Tại sao phương Tây hè nhau chống Nga

VietTimes-- Cuộc xung đột Nga- phương Tây vốn âm ỉ nhiều năm và gần đây đã trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Nhưng nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột kéo dài này là từ đâu? Dưới đây là phân tích của ông Alexander Rahr, một chuyên gia phân tích chính trị Châu Âu. Cuộc phỏng vấn được nhà văn, nhà sử học Nga Vitaly Tsepliaev thực hiện, đăng trên tuần báo “Luận chứng và sự kiện” số 16, ngày 18/04/2018.
Alexander Rahr- nhà khoa học chính trị Đức hàng đầu, Giám đốc Trung tâm Berthold Beyce thuộc Hội đồng Chính sách Đối ngoại Liên bang Đức (DGAP), người gần gũi với giới chính trị tinh hoa Nga. Ông có một quá trình dài làm việc trong môi trường tinh hoa
Alexander Rahr- nhà khoa học chính trị Đức hàng đầu, Giám đốc Trung tâm Berthold Beyce thuộc Hội đồng Chính sách Đối ngoại Liên bang Đức (DGAP), người gần gũi với giới chính trị tinh hoa Nga. Ông có một quá trình dài làm việc trong môi trường tinh hoa

Thế giới bên bờ vực “thế chiến” như năm 1962

Vitaly Tsepliaev: Theo ông, ở Syria điều gì đang xảy ra, một cuộc Chiến tranh Lạnh mới? Hay là Syria có thể trở thành ngòi nổ cho cuộc chiến tranh nóng?

-Alexander Rahr: Các sự kiện của tuần trước có thể đi vào lịch sử như cuộc khủng hoảng Caribbe thứ hai. Thế giới đứng trên bờ vực chiến tranh như năm 1962. Mỹ, Anh và Pháp đã tấn công tên lửa vào các cơ sở công nghiệp của Syria. Ơn Chúa, liên minh Phương Tây đã không mạo hiểm, họ đã tránh sự va chạm trực tiếp với quân đội Nga trên lãnh thổ Syria. Nếu họ không hành động như vậy, thì lập tức, chúng ta sẽ đứng trên bờ vực của cuộc Thế chiến Thứ Ba.

Nhưng tình hình vẫn có nguy cơ bùng nổ. Những lực lượng hậu trường, mà có lẽ là những kẻ chủ mưu trong sự cố vũ khí hóa học, về sau này, vẫn có khả năng kích động cuộc đối đầu, giữa những quân đội mạnh nhất trên thế giới hiện nay. Ở đây có một điều thú vị, đáng chú ý là một quốc gia như Đức, mặc dù trong vụ đầu độc cha con Skripal đứng về phía London một cách dứt khoát, nhưng hiện giờ, lại đã kiên quyết từ chối tham gia vụ không kích Syrie. Đối với bà Merkel, quyết định này không hề dễ dàng. Các đồng minh Phương Tây dễ có thể cáo buộc bà, về “tội” thiếu đoàn kết.

Mỹ, Pháp và Anh đã tấn công Syria. Nhưng theo trình tự các sự kiện, thì người ta ngay lập tức đã cáo buộc lãnh đạo Syria, là họ sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân, mà không đợi kết quả điều tra cuối cùng. Vậy đâu là nguyên tắc của sự vô tội mặc định trước khi có bản án?

-Đối với Mỹ, Anh và Pháp, chả còn bằng chứng nào là quan trọng nữa. Ngay từ năm 2011, họ đã quyết định là Assad phải ra đi. Đơn giản là vì anh ta "xấu". Nhưng đúng là lúc đó không ai ngờ, rằng Nga sẽ thò tay vào Syria, và quyết liệt bảo vệ Assad đến như vậy. Vì vậy mà ngày nay, Mỹ, Anh và Pháp nhìn Nga như kẻ thù. Nhưng họ vẫn không lùi bước, “Assad phải biến mất”. Chấm hết.

Cách tiếp cận này, mà tôi gọi là một cách tiếp cận theo hệ giá trị, rất nguy hiểm. Bởi vì nó dựa trên những quan niệm thuần túy Phương Tây về thiện và ác. Không ai buồn nghĩ sâu xa, về những gì sẽ xảy ra với một đất nước, khi nó bị ném bom. Cũng như ngày hôm nay, không ai hối tiếc về những gì đã xảy ra với Libya, một đất nước đã từng là một quốc gia thịnh vượng. Hiện nay, Libya đã bị vỡ ra từng mảnh và bị ném rất xa trở lại quá khứ. Đối với Phương Tây, điều quan trọng là phải loại bỏ Gaddafi, và ông đã bị loại bỏ. Những “giá trị tự do dân chủ” đã thắng. Còn bằng giá nào không quan trọng!

Người ta đã sử dụng một cách tiếp cận tương tự ở Iraq, khi cần thiết phải loại bỏ "kẻ độc tài gian ác Hussein". Để chứng minh các tội ác của một chế độ độc tài Phương Đông nào đó, việc điều tra kỹ lưỡng một sự việc cụ thể, không làm người ta quá bận tâm. Họ cho rằng, chỉ cần lan truyền một vài hình ảnh có những người chết, hoặc những đứa trẻ đang khóc, trên các phương tiện truyền thông hàng đầu thế giới là đủ. Những hình ảnh này sẽ được quay đi quay lại , cho đến khi nào trong não bộ của giới tinh hoa và trong xã hội, một quan niệm về một con quỷ hút máu đang trị vì ở Iraq, không được bám chặt rễ .

Nhưng đồng thời, người ta cũng không có một kế hoạch nào, rõ ràng về những gì cần làm với Iraq nói riêng, và với cả Trung Đông nói chung. Bài học cay đắng về sự xuất hiện của IS trên các đống đổ nát của Irag và Syria, cũng chẳng dạy ai được điều gì cả.

Vấn đề chủ yếu là ở chỗ, tầng lớp tinh hoa Phương Tây chưa sẵn sàng chấp nhận sự kết thúc của thế giới đơn cực. Họ không muốn chia sẻ ảnh hưởng, quyền lực với bất cứ ai, không với Nga, cũng chẳng với Trung Quốc. Phương Tây đang bảo vệ trật tự thế giới của họ, được xây dựng từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ.

Nga - phương Tây đối đầu trực diện ngay tại LHQ
Nga - phương Tây đối đầu trực diện ngay tại LHQ 

Người Anh đã “dắt mũi” cả châu Âu

Trong một hai năm qua, ngày càng nhiều chính trị gia Châu Âu bắt đầu kêu gọi gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và đối thoại với Moskva. Nhưng sau "vụ đầu độc cha con Skripal", London và Washington đã thành công trong việc dẹp bỏ những bất đồng và chao đảo của người Châu Âu, và kích động được họ đồng tâm nhất trí (trừ một vài ngoại lệ), thực hiện một cuộc trừng phạt ngoại giao chống nước Nga. Cả khi không có bằng chứng thực sự nào về "tội ác" của Nga, cũng như trong trường hợp với những "tội ác" của Assad. Tại sao châu Âu dễ dàng nhảy theo điệu sáo của người Anglo-Saxon như vậy?

-Anh nói đúng, ở phương Tây có một số chính trị gia tỉnh táo, họ luôn cố gắng giải thích cho tất cả, rằng không thể làm hỏng quan hệ với Nga quá mức như vậy. Nhưng số chính trị gia như vậy không nhiều, và họ thường gặp nhiều rắc rối. Chẳng hạn, tôi có thể thấy rõ ràng, có một chiến dịch mà người Mỹ triển khai để chống lại thủ tướng Áo, người đã từ chối trục xuất các nhà ngoại giao Nga, để biểu lộ tình đoàn kết với người Anh.

