Xây đảo nhấn chìm san hô là...thân thiện môi trường
Cát, xi măng và các cơ sở quân sự của Trung Quốc hiện đang nằm trên những địa điểm vốn trước đây là các rặng san hô tuyệt đẹp trên Biển Đông. Trung Quốc đã xây dựng 7 đảo nhân tạo mới nhằm củng cố yêu sách lãnh thổ tại khu vực tranh chấp nóng bỏng này. Việc cải tạo các bãi đá như vậy đã hủy hoại môi trường biển trong khu vực. Nhưng theo Trung Quốc, các hoạt động đó không gây ra thiệt hại lớn về sinh thái. Bắc Kinh tuyên bố mạnh mẽ rằng các đống cát và xi măng với diện tích bằng cả hòn đảo mà hiện đang nhấn chìm các rặng san hô đầy đa dạng sinh học là thân thiện với môi trường.
Ngày 10/5 tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Vụ trưởng Vụ thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Tích Ninhđã tuyên bố “đó là một dự án xanh”. Ông Vương nói với các phóng viên đang thăm Bắc Kinh trong chuyến khảo sát thực tế do Trung tâm Đông Tây tại Honolulu, Hawaii tổ chức rằng, tất cả các hoạt động cải tạo đá và công trình xây dựng trong vùng “được thiết kế cẩn thận, xây dựng cẩn thận, nhằm giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng sinh thái”.
Các bình luận của Vương phản ánh quan điểm chính thức vốn đã được nhắc đến vài lần bởi chính quyền Trung Quốc. Vào tháng 3/2015, Viện Hải dương học Biển Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã tổ chức Buổi tọa đàm về phát triển bền vững và an ninh sinh thái đảo nhân tạo trên Biển Đông. Sự kiện này nhấn mạnh về “sức mạnh hải quân quốc gia” đi kèm với thảo luận về “xây dựng sinh thái xanh” trên các đảo nhân tạo, cho thấy địa chính trị đã thắng thế trước các quan ngại về khoa học. Vào tháng 6/2015, Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc, đơn vị có nhiệm vụ giám sát chính sách môi trường hàng hải của nhà nước, đã nắm bắt rất nhanh dòng lập luận này. Trong một tuyên bố nhan đề “Dự án mở rộng các bãi đá ở Trường Sa sẽ không gây ra thiệt hại môi trường biển”, được đăng tải trên website của đơn vị này vào ngày 18/6/2015, Cục này đã thông qua dự án cải tạo đảo này và gọi nó là “một dự án xanh”.
Bộ ngoại giao Trung Quốc gần đây đã nhấn mạnh đến cụm từ đó. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trong buổi họp báo ngày 6/5 tuyên bố “Các hoạt động của Trung Quốc trên Quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của việc thực hiện một dự án xanh về xây dựng các đảo và rặng sinh thái”.Tác động lên hệ sinh thái của các rặng san hô là rất hạn chế”.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, tuyến đường biển nhộn nhịp với giá trị giao thương hơn 5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Hơn 3 năm qua, các tàu nạo vét của Trung Quốc đã hút bùn cát từ đáy đại dương quanh các rặng đá và đảo san hô tại Trường Sa để bồi đắp các đảo nhân tạo với tốc độ chóng mặt. Mặc dù các bên tranh chấp khác cũng xây dựng các công trình trên các đảo và rặng san hô tại Biển Đông, nhưng hoạt động cải tạo của Trung Quốc vượt xa tất cả các nước khác. Giới chức Mỹ ước tính Trung Quốc đã tạo dựng một khu vực rộng hơn 3.200 mẫu Anh (gần 13 km2) tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cũng thiết lập các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo, bao gồm các đường băng, radar, cảng biển, các tòa nhà nhiều tầng, hệ thống tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình chống tàu.
Trung Quốc tàn phá môi trường Biển Đông
Nhưng các tuyên bố của Trung Quốc về tính thân thiện môi trường của các dự án cải tạo đá của họ lại trái ngược với phát hiện của các nhà sinh học biển hàng đầu thế giới. Các nhà sinh học biển cho biết việc xây dựng đảo đang tàn phá hệ sinh thái các rặng san hô trên Biển Đông, đây là các rặng san hô đa dạng sinh học nhất trên thế giới. Các rặng này gồm hàng trăm loài san hô và nhiều loài cá, hình thành xương sống cho cộng đồng ngư dân dọc theo bờ biển các nước láng giềng.
Tháng 9/2015, nhà sinh học biển thuộc Đại học Miami, John McManus, đã nói với tờ The Guardian rằng, khi nhìn vào các ảnh vệ tinh chụp đá Vành Khăn thuộc Trường Sa, có thể thấy các dải bùn màu trắng chảy vào trong các phá, đây chính là chứng cứ về chất nhầy rỉ ra từ hàng triệu cây san hô bị chết nằm dưới các lớp bùn đất. Việc cải tạo tràn lan các bãi đá đã gây hại không chỉ cho các rặng san hô. “Cát và bùn bị khuấy trộn bởi các tàu nạo vét phủ đầy các phá và đang bao phủ hầu hết các đá và rặng san hô còn lại. Cát sẽ giết chết gần như bất kỳ sinh vật sống nào ở đáy đại dương nếu phủ đầy với khối lượng lớn, làm kẹt mang cá. Tôi không nghĩ rằng có thế tìm thấy được bất kỳ loài cá nào sống sót trong các phá đó ngoại trừ các khu vực về phía nam".
Thậm chí nếu tất cả dự án cải tạo đất dừng lại ngay lập tức và các dự án khôi phục được tiến hành, thì cũng đã quá trễ cho phần lớn sinh vật biển sống quanh khu vực đá Vành Khăn. “Phần lớn các thiệt hại này không thể khôi phục và thay thế được”. Alan Freilander, nhà sinh học tại Đại học Hawaii, đã nói với các phóng viên vào tháng 5/2015 rằng, Quần đảo Trường Sa là nơi sinh sống của 571 loài san hô và nhiều loài cá lớn. Nhưng “việc nạo vét và xây dựng trên các rặng san hô ở Biển Đông đang gây ra các thiệt hại không thể khôi phục được đối với một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trên trái đất”.
Theo Cục Ngư nghiệp và Nguồn lực Hải dương Philippines, sự hủy hoại quần thể cá có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Philippine và ngành ngư nghiệp nước này 110 triệu USD mỗi năm. Không chỉ các rặng san hô, mà các loài cá sinh sản và sống ở đó cũng sẽ chịu thiệt hại.
Frank Muller-Karger, nhà Hải dương học tại Đại học Nam Florida, đã nói với tờ New York Times vào năm 2015 rằng, các vật liệu nạo vét lên từ đáy biển để xây dựng các đảo “có thể bị rửa trôi ngược lại biển, tạo ra các cụm rác thải có thể hủy diệt sinh vật biển gồm các kim loại nặng, dầu, và các hóa chất từ các con tàu và các phân xưởng đang được xây dựng”.
Không phải mọi người dân Trung Quốc đều có cùng quan điểm với nhà cầm quyền. Phản ứng lại một bài báo đăng ngày 6/5 trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc về bình luận “dự án xanh” của Hồng Lỗi, một vài người đã thể hiện sự nghi ngờ, thậm chí khinh bỉ. Một bình luận khá phổ biến là “Trung Quốc vẫn thường bày tỏ rằng mình quan tâm về sinh thái và môi trường. Với tôi điều đó thật là kinh tởm”. Một vài người dùng khác than phiền “bạn đánh con bạn tơi tả, sau đó hàng xóm đến để ngăn bạn, bạn lại nói chúng tôi không cho phép người ngoài can thiệp vào công việc riêng”.
Lo sợ vụ kiện của Philippines
Một phán quyết sắp tới từ một tòa án của Liên Hiệp Quốc có thể là một nguyên nhân khiến Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, vì Trung Quốc tìm cách thiết lập sự kiểm soát Biển Đông trên thực tế trong trường hợp phán quyết của Tòa sẽ hạn chế hoạt động của Trung Quốc ở đó.
Vào tháng 1/2013, Philippine đã đưa vụ việc lên Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc, thách thức các các căn cứ pháp lý trong một số tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực. Trung Quốc đã liên tục duy trì quan điểm sẽ không tham gia hoặc chấp nhận tòa trọng tài. Trong buổi họp báo ngày 6/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhắc lại lập trường này, nói rằng “bất kỳ quyết định nào do tòa trọng tài đưa ra đối với vụ kiện trên Biển Đông đều là bất hợp pháp và vô giá trị, và Trung Quốc sẽ không chấp nhận và công nhận nó”.
Nhằm tìm cách để bảo vệ công trình đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự trong khu vực, Bắc Kinh đã không thừa nhận việc tàn phá môi trường do hoạt động của họ gây ra. Tuyên bố này cũng nhằm đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền, chứng tỏ Trung Quốc là một thành viên "có trách nhiệm" đối với khu vực mà họ xem là sân sau của mình.
Nhằm củng cố lập luận về “dự án xanh” trên Biển Đông của mình, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã liên tục đưa ra các tuyên bố ngang ngược và trái ngược với giới nghiên cứu khoa học. Vào tháng 5/2015, Trương Hải Văn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc, cho biết mục tiêu của Trung Quốc trong khu vực là “đạt được phát triển bền vững về kinh tế biển”. Bà Trương cho rằng Cục Hải dương Nhà nước giám sát chặt chẽ các hoạt động cải tạo đảo đá trên Biển Đông, nhưng lại tránh đề cập đến chứng cứ hủy hoại các rặng san hô. Trong khi đó Hồng Lỗi đã mô tả việc cải tạo đá tương tự như các hiện tượng thời tiết tự nhiên. “Trung Quốc mô phỏng theo tự nhiên, bắt chước tiến trình bão biển thổi bay và di chuyển các mảng sinh học và dần hình thành các ốc đảo trên biển”.
Vương Tích Ninh bác bỏ các cáo buộc rằng việc nạo vét gây ra các thiệt hại lớn không thể phục hồi đối với hệ sinh thái biển. Còn Hồng Lỗi thì bất chấp thực tế, bao biện trắng trợn rằng "Trung Quốc quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái của các đảo, đá và vùng biển liên quan hơn bất kỳ quốc gia, các tổ chức hay người dân nào khác trên thế giới".