Số phận quan chức Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc

VietTimes -- Giới quan chức cao cấp Triều Tiên trốn đến Hàn Quốc rất được ưu ái, nhưng Seoul không thể nuôi không họ. Vậy công việc của họ là gì? An toàn được bảo đảm như thế nào? Họ có gì khác so với những người bình thường trốn khỏi Triều Tiên? Quan chức gần đây nhất trốn đến Hàn Quốc là ai?...
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin một quan chức Triều Tiên đào tẩu
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin một quan chức Triều Tiên đào tẩu

Theo một bài viết trên tờ Deutsche Welle (Đức) cuối tháng 8 vừa qua, quan chức Triều Tiên gần đây nhất trốn thoát đến Hàn Quốc là vị Đại sứ Triều Tiên tại Luân Đôn Thae Yong Ho, hiện nay ông đã an toàn cùng người thân tại Hàn Quốc. Dĩ nhiên đây là thông tin không vui với chính quyền Kim Jong-un. Theo số liệu, kể từ 1953 khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên đến nay có khoảng 27.000 người Triều Tiên trốn đến Hàn Quốc.

Mục sư nổi tiếng Kim Seung-Eun của Hàn Quốc là người đã tổ chức mạng lưới ngầm giúp người Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc. Ông từng chia sẻ trên hãng tin AP (Pháp) rằng, dĩ nhiên những người trốn khỏi Triều Tiên ngày nay hoàn toàn khác với 10 năm trước, nhiều người trong số họ xuất thân từ giới trung lưu, không thiếu thốn về đời sống vật chất.

So với những người bình thường khác, những quan chức cấp cao như ông Thae Yong Ho dĩ nhiên có giá trị với Hàn Quốc hơn nhiều đa số người dân thường, vì Seoul khai thác được nhiều tin tức bí mật của họ.

Giống như nhiều nhân vật nổi tiếng trốn khỏi Triều Tiên khác, hiện nay ông Kim Kwang-jin được vào làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược An ninh quốc gia (Institute for National Security StrategyINSS) thuộc Cục tình báo Quốc gia Hàn Quốc (National Intelligence Service,NIS).  Ông Kim Kwang-jin nói: “Ở đây mọi người đều phải làm việc, vì thế tôi được chính phủ Hàn Quốc giao cho chức vụ. Tôi có cơ hội được làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược An ninh quốc gia”. Ông Kim Kwang-jin chạy trốn vào năm 2003 trong một cơ hội đi công tác tại Singapore. Khi đó ông đã bị tiếng xấu vì liên quan đến một vụ án tài chính tại Công ty Bảo hiểm Triều Tiên.

Ông Choi Ju-hwal từng là Thượng tá trong quân đội Triều Tiên, trốn sang Hàn Quốc năm 1995 khi đi công tác tại Hồng Kông, trở thành quan chức cấp cao nhất trong quân đội Triều Tiên trốn khỏi đất nước khi đó. Trong thời gian 1997 – 2012 ông làm Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc, sau đó giữ chức Hội trưởng Hội người trốn khỏi Triều Tiên (Association of the North Korean Defectors). Ông Choi Ju-hwal (đã 67 tuổi) chia sẻ: “Chính phủ Hàn Quốc không thể nuôi không ông ta (Thae Yong Ho), vì thế nhiều khả năng ông ta sẽ được bố trí công việc tại Viện Nghiên cứu”.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un khiến nhiều người khiếp sợ với chiến dịch thanh trừng
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un khiến nhiều người khiếp sợ với chiến dịch thanh trừng

Đa số người trốn khỏi Triều Tiên phải thay đổi tên họ vì vấn đề an ninh bản thân hoặc vì không muốn liên lụy người thân. Thông tin về họ thường được giấu kín. Tuy nhiên cũng có những người như ông Kim Kwang-jin vì từng là chuyên gia Triều Tiên, xuất hiện nhiều trên truyền thông nên đã quá nổi tiếng. Ông Thae Yong Ho cũng tương tự vì là quan chức ngoại giao làm việc tại Đại sứ quán Triều Tiên trú tại Luân Đôn. Ông Choi Ju-hwal muốn được sống mai danh ẩn tích tại Hàn Quốc, ông giải thích: “Tôi không muốn lộ diện vì sợ ảnh hưởng đến người thân”.

Ông Choi Ju-hwal kể từng được 4 cảnh sát vũ trang Hàn Quốc làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh 24/24 trong thời gian dài hai năm, nhưng hiện nay người ta không phải bảo vệ chặt chẽ cho ông như vậy nữa. Còn ông Kim Kwang-jin cũng chia sẻ từng trải qua một thời gian sống trong cảnh phải có bảo vệ canh chừng 24/24 như thế.

Con đường chông gai

Đa số những người chạy trốn bình thường (thường dân) phải trải qua hành trình gian khổ: vượt qua biên giới Trung Quốc – Triều Tiên đến nước thứ ba, sau đó đi máy bay đến Hàn Quốc. Khi đến được Hàn Quốc, ban đầu họ được bố trí sống trong một gian phòng tiện nghi đầy đủ với thời gian dài nhất là 180 ngày. Trong thời gian này phía Hàn Quốc điều tra xem họ có phải gián điệp hoặc phần tử tội phạm hay không. Sau đó họ mới được chuyển đến một khu vực mới, trong vòng 12 tuần không thể ra khỏi khu vực này vì phải tập trung học kỹ năng sống và làm việc tại Hàn Quốc.

Cảnh nông thôn Triều Tiên
Cảnh nông thôn Triều Tiên

Ông Seo Jae-pyoung, một người trốn khỏi Triều Tiên năm 2001 nói: “Đa số người Triều Tiên khi đến Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn trong hội nhập môi trường làm việc, học tập mới”. Hiện nay Seo Jae-pyoung làm việc cho Hội người trốn khỏi Triều Tiên của ông Choi Ju-hwal với nhiệm vụ giúp đỡ những người trốn chạy khác thích nghi với môi trường sống mới.

Giới quan chức cấp cao Triều Tiên chạy trốn thì được quan tâm chú ý nhiều hơn. Ông Kim Kwang-jin nhớ lại, chỉ trong vòng 24 tiếng sau khi ông chạy vào Đại sứ quán Hàn Quốc tại Singapore thì đã được thăm hỏi. Ông được bố trí trong một gian phòng an toàn tại tổ chức tình báo Hàn Quốc. Ông Thae Yong Ho cũng kể đã trải qua quá trình như thế.

Năm 2011 nhà lãnