược của chúng ta sẽ bị cắt đứt".
Vị tướng về hưu của quân đội Đài Loan này cũng nói về ảnh hưởng thực tế của cuộc phong tỏa này đối với Đài Loan trong một cuộc trả lời phỏng vấn Thời báo Hoàn cầu vào ngày 3/8. Soái Hóa Dân nói rằng Đài Loan là một nền kinh tế bị chi phối bởi ngoại thương, sự tồn tại phụ thuộc hoàn toàn vào ngoại thương. Ví dụ, các vật tư chiến lược như khí đốt tự nhiên và dầu mỏ phải dựa vào giao thông đường biển, lượng vận chuyển bằng đường hàng không rất nhỏ. "Nếu phong tỏa không kéo dài, ảnh hưởng là tương đối nhỏ, nhưng điều này đủ để cảnh báo chính quyền Đài Loan rằng nếu tình hình ở eo biển Đài Loan xấu đi, kiểu phong tỏa này sẽ được kéo dài, và nếu kéo dài một tháng, nó sẽ hoàn toàn cắt đứt nguồn cung cấp vật tư chiến lược cho đảo Đài Loan."
Thông tin này đã được truyền thông Trung Quốc tuyên truyền rộng rãi.
Sáu cuộc tập trận hình thành thế bao vây Đài Loan (Ảnh: Xinhua). |
"Chính phủ chúng ta đã sẵn sàng cho loại 'chiến tranh không hạn chế' này chưa?"
Nhà lập pháp của Đảng Dân chúng Đài Loan Cao Hồng An ngày 3/8 cũng nói về vấn đề "vật tư chiến lược". Theo tin của Apple Daily News, bà nói rằng đối mặt với các mối đe dọa từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan nên thiết lập một danh sách "các ngành chiến lược" và "vật tư chiến lược" để có các biện pháp đối phó trong quá trình đàm phán.
Cao Hồng An nói: "Khi các cuộc xung đột trên thế giới đã chuyển từ chiến tranh nóng sang 'chiến tranh không hạn chế' trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, thương mại và tài chính, và sử dụng các công cụ 'an ninh phi truyền thống' để tiến hành đối đầu, chính phủ của chúng ta đã chuẩn bị hay chưa? Trước đây, Trung Quốc chỉ cấm nhập dứa, cá chạch và cá mú đã khiến Đài Loan không thể ứng phó và gây thiệt hại cho nông dân và ngư dân. Lần này, Trung Quốc đại lục đã cấm nhập khẩu hơn 100 sản phẩm (sau lên 2.020 sản phẩm) ảnh hưởng sẽ không thể xem thường, cần được quan sát chặt chẽ.”
Tuy nhiên, cũng có nhà phân tích cho rằng Trung Quốc không thể kéo dài thời gian phong tỏa. Ông Dư Tông Cơ, nguyên Viện trưởng Học viện Chính trị và Chiến tranh, Đại học Quốc phòng Đài Loan nói với báo chí, việc Trung Quốc phong tỏa vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan có tác động lớn đến nền kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc. “Nếu Trung Quốc kéo dài phong tỏa chẳng khác nào cổ vũ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc can thiệp vào vấn đề Đài Loan, cho nên họ không dám kéo dài thời gian bắn đạn thật quá lâu”.
Chiến khu Miền Đông PLA thông báo sẽ tiến hành bắn đạn thật (Ảnh: Xinhua) |
Đài Loan phối hợp với Nhật Bản, Philippines để tìm đường bay thay thế
Theo tin của hãng truyền thông Đài Loan LTN lúc 17h địa phương ngày thứ Tư (3/8), tính đến thời điểm lúc đó, chưa có hãng hàng không quốc tế nào hủy bỏ chuyến bay do các cuộc tập trận của PLA. Tuy nhiên, mạng tin tức TVBS của Đài Loan đưa tin lúc 18h41, trang web chính thức của sân bay Đào Viên cho thấy 51 chuyến bay đã bị hủy, phía sân bay cho biết hầu hết đều liên quan đến dịch COVID-19, tuy nhiên có hãng hàng không đã tổ chức họp để thảo luận về việc Trung Quốc tập trận quân sự kiểu "bao vây”. Do khu vực tập trận trùm lên một số đường bay, có hãng hàng không đã phối hợp với quân đội thông qua Cục Hàng không Dân dụng, hy vọng sử dụng đường bay và vùng trời của quân đội.
