Sông Đà 1.01 của vợ chồng ca sĩ Khánh Phương có gì hấp dẫn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – CTCP Sông Đà 1.01 (SJC) sở hữu nhiều dự án bất động sản song vẫn đang trong quá trình xây dựng. Tại ngày 31/12/2022, SJC ghi nhận hơn 1.400 tỉ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, chiếm 85,8% vốn điều lệ.

Sông Đà 1.01 của vợ chồng ca sĩ Khánh Phương có gì hấp dẫn?
Sông Đà 1.01 của vợ chồng ca sĩ Khánh Phương có gì hấp dẫn?

Thông tin Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Sông Đà 1.01 (Mã CK: SJC) Vũ Thị Thúy là vợ của ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương) đang nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư và truyền thông trong nước.

Hôm 16/6, ông Phương đã bán ra 901.520 cổ phiếu SJC. Hậu giao dịch, nam ca sĩ 8x và người có liên quan vẫn nắm giữ tới 1,92 triệu cổ phiếu SJC, tương đương 27,79% vốn điều lệ.

Theo tìm hiểu của VietTimes, SJC tiền thân là Xí nghiệp xây dựng Sông Đà 1.01 trực thuộc Công ty Sông Đà 1, được thành lập từ ngày 10/12/2001, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp, giao thông cầu đường bộ, cơ sở hạ tầng...

Từ tháng 10/2003, SJC bắt đầu tiến hành cổ phần hóa và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 11/2003 với vốn điều lệ 10 tỉ đồng.

Tới tháng 8/2007, SJC thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% và phát hành thêm cổ phiếu với tỷ lệ 1:1, qua đó nâng vốn điều lệ lên 21,1 tỉ đồng. Tới tháng 11/2007, 2,11 triệu cổ phiếu SJC được giao dịch tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX)).

Từ tháng 3/2008 – 11/2014, SJC có thêm 3 đợt tăng vốn, nâng quy mô vốn điều lệ lên mức 72,2 tỉ đồng và giữ nguyên cho tới hiện tại. Đến tháng 7/2021, toàn bộ 7,22 triệu cổ phiếu SJC đã bị hủy niêm yết bắt buộc và chuyển giao dịch sang sàn UPCoM.

Giai đoạn 2007 – 2012 được xem là những năm thành công nhất của SJC khi doanh nghiệp này liên tục trúng nhiều gói thầu thi công lớn của Tổng công ty Sông Đà và các dự án khác.

Từ năm 2013, SJC chuyển sang mảng bất động sản sau khi thử sức với hai dự án nhỏ là chung cư Hemisco Xala và CT1 Văn Khê. Sau đó, doanh nghiệp này “lấn sân” sang phân khúc cao cấp với dự án Tokyo Tower (trước đây là chung cư Vinafor hay Hanoi Landmark 51), tọa lạc tại số 55 Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.

Ngoài ra, Sông Đà 1.01 còn là chủ đầu tư dự án Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở Viễn Đông Star (trước đây là Eco-Green Tower) tại số 1 Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

vt-sjc.PNG

Năm 2022, SJC ghi nhận doanh thu thuần đạt 6,79 tỉ đồng, giảm 85% so với năm trước. Lỗ sau thuế ở mức 5,3 tỉ đồng, trong khi năm 2021 công ty có lãi 2,2 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của SJC đạt 1.642,9 tỉ đồng, tăng 1,5% so với đầu năm. Trong đó, số dư hàng tồn kho chiếm tới 85,8%, đạt 1.410,1 tỉ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (1.406,5 tỉ đồng).

Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của SJC đạt 1.548,7 tỉ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn đạt 528,6 tỉ đồng, chiếm 32,1% tổng nguồn vốn.

Đáng chú ý, SJC còn ghi nhận 698,5 tỉ đồng doanh thu chưa thực hiện dài hạn. Đây là các khoản thanh toán tạm ứng mà công ty nhận được cho các sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ được phân phối, thực hiện trong tương lai./.