Đến tháng 11/1967, tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, phái “cải cách” đứng đầu là Dubcek đòi tách Đảng khỏi chính quyền và tiến hành các cải cách kinh tế – chính trị. Bí thư Thứ nhất kiêm Chủ tịch nước Novodnui đã không đủ sức ngăn cản trào lưu này. Tháng 3/1968, chức Bí thư Thứ nhất của Novodnui bị mất về tay Dubcek; chẳng bao lâu sau chức Chủ tịch nước cũng chuyển giao cho tướng Svoboda.
Đến ngày 5/4, BCH Trung ương thông qua “Cương lĩnh hành động tháng 4” với nội dung “cải cách toàn diện các mặt đời sống đất nước”. Ít lâu sau, Checnik – một trong những nhà lãnh đạo phái cải cách được bầu làm Thủ tướng. Đến đây, thực chất chính quyền ở Tiệp Khắc đã lọt vào tay phong trào dân chủ “Mùa xuân Praha”.
Tin tức nhanh chóng bay về Moscow.
Vào thời điểm ấy, tình hình này đối với Kremlin là không thể chấp nhận được, bởi nó có thể dẫn đến nguy cơ tạo khoảng trống trong vùng đệm ở phía Tây Liên Xô. Qua theo dõi, nghiên cứu đánh giá, Ban lãnh đạo KGB đi đến kết luận: ở đây không còn là những “tìm tòi về lí luận trong việc điều hành nhà nước XHCN” như các nhà lãnh đạo Tiệp Khắc giải thích, mà có lẽ là một khuynh hướng nguy hiểm mà không thể gọi bằng một cái tên nào khác ngoài “tàn dư phản cách mạng” đang thai nghén và lớn lên.
Còn nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev, mặc dù gửi điện chúc mừng Bí thư mới của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc là Dubcek, nhưng rõ ràng những lời hay ý đẹp trong bức điện không phản ánh tâm trạng thực của Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô. Ông cho rằng đã đến lúc không thể không có hành động. Chỉ 2 ngày sau khi Novodnui bị cách chức Chủ tịch nước (23/3/1968), bất ngờ Brezhnev cho mời mà thực chất là triệu tập các nhà lãnh đạo Ba Lan, CHDC Đức, Bulgaria, Hungary và Tiệp Khắc đến Moscow để bàn biện pháp ngăn cản hành động “qua nóng” của Tiệp Khắc, nhắc nhở Dubcek về “nguy cơ đang tiềm ẩn trong tình hình phức tạp” ở nước ông có thể đe dọa lợi ích khối Warszawa và bày tỏ quyết tâm phối hợp hành động chống lại các phần tử chống CNXH.
Về phần mình, Dubcek đã cảm ơn lòng tốt của các đồng nghiệp, song cho rằng sự lo lắng và ý định “phối hợp hành động” của các đồng minh là không cần thiết, vì Đảng Cộng sản Tiệp Khắc “được đại đa số quần chúng ủng hộ và các cải cách đang diễn ra là vì lợi ích của CNXH”. Kết quả là Thông cáo chung vẫn đưa ra những lời hết sức nhẹ nhàng là “tăng cường quan hệ giữa các nước XHCN trên cơ sở hữu nghị, bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.
Alexander Dubček (phải) tại phi trường Budapest tháng 6-1968 - Ảnh tư liệu
|
Trong khi đó, tại Tiệp Khắc không khí vẫn sôi sùng sục. Người ta ăn mừng chiến thắng của đội tuyển khúc côn cầu trước đội tuyển Liên Xô trong trận chung kết của Đại hội Olimpic mùa đông tưng bừng một cách cố ý. Hàng ngàn người đổ ra đường; các nhân vật bất đồng chính kiến ngày xưa nay bỗng dưng xuất hiện như nấm, họ diễn thuyết ở mọi nơi trong thành phố; những kẻ bị xử “oan” trong các vụ việc trước đây công khai phát biểu chống CNXH.
Ngày 27/6, xuất hiện kiến nghị có chữ kí của 70 nhà hoạt động xã hội, được gọi là “Tuyên ngôn 2000 chữ”. Bản kiến nghị bày tỏ sự lo lắng vì “quá nhiều phần tử bảo thủ ủng hộ chế độ chuyên chế cực quyền còn nằm trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Tiệp Khắc, làm tiến trình phục hưng bị đe dọa”; kêu gọi nhân dân “ủng hộ một đảng tốt hơn và trung thực hơn, ủng hộ tiến trình phục hưng dân chủ và đứng dậy cầm vũ khí”.