Tất nhiên, về mặt kinh tế, phương Tây không phải một khối đồng nhất. Có những bất đồng nghiêm trọng giữa Mỹ và EU. Và do đó, để thiết chế của thế giới Phương Tây không đổ vỡ và để gắn kết nó, người ta đã nghĩ ra những cách khác nhau. Trong số đó, có vấn đề về trách nhiệm đối với quốc phòng và an ninh chung của EU. Chẳng hạn, Đức và Pháp, trong những thập kỷ gần đây, đã không tìm kiếm vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực này, mà ưu tiên “nhường” cho Mỹ và Anh. Và người Anh đã khôn khéo lợi dụng điều này.

Câu chuyện về việc đầu độc cha con Skripal, đã được người Anh khéo léo sử dụng để tập hợp tất cả các đồng minh Châu Âu, những người vốn từng nghĩ là đã “rũ bỏ” được nước Anh sau vụ Brexit, và sẵn sàng buộc nước Anh phải trả giá đắt cho việc rút khỏi EU của mình. Nhưng London bằng một nước cờ vi diệu, đã thay đổi được các quy tắc của trò chơi, yêu cầu ở các đồng minh sự đoàn kết, khi phải đối mặt với "mối đe dọa đến từ Nga". Và tất cả mọi người đã bi London dẫn dắt. Người ta đã đặt cho Moskva một điều kiện rất cứng rắn: là nếu muốn làm bạn với chúng tôi, các ông phải trở thành giống chúng tôi. Cách đặt vấn đề như vậy, là không thể chấp nhận được với Nga. Và ngay lập tức, người Nga bị tự động chuyển sang phía đối lập với Châu Âu.

Máy bay ném bom chiến lược B-1 tham gia không kích Syria
Máy bay ném bom chiến lược B-1 tham gia không kích Syria 

Nếu Nga tiếp tục đường lối những năm 90 sẽ không có cuộc xung đột hiện thời?

Nhưng vào năm 2003, Paris và Berlin đã đồng lòng với Moscow phản đối cuộc phiêu lưu của Mỹ ở Iraq…

-Bộ ba này được hình thành vào giữa những năm 1990, theo sáng kiến của Helmut Kohl, Jacques Chirac và Boris Yeltsin. Bộ ba này đã mang lại cho hệ thống an ninh châu Âu, một sự ổn định to lớn. Người ta lúc đó đã coi trọng, tham khảo ý kiến và đối thoại với Nga. Nhưng rồi sau đó, chuyện gì đã xảy ra? EU mở rộng liên tục, Thụy Điển, Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic, trở là những thành viên mới của nó. Mà đầy là những quốc gia với não trạng chống Nga rất mạnh, có từ truyền thống lịch sử của mình. Những thành viên mới này đã ra sức quảng bá và thúc đẩy, để “gài được” các chính trị gia và các quan chức của mình vào hàng ngũ lãnh đạo EU.

Và những thành viên này, thực tế đã thay đổi bộ mặt của Châu Âu thống nhất. Một EU vốn đang cố gắng hòa giải với Nga sau Chiến tranh Lạnh. Nhưng hiện nay, EU cùng với NATO, một lần nữa lại trở thành công cụ ngăn chặn đối với Nga. Những người Châu Âu “gốc” thậm chí, còn không kịp nhận ra việc, họ bị những thành viên mới của EU dắt mũi. Những thành viên mới, chẳng hạn như các quốc gia Baltic, hành động như vậy, đơn giản là vì muốn trả thù Nga về việc trong hơn 45 năm, cộng sản Nga đã ”chiếm đóng" họ.

