Sau khi Tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công bằng tên lửa vào Syria và Mỹ tăng cường gấp đôi các cuộc phô diễn sức mạnh tấn công quân sự, đã xuất hiện những lời đồn đoán rằng Bình Nhưỡng sẽ là mục tiêu tiếp theo của một hành động đơn phương.
Mặc dù chính quyền Mỹ đã nói rõ rằng, hành động quân sự chỉ là một trong những sự lựa chọn được đưa ra xem xét nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên không phải là Syria và nếu như sử dụng đòn quân sự chống Triều Tiên sẽ đem lại những sự mạo hiểm lớn hơn nhiều.
Dưới đây là năm câu hỏi và trả lời:
1- Lý do Mỹ không thể tấn công Triều Tiên như đã làm với Syria?
Về khía cạnh kỹ thuật, bán đảo Triều Tiên hiện vẫn ở trong tình trạng chiến tranh. Các trận chiến đã kết thúc ngày 27/7/1953 trong khuôn khổ hiệp định đình chiến ký giữa Washington và Bắc Kinh. Nếu như Mỹ châm ngòi cho cuộc tấn công, điều đó có nghĩa là sẽ phá vỡ một thỏa thuận được Liên Hợp quốc bảo trợ.
2. Điều khác nhau cơ bản giữa Triều tiên và Syria là gì?
Trong khi Syria bị nghi là đã bắt đầu phát theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân, năng lực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã đạt độ chín trong thời gian gần đây. Bình Nhưỡng đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân và tuyên bố đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân (để có thể gắn vào tên lửa) - dù cho những lời tuyên bố đó chưa bao giờ được xác nhận một cách độc lập.
Triều Tiên cũng trải qua một loạt thất bại trong khi phóng các tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan vào năm ngoái. Dù sao đi nữa, các chuyên gia quân sự tin rằng Triều Tiên đã rút ra được những bài học từ các thất bại đó và thậm chí trong vòng 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sẽ có thể phát triển tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ.
3. Tại sao Trung Quốc lại đứng về phía Triều Tiên nếu như nước này bị Mỹ tấn công?
Trung Quốc là đồng minh của Triều Tiên. Năm 1961, hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị Hợp tác và Tương trợ lẫn nhau, theo đó mỗi nước cam kết sẽ hỗ trợ ngay lập tức về mặt quân sự và các mặt khác cho nước bên kia trong trường hợp bị tấn công từ bên ngoài. Hiệp ước này đã được gia hạn hai lần và sẽ còn hiệu lực cho đến năm 2021.
4. Tại sao Trung Quốc kiên trì giải pháp hòa bình và phản đối phương án quân sự do Hoa Kỳ đưa ra?
Trung Quốc lo ngại các tỉnh biên giới với Triều Tiên sẽ tràn ngập người tỵ nạn nếu chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong un sụp đổ. Dưới góc độ địa chính trị, Bắc Kinh coi Triều Tiên là vùng đệm ngăn sự xâm phạm của các lực lượng đồng minh của Mỹ trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc.
5. Ngoài Trung Quốc, còn nước nào khác phản đối tấn công quân sự chống Bình Nhưỡng?
Cả hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc lựa chọn phương án không dùng quân sự. Thủ đô Hàn Quốc chỉ nằm cách biên giới 40 km và rất dễ bị tổn thương nếu bị Triều Tiên tấn công. Sam Gariner, đại tá không quân về hưu đã trả lời tạp chí The Atlantic rằng, Mỹ “không thể bảo vệ Seoul ít nhất là trong 24 giờ đầu tiên nếu chiến tranh nổ ra, thậm chí là 48 tiếng".
Mặc dù thế, năm 1994 tổng thống Bill Clinton đã tổ chức tranh luận một cách nghiêm túc về khả năng ném bom lò phản ứng Youngbyon và ông bị các quan chức quốc phòng thuyết phục rằng, cuộc chiến với Triều Tiên sẽ “khốc liệt hơn nhiều so với bất cứ cuộc chiến tranh nào mà thế giới đã chứng kiến kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên”.