“Tuyên ngôn” lập tức gây phản ứng gay gắt của Kremlin. Brezhnev gọi điện thoại cho Dubcek chính thức phản đối tuyên ngôn phản cách mạng này và yêu cầu Đảng Cộng sản Tiệp Khắc làm rõ lập trường của họ về vấn đề này. Ngày 8/7, Brezhnev gửi thư yêu cầu Dubcek tham gia Hội nghị những người đứng đầu các nước khối Warszawa để thảo luận về “mối đe dọa đối với CNXH ở Tiệp Khắc mà Tuyên ngôn 2000 chữ gây ra”. Được sự ủng hộ của Đoàn Chủ tịch, Dubcek đã khước từ lời mời và đề nghị phải tiến hành hội đàm song phương trước, sau đó mới tiến hành hội nghị cấp cao.
Ngày 15/7, Hội nghị nguyên thủ khối Warszawa vẫn diễn ra tại thủ đô Ba Lan mà không có đoàn Tiệp Khắc tham gia. Hội nghị thông qua tuyên bố với lời lẽ cứng rắn: “Chúng ta không thể đồng ý để các thế lực thù địch lôi kéo các bạn của chúng ta xa rời con đường XHCN; đây không còn là công việc riêng của các bạn Tiệp Khắc mà là công việc chung của các nước khối Warszawa”.
Đây là thông điệp cuối cùng buộc các nhà lãnh đạo Tiệp Khắc phải lựa chọn: hoặc phải theo Moscow, hoặc sẽ bị đán áp. Song Praha vẫn tỏ ra ương bướng, không chịu khuất phục. Thay mặt Trung ương Đảng, Dubcek viết thư trả lời Tuyên bố Warszawa là Đảng Cộng sản Tiệp Khắc sẽ kiên trì đường lối của mình và rằng ở Tiệp Khắc không có tình hình phản cách mạng như Tuyên bố đề cập.
Tuy vậy, phía Liên Xô vẫn chưa hết kiên nhẫn. Liên tiếp trong 4 ngày, từ 29/7 đến 1/8, tại một thị trấn nhỏ của Tiệp Khắc nằm gần biên giới ba nước Xô - Tiệp – Hung, đã diễn ra các cuộc hội đàm căng thẳng giữa Brzhnev và toàn thể Đoàn Chủ tịch Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Lập trường hai bên đã ở thế đối đầu, hội nghị bế tắc rồi lại khai thông, suýt tan vỡ rồi lại tái nhóm họp. Brezhnev lên án Tiệp Khắc phản bội sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản, phục vụ cho lợi ích của chủ nghĩa đế quốc; cảnh báo “tự do báo chí” đang đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, gây nguy cơ xa rời khối Warszawa và khối SEV...
Còn Dubcek một mực nhấn mạnh mục tiêu duy nhất của các cải cách ở Tiệp Khắc là xây dựng CNXH nhân đạo. Cuối cùng thì ngày 1 tháng 8 hai bên vẫn ra được thông cáo chung với nội dung rất tẻ nhạt và chung chung như “chống đế quốc, chống xét lại, đoàn kết, trung thực”.
Tối hôm đó trở về Praha, vây quanh bởi các Ủy viên Đoàn Chủ tịch mỏi mệt cau có, với giọng nói khản đặc, Dobchek nói với các phóng viên rằng ông ta mang về tin tức tốt lành, mọi người Tiệp có thể ngủ yên. Báo chí phương Tây cũng ầm ĩ lên tiếng ca ngợi thắng lợi của cải cách ở Tiệp Khắc. Người Tiệp đổ ra nước ngoài nghỉ phép, kể cả Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao. Bản thân Dubcek hiểu rằng đây chỉ là bước đệm trước khi giông tố xảy ra, song ông ta đã sai lầm về thời gian. Dubcek nói với ban lãnh đạo và bạn bè: “Chúng ta đã giành được 3 đến 6 tháng để xả hơi”, nhưng trên thực tế Liên Xô chỉ cho ông ta có 3 tuần.
Ngày 11/8, Quân đội Liên Xô bắt đầu cuộc diễn tập mới gần phía Đông, Đông Nam và phía Bắc Tiệp Khắc. Ngày 14/ 8, các đơn vị Liên Xô đóng tại CHDC Đức báo động khẩn cấp. Ngày 16/8, Nguyên soái Liên Xô Kulikov bay đến Đông Berlin và sau đó là Warszawa thị sát tình hình.
Đến lúc này thì Dubcek thực sự cảm thấy nguy cơ đã đến gần. Chiều 17/8, ông ta triệu tập Đoàn Chủ tịch họp thâu đêm để thông qua chương trình cho Hội nghị Trung ương sẽ bắt đầu ngày hôm sau, song đã muộn. Ngay trong đêm đó, chiếc máy bay đầu tiên chở các chuyên gia “ổn định trật tự” của Liên Xô đã hạ cánh xuống sân bay Praha.