Ngoài ra, bản tin này cũng chỉ ra rằng cơ quan Giao thông Vận tải Đài Loan đã họp khẩn, Hội Vận tải Hàng không đã thay đổi lộ trình và độ cao, đồng thời đang điều phối đường bay thay thế với Nhật Bản và Philippines. Được biết, bị ảnh hưởng lớn nhất từ các cuộc tập trận của PLA là các đường bay từ Nhật Bản và Hàn Quốc tới Đông Nam Á."
Ảnh hưởng lâu dài lớn hơn cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996?
Nhiều người lo ngại chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi sẽ một lần nữa châm ngòi cho cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan nghiêm trọng, và tác động của nó thậm chí có thể vượt quá cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996. Ông Quách Chính Lượng, cựu Ủy viên lập pháp Đài Loan và nhà bình luận các vấn đề thời sự, cho rằng 6 khu vực tập trận của PLA lần này đều vượt quá ranh giới ở giữa eo biển Đài Loan, phá vỡ sự mặc nhận về Đường trung tâm trước nay; "nghĩa là không có Đường trung tâm, và trong tương lai cũng không có", điều này sẽ khiến Vùng nhận dạng Phòng không Đài Loan (ADIZ) chồng lấn với ADIZ đại lục.
Ông Quách Chính Lượng: các cuộc tập trận của PLA lần này sẽ phá bỏ sự mặc nhận về Đường trung tâm Eo biển Đài Loan trước nay (Ảnh: ETtoday). |
Ông nói: "Tôi sẽ không nói đây là sự khởi đầu của việc thống nhất bằng vũ lực, nhưng trong tương lai, khả năng xảy ra rủi ro xuyên eo biển sẽ ngày càng cao”, và "sự tương tác quân sự giữa hai bên sẽ được leo thang thành sự bình thường mới". Ông nói: "Đây là điều mà mọi người đều lo lắng, và nó đã xảy ra. ... Bây giờ điều mà Đài Loan quan tâm là liệu tình hình căng thẳng và leo thang quân sự xuyên eo biển này có tiếp tục kéo dài đến Đại hội lần thứ 20 ĐCSTQ hay không."
Theo báo chí Đài Loan đưa tin, học giả Đường Thiệu Thành ở Trung tâm Quan hệ Quốc tế, Đại học Chính trị Đài Loan, cũng bày tỏ quan điểm tương tự, cho rằng "sự phong tỏa trên biển và trên không" của PLA có nghĩa là Đường trung tâm eo biển Đài Loan "có lẽ không còn tồn tại đối với Bắc Kinh."
Điều này phù hợp với phán đoán của một số chuyên gia về vấn đề xuyên eo biển. Sau khi tin tức về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi được đưa ra, ông Lã Lễ Thi, một cựu thuyền trưởng tàu chiến hải quân Đài Loan, trong một cuộc phỏng vấn với Deutsche Welle đã nói, một hậu quả quân sự có thể xảy ra của việc này là "Trung Quốc phá vỡ thỏa thuận ngầm về Đường trung tâm của eo biển Đài Loan thông qua ưu thế trên biển và trên không.”
Khi nói về cuộc tập trận eo biển Đài Loan quy mô lớn hiện nay của PLA, hãng truyền thông Đài Loan Feng Media đã trực tiếp sử dụng từ "Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ tư" trong một bài báo phân tích.
Ngày 3/8, cơ quan phòng vệ Đài Loan chỉ trích Trung Quốc phá hoại hiện trạng ở eo biển Đài Loan. Ông Tôn Lập Phương, phát ngôn viên của cơ quan này, nói rằng một số khu vực tập trận của PLA "xâm phạm lãnh hải hoặc các khu vực lân cận” của Đài Loan, gây nguy hiểm cho các tuyến đường vận chuyển quốc tế, và là những hành động phi lý tính phá vỡ hiện trạng ở eo biển Đài Loan và gây nguy hiểm cho an ninh khu vực."