Một học giả ở Úc mô tả với báo Economist rằng ông Tập là “Chủ tịch mọi chức”, cảnh báo rằng các vấn nạn của TQ ngày càng tăng thì quyền lực của ông Tập cũng tăng theo.
Tiếp sau vụ chứng khoán mất giá trị hồi tháng 8.2015, sức tăng trưởng kinh tế TQ bị giảm nặng, chính quyền phải tìm cách sửa đổi các chiến lược kinh tế.
Ông Tập cũng đang phải xử lý vụ khủng hoảng y tế: các công ty dược phẩm và bệnh viện bán các loại vaccine hết hạn ra chợ đen.
Ông Tập đang ráng làm trong sạch Đảng Cộng sản TQ (CPC) bằng chiến dịch chống tham nhũng, nhắm vào cán bộ đảng viên lạm quyền, “ăn bẩn” và hưởng các đặc quyền khi đương chức.
Hồi đầu tháng 3, ông Tập nói: “Cán bộ đảng viên phải hết lòng phục vụ nhân dân, luôn nghĩ về tổ quốc và dân tộc, làm việc hết mình vì lý tưởng của đảng và vì nhân dân”.
Tuy nhiên, phe chỉ trích nói cuộc chống tham nhũng là cớ để ông Tập bỏ tù những người bị ông xem là mối đe dọa chính trị.
Vài tháng qua, ông Tập cũng tiến hành cuộc truy bức những người chống đối chính trị, và một bức thư vô danh đòi ông từ chức đã kích hoạt một loạt những vụ bắt giữ trong tháng qua.
Bức thư này xuất hiện ngắn ngủi trên trang web Vô Giới, trước khi toàn bộ dấu vết của nó bị xóa khỏi mạng internet TQ, theo báo Guardian (Anh).
Thư có chữ ký là “các đảng viên Cộng sản trung thành”, viết: “Đồng chí Tập, chúng tôi cảm thấy đồng chí không có khả năng lãnh đạo đảng và đất nước đi vào tương lai. Và chúng tôi không nghĩ đồng chí còn xứng đáng với vai trò tổng bí thư. Vì lý tưởng của đảng, vì nền hòa bình và ổn định của quốc gia, và vì sự an toàn của cá nhân đồng chí và gia đình đồng chí, chúng tôi yêu cầu từ nhiệm khỏi mọi vị trí”.
Thư còn phê phán ông Tập “từ bỏ nguyên tắc lãnh đạo tập thể”, thu vén quyền lực về tay ông một cách quá đáng, và ông Tập “nuông chiều bọn nịnh bợ”, làm tê liệt chính quyền bằng chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ đập ruồi”.
“Cán bộ đảng Cộng sản trung thành” còn viết: “Sự ham mê tôn sùng cá nhân của đồng chí Tập và việc cấm bàn luận không chính đáng về trung ương khiến chúng tôi, những người đã trải qua cuộc Cách mạng văn hóa thời Mao, phải lo ngại. Đảng ta, nước ta và nhân dân ta không thể chịu thêm 10 năm bất ổn rối loạn nữa”.
Thư công kích cách ông Tập xử lý các vấn đề xã hội, ngoại giao và kinh tế, chỉ trích cách ông tiến hành chủ trương đối ngoại hung hăng mang hơi hướng phiêu lưu chủ nghĩa, và ông không hề quan tâm đến nền kinh tế TQ lao dốc trầm trọng:
“Vì đồng chí Tập tập trung quyền lực vào tay đồng chí, và đồng chí trực tiếp ra các quyết định, chúng ta nay đối mặt với những vấn nạn lớn và khủng hoảng ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng và văn hóa”.
Phản ứng của ông Tập với bức thư bí ẩn này (ít nhất 11 người bị bắt) cho thấy ông Tập Cận Bình ngày càng hoang tưởng, theo Willy Lam, giáo sư đại học Hồng Kông chuyên về chính trị TQ.
Lam nói với báo Guardian: “Ông ấy càng có thêm quyền lực, thì ông ấy càng thêm hoang tưởng”.
Báo The Straits Times bình luận: thư chỉ trích ông Tập và các chính sách của ông có thể là dấu hiệu sự bất mãn ngày càng tăng trong CPC, khi ông Tập ra sức củng cố quyền lực.
Các chuyên gia nói dù ông Tập được mô tả là vị lãnh đạo mạnh quyền lực nhất (từ sau Đặng Tiểu Bình) một bộ phận không nhỏ trong đảng có nhiều quyền lợi đang ngày càng không hài lòng, và đã thể hiện dấu hiệu chống đối.
Giáo sư Huang Jing của đại học Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) nói với tờ The Straits Times:
“Nó cho thấy một cuộc đấu đá quyết liệt trong giới lãnh đạo TQ về nhiều vấn đề, và phản ánh sự chống đối, kháng cự từ một vài bè phái, nhất là về cuộc chống tham nhũng của ông Tập”.
Giáo sư Huang nói thêm: “Trong khi tôi nghĩ bức thư ngỏ phản ánh nỗ lực tuyệt vọng của phe chống đối, nhằm duy trì quyền lực hơn là một dấu hiệu sức mạnh, nó vẫn cho thấy ông Tập chưa thể đạt được một thắng lợi quyết định trong việc củng cố quyền lực”.
Nhà phân tích chính trị Steve Tsang ở đại học Notthingham nói: “Nếu ông Tập là lãnh đạo mạnh mẽ như nhiều người nói, ông ấy chỉ việc phớt lờ bức thư…Thay vào đó, ông ấy xem nó là chuyện nghiêm trọng và nay toàn thế giới đang chú ý”.
Tsang nói thêm: “Có lẽ ông Tập phản ứng quá đáng, vì ông ấy cảm thấy không đủ an tâm về việc ông ấy nắm quyền lực, vì thế, ông ấy cảm thấy cần trừng phạt những kẻ chống đối, chứ không vì để chặn những kẻ toan thách thức ông ấy”.
Tuy nhiên, nhà phân tích Zhang Jian (ở đại học Bắc Kinh) nói không rõ có đúng đích thân ông Tập ra lệnh trừng phạt những kẻ tạo ra và phát tán bức thư.
Theo International Business Times, The Straits Times, Một thế giới