Ngày 18/8, Brezhnev lần lượt gọi điện cho các nhà lãnh đạo CHDC Đức, Ba Lan, Hungary và Bulgaria, thông báo ban lãnh đạo Liên Xô đã ra lệnh cho quân đội tiến vào Tiệp Khắc. Ngày 19/8, Bộ Chính trị Liên Xô họp khẩn cấp và bí mật, phê chuẩn hành động quân sự này. Cùng ngày, Thủ tướng Kosưgin thông báo cho Tổng thống Mỹ L. Johnson rằng Liên Xô sẵn sàng gặp Mỹ ở cấp cao nhất để thảo luận với Mỹ vấn đề Việt Nam và giải trừ quân bị; đây thực ra chỉ là biện pháp “gây nhiễu” của Kremlin.
Ngày 20/ 8/1968, Liên Xô bắt đầu triển khai một hành động quân sự được xem là thành công nhất trong lịch sử đương đại. Chiều hôm đó, sân bay Luki ở Praha nhận được tín hiệu xin hạ cánh khẩn cấp của 2 máy bay dân dụng Liên Xô đang trên đường tới Nam Tư vì lí do trục trặc kĩ thuật. Theo thông lệ quốc tế, vì Luki là sân bay quốc tế nên không thể từ chối những yêu cầu tương tự.
Mười một giờ đêm, không có bất cứ thông báo nào, liên quân Liên Xô, CHDC Đức, Ba Lan, Hungary và Bulgaria bất thình lình tràn vào Tiệp Khắc từ 4 hướng Đông, Nam, Bắc và Đông Bắc, dẫn đầu là sư đoàn cơ giới tinh nhuệ của Liên Xô đã ém sẵn từ đợt diễn tập trước đó. Đồng thời, các “hành khách” trên 2 máy bay bị “trục trặc kĩ thuật” – họ chính là các chiến sĩ đặc nhiệm Liên Xô - lấy vũ khí để sẵn trong các vali hành lí và nhanh chóng đánh chiếm sân bay. Hai chiếc máy bay “hỏng hóc” bắt đầu hoạt động như những radar.
Dưới sự dẫn đường của hai bộ radar này, các máy bay vận tải cỡ lớn AN-2 nhanh chóng hạ cánh cùng xe tăng, xe bọc thép chở quân, đại pháo, xe tải và các nhu yếu phẩm. Những chiếc xe hơi gọn nhẹ chở các nhân viên KGB dẫn đường cho các đoàn xe bọc thép từ sân bay tiến thẳng đến các mục tiêu quan trọng trong thành phố Praha. Chưa đầy 24 giờ, Tư lệnh chiến dịch báo cáo về Moscow là các cánh quân đã hoàn thành nhiệm vụ; toàn bộ lãnh thổ Tiệp Khắc bị đánh chiếm, hầu hết các nhà lãnh đạo “cải cách” chủ chốt bị bắt giữ.
Quân đội các nước Warszawa còn đóng lại ở Tiệp Khắc lại một thời gian nữa, cho đến khi ban lãnh đạo mới của Tiệp Khắc do Hustav Husak đứng đầu ổn định được tình hình.
Tổng thống Johnson triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia họp suốt đêm 20/8. Điều mà Mỹ quan tâm lúc này không còn là Tiệp Khắc nữa, mà liệu Liên Xô có nhân cơ hội này tiến quân tiếp về phía Tây hay không. Ngày hôm sau, Johnson tuyên bố: “Thật đáng tiếc là Liên Xô và đồng minh đã tiến hành xâm lược một nước không có khả năng tự vệ, và như vậy đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc. Nhân danh nhân loại mong muốn hòa bình, tôi yêu cầu Liên Xô và các nước khối Warszawa rút toàn bộ quân đội ra khỏi Tiệp Khắc”.
Tiếp đó, trong buổi họp báo sáng 22/8, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nói: “Hành động này làm tổn hại đến quan hệ Đông – Tây, song chúng tôi chưa xem xét vấn đề trả đũa hay trừng phạt”.
Người Nga đã đúng trong các phán đoán của mình. Nước Mỹ đang để cho 60 vạn tinh binh sa lầy ở Việt Nam, không còn bụng dạ và sức lực nào để đối địch với 50 vạn quân khối Warszawa sung sức và được trang bị hiện đại.
Sau này, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng để đánh chiếm Tiệp Khắc, thực ra không cần đến số quân đông và mạnh đến như vậy. Chẳng qua là Liên Xô không để cho người Tiệp có ý nghĩ dám kháng cự, đồng thời còn cho phương Tây hiểu rằng nếu họ phát động chiến tranh ở châu Âu thì họ sẽ không có cơ hội chiến thắng. Hơn nữa, lúc này Washington lại đang say sưa với liều thuốc mê “hội đàm cấp cao nhất” mà Thủ tướng Kosưgin mồi cho họ trước đó. Họ đang muốn sự hòa dịu trong quan hệ Đông – Tây, vì thế mà họ muốn quên nhanh đi sự kiện Tiệp Khắc như một đoạn nhạc không vui trong một màn diễn lớn.