Tối 29/5, dư luận xôn xao khi trẻ mầm non ở Thái Bình tử vong nghi do bị bỏ quên trên xe đưa đón. Đây không phải trường hợp duy nhất qua đời do bị bỏ quên khi đến trường.
Tháng 8/2019, bé trai lớp 1 Trường Gateway ((nay là The Dewey Shools ở Hà Nội) cũng bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn đến tử vong. Khi nhìn lại, nhiều người đã thấy bất ngờ trước những chi tiết trùng hợp giữa 2 vụ việc này.
Sự tắc trách của lái xe
Cả 2 vụ việc đều là do sự bất cẩn, cẩu thả sau mỗi lượt xe hoạt động, không kiểm tra khoang hành khách của cả 2 tài xế đưa đón.
Trong vụ quên học sinh tại trường tiểu học Gateway xảy ra năm 2019 , tài xế Nguyễn Quý Phiến lái ô tô 16 chỗ đón 13 học sinh. Đến trụ sở số 89 Khúc Thừa Dụ, Cầu Giấy, tài xế không kiểm tra xe mà lái ô tô về ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sau khi dừng đỗ, tài xế Phiến xuống xe, tắt máy, không kiểm tra khoang hành khách, không vệ sinh ô tô.
Tài xế trong vụ việc thương tâm xảy ra ngày 29/5 tại Thái Bình cũng vậy. Cơ quan công an xác định sau khi đón học sinh đến trường mầm non Hồng Nhung, tài xế L đã mở cửa ô tô cho giáo viên và các học sinh tự đi vào lớp. Sau đó, người này điều khiển xe 29 chỗ đỗ ở cổng trường rồi khoá cửa, ra về, không kiểm đếm lại học sinh nên bỏ quên cháu bé T.G.H (sinh năm 2019, ở huyện Vũ Thư) trên xe.
Trong cả 2 vụ việc này, nếu tài xế cẩn trọng kiểm tra lại xe đưa đón, sự việc đau lòng đã không xảy ra.
Giáo viên và người quản lý đều đáng trách
Điểm trùng hợp thứ 2 là sự tắc trách của quản lý học sinh và giáo viên.
Trong vụ việc ở trường Gateway, dù không kiểm đếm học sinh khi xuống xe, nhưng bà Quy - người quản lý đưa đón trẻ - vẫn ghi vào sổ nhật ký xe bus học sinh gồm 13 cháu, không có học sinh xuống muộn, dẫn đến để quên bé trai tên Long trên ô tô.
Còn giáo viên Nguyễn Thị Thủy, chủ nhiệm lớp cháu Long, khi điểm danh đã phát hiện bé trai vắng mặt nhưng không ghi sĩ số, không báo cho gia đình cũng như cập nhật kết quả lên hệ thống phần mềm của nhà trường.
Cả hai đều bị dư luận chỉ trích. Nếu bà Quy phải nhận mức án 15 tháng tù Vô ý làm chết người, thì mức án bà Thủy phải chấp hành là 12 tháng tù do Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Diễn biến phiên xử cùng bản án của HĐXX được nhiều cơ quan báo thông tin. Nhận thức của nhiều người đã được nâng cao khi tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất, Bộ Công an đề xuất quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ôtô chở học sinh, trẻ em mầm non.
Tuy nhiên, trong vụ việc đau lòng ngày 29/5 ở Thái Bình, giáo viên và người đưa đón trẻ của trường mầm non Hồng Nhung 2 cũng không làm tròn trách nhiệm. Tài xế sau khi đưa trẻ đến trường cũng đã không kiểm tra xe, không bàn giao để đảm bảo trẻ đã đến trường an toàn.
Còn giáo viên đã chụp ảnh điểm danh học sinh để gửi lên phần mềm của nhà trường. Phát hiện vắng bé H nhưng giáo viên này không thông báo cho gia đình để kiểm tra việc trẻ có đến lớp hay không.
Quy trình đưa đón trẻ an toàn, trường nào cũng có. Nhưng sự tắc trách của người lớn vẫn lặp lại, khiến những quy tắc lẽ ra phải tuân thủ đã không được thực hiện.
Việc đưa đón trẻ không quá phức tạp nhưng sự an toàn phải được đặt lên hàng đầu, với ý thức rất cao về sự cẩn trọng. Đừng để cha mẹ luôn canh cánh về sự an toàn của con trên mỗi chuyến xe đến trường. Cũng đừng để xã hội phải bất bình, xót thương khi có thêm trẻ chết oan vì sự tắc trách!