Tôi không có ý định lý tưởng hóa bản thân nước Nga. Trong những năm gần đây, không phải tất cả mọi điều nước Nga đã làm, đều là không thể chê trách. Nhưng tôi xin nhắc lại, gốc rễ của vấn đề là ở chỗ cách tiếp cận theo hệ giá trị. Nước Nga đã tự chọn số phận lịch sử cho mình. Nếu nước Nga tiếp tục theo đuổi đường lối của những năm 1990, ngày càng áp dụng rộng rãi các nguyên tắc của nền pháp luật Phương Tây, ngày càng mời các ngân hàng Phương Tây tham gia sâu vào đời sống kinh tế Nga, có lẽ sẽ không có cuộc xung đột hiện tại. Ngược lại, nước Nga sẽ nhận được đầy đủ mọi sự hỗ trợ. Nhưng lúc đó, nước Nga sẽ phải chấp nhận bị mất một phần nào đó chủ quyền của mình.

Nhưng nước Nga đã chọn cho mình một con đường khác. Nước Nga bắt đầu tìm kiếm căn tính của mình, không phải ở những giá trị chung toàn Châu Âu, mà ở trong những truyền thống dân tộc, trong lịch sử anh hùng của mình, trong Chính Thống giáo. Và như vậy, nước Nga đã khiến giới tinh hoa Phương Tây chống lại mình. Bởi vì đối với họ, các giá trị tự do dân chủ của Phương Tây là những giá trị hàng đầu, phải được ưu tiên vô điều kiện. Đó cũng chính là lý do tại sao Châu Âu khó tìm ngôn ngữ chung với Nga. Và không chỉ với riêng Nga mà còn với Thổ Nhĩ Kỳ, với Trung Quốc và với tất cả các quốc gia không tiếp nhận những giá trị Châu Âu khác.

Liệu các chính trị gia Phương Tây có hiểu được rằng, mọi áp lực lên nước Nga chỉ dẫn đến thực tế, là quyền lực của Putin sẽ được tăng cường? Chẳng lẽ kết quả những cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, không thuyết phục được họ điều này. Khi mà trong những cuộc bầu cử đó, nhiều người bỏ phiếu cho tổng thống Nga đương nhiệm, một phần cũng vì họ thấy Putin là người duy nhất, có khả năng bảo vệ nước Nga chống lại những cuộc tấn công của Phương Tây?

-Ở Phương Tây người ta tin rằng, hiện nay không phải là Phương Tây đang gây sức ép cho Nga, mà ngược lại, Nga đang đang gây sức ép với Phương Tây. Rằng các anh đang cố gắng phá hủy hệ thống dân chủ Phương Tây, thông qua việc thao túng những cuộc bầu cử của chúng tôi. Đối với tôi, thực là dễ hiểu từ đâu mà có những câu chuyện như vậy. 

Như chúng ta biết, Snowden đã chạy trốn khỏi nước Mỹ và kể cho toàn thế giới rằng, các tổ chức tình báo của Mỹ đã theo dõi cả thế giới như thế nào, đã bao phủ cả thế giới một mạng giám sát bằng công nghệ thông tin ra sao.

Đáng lẽ, người ta phải vô hiệu hóa Snowden, Assange và những người tố cáo khác. Nhưng làm được điều này là quá khó. Vì vậy, cần phải quẳng một thứ gì đó vào không gian thông tin toàn cầu, một thứ cho phép mọi người quên đi những tố cáo này, giúp quay ngược 180 độ trọng tâm chú ý thông tin. Vì vậy, mà chủ đề "tin tặc Nga" đã xuất hiện. Và bây giờ không phải người Mỹ có lỗi trong mọi chuyện, họ không hề can thiệp vào công việc “của người khác”, mà là người Nga!

Liên quân Mỹ- Anh- Pháp không kích căn cứ được cho là cơ sở hóa học của Syria
Liên quân Mỹ- Anh- Pháp không kích căn cứ được cho là cơ sở hóa học của Syria 

Sâu thẳm người Đức không muốn chiến tranh với Nga

Ông không ngạc nhiên về cách ăn nói, mà một số chính khách Phương Tât cho phép mình hay sao? Gavin Williamson Bộ trưởng Quốc phòng Anh đã kêu gọi Nga "câm miệng". Không hiểu trong những học viện nào, người ta đã dạy ông ta cách ăn nói như vậy?

-Tôi còn nhớ rằng trong những năm 1960 và 1970, ở Phương Tây, mặc dù trên thực tế người Phương Tây rất ghét Liên Xô, tìm mọi cách đấu tranh với Liên Xô. Nhưng họ luôn duy trì sự tôn trọng đối phương, như trong thể thao. Có một sự tôn kính nhất định nào đó. Còn bây giờ các nhà lãnh đạo Phương Tây thậm chí không muốn nói chuyện với người Nga, không muốn nói về nước Nga.

Đơn giản là nước Nga bị họ loại ra khỏi bộ nhớ. Khi giao tiếp với các chính trị gia hàng đầu châu Âu, và nói về nước Nga. Tôi nhận thấy, họ thường có ý lảng tránh một cuộc trao đổi nghiêm túc, bằng cách nói: Nga bây giờ là một quốc gia yếu ớt, nếu nước Mỹ muốn, ở Nga không chỉ hệ thống tài chính, mà nói chung, sẽ không còn một nền kinh tế nào tồn tại cả.

Dường như người ta đang áp đặt cho cả thế giới một quan niệm, rằng Nga chỉ đáng bị trừng phạt và chúng ta phải buộc Nga chơi theo qui tắc của Phương Tây. Vì xét cho cùng, nước Nga đã thua chúng ta trong cuộc Chiến tranh Lạnh, có nghĩa là nước Nga phải tự biết vị trí của mình! Và thêm nữa tôi còn nghĩ rằng, Phương Tây đang hành động cứng rắn như vậy đối với Nga, chính là để đe dọa Trung Quốc. Chỉ cho Trung Quốc thấy rằng, Trung Quốc cũng không cần phải “tăng động” như vậy, và nên biết vị trí của mình.

Theo tôi, cần phải làm dịu những cái đầu nóng. Phải cố gắng tạo dựng lại một cuộc đối thoại, khôi phục sự tin tưởng lẫn nhau. Nếu không, chúng ta đang thực sự có nguy cơ rơi vào hỗn loạn, vào Thế chiến Thứ ba. Sự tôn kính mất đi là điều này rất nguy hiểm. Bởi vì nói gì thì nói, Nga là một cường quốc hạt nhân. Vì vậy, việc "khóa miệng" và dồn nước Nga vào góc tường là không thể chấp nhận được.

Chúng ta phải hiểu rằng nước Nga không bao giờ chịu tự loại bỏ mình đi đâu cả, ngược lại, nước Nga đang trở lại giải đấu chính trị hạng nhất ... Đó là một đất nước có những nguồn lực và khả năng khổng lồ. Tôi xin nhắc nhở tất cả mọi người, rằng trước đây, thực tế Liên Xô đã tồn tại một cách độc lập với Phương Tây. Và nước Nga ngày nay cũng sẽ sống sót mà không cần chúng ta, nhưng liệu chúng ta sẽ phải trả giá như thế nào, cho một sự phân chia mới này ở Châu Âu?

Người châu Âu bình thường có chia sẻ quan điểm về nước Nga, của giới tinh hoa chính trị và giới truyền thông Phương Tây không? Mức độ "ghét Nga" của người dân bình thường ở các nước EU tăng lên thế nào?

-Ở Ba Lan, Thụy Điển hoặc Anh, tỷ lệ này rất cao. Ở Đức, theo các cuộc thăm dò ý kiến, tỷ lệ này không cao. Nhưng rất tiếc, là điều này không có ảnh hưởng nào đáng kể, đến chính sách đối với Nga hiện nay của chính quyền Đức. Toàn bộ truyền thông Đức đều có cùng một giọng điệu, không có bất kỳ một quan điểm thay thế tương xứng nào khác. Tất cả mọi người dân Đức đọc những tờ báo yêu thích của mình và tin chúng.

Tất nhiên, ở đâu đó trong sâu thẳm tâm khảm, người Đức không muốn chiến tranh với Nga nữa. Tôi nghĩ rằng, ở nhiều nước châu Âu khác, đặc biệt là ở các nước phía Nam, người dân cũng có cùng một tâm trạng như vậy. Nhưng đồng thời có nhiều quốc gia Châu Âu khác, nơi người ta luôn mơ ước bằng mọi cách đẩy nước Nga ra khỏi Châu Âu.

Có một điều thú vị, là khi nghỉ hưu, nhiều chính trị gia Châu Âu thay đổi đáng kể thái độ của họ đối với Liên bang Nga. Họ bắt đầu nói rằng, cần phải hợp tác với Nga, phải kéo Nga tham gia vào việc giải quyết các vấn đề chung của Châu Âu. Không thể giải quyết các vấn đề Châu Âu thiếu nước Nga. Một hiện tượng có tính triệu chứng, phải không?

Tiêm kích Su-30SM của Nga hoạt động ở Syria.
Tiêm kích Su-30SM của Nga hoạt động ở Syria. 

Cơ hội cải thiện quan hệ Nga- phương Tây

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sắp tới? Liệu niềm đam mê thể thao tại World Cup 2018 sắp tới ở Nga, có khả năng đẩy lùi được những mâu thuẫn chính trị đang sôi sục ra phía sau không? Có hy vọng đối thoại và hợp tác nào không?

-Nếu không xảy ra một điều gì tiêu cực quá đáng, trong thời gian còn lại trước World Cup 2018 diễn ra ở Moskva. Thì đối với Nga, những trò chơi này sẽ trở thành một cơ hội rất đẹp, để nước Nga thể hiện hình ảnh của mình. Để người Nga chứng tỏ mình là một đất nước thân thiện và cởi mở. Theo tôi nghĩ, đối với nước Nga, giờ đây nhiệm vụ quan trọng và chiến lược nhất, là tổ chức World Cup 2018 ở trình độ cao nhất và giành được “chiến thắng của mình” trong trái tim của nhiều triệu người hâm mộ bóng đá trên khắp thế giới.

Trong lịch sử quan hệ với các dân tộc Châu Âu, đối với người Nga, có lẽ quan hệ với người Đức là đặc biệt nhất .Trong quá khứ và hiện nay, Đức luôn là đối tác lớn và quan trọng nhất của Nga.

Trong lịch sử nước Nga, người Đức và văn hóa Đức có một vai trò hết sức to lớn. Người Nga học tập và tiếp nhận từ Đức mọi thứ: hệ thống giáo dục và khoa học, hệ thống in ấn, xuất bản sách, từ điển, hệ thống thư mục, thư viện, nền công nghiệp và cách thức tổ chức sản xuất, kỹ thuật nông nghiệp và xây dựng điền trang thái ấp, xây dựng bộ máy nhà nước, xây dựng quân đội kể cả việc dùng các sỹ quan Đức làm nòng cốt cho quân đội Nga Sa Hoàng (có lúc tỷ lệ này là hơn 50%).

Ngoài ra, rất nhiều quí tộc Nga có nguồn gốc Đức, những người đóng vai trò đặc biệt trong lịch sử nước Nga. Trong số họ, người vĩ đại nhất là Sa Hoàng Catherine II (1729-1796) lừng lẫy. Bà đã trị vì nước Nga trong 34 năm (1762-1796), và chính là người đã đặt nền móng cho việc xây dựng hơn 200 thành phố Nga.

Mặt khác, ở Châu Âu, có lẽ không có hai dân tộc nào khác, đối xử tàn bạo với nhau trong chiến tranh, nhưng trong toàn bộ lịch sử nói chung, lại nể trọng nhau như người Nga và người Đức. Đó chính là lý do để chúng ta có thể hy vọng rằng, hiện nay, người Đức có thể đóng vai trò người “tháo ngòi nổ” trong cuộc xung đột Nga – Phương Tây, và vai trò “then chốt” trong việc hội nhập của Nga vào Châu Âu trong một tương lai .... nào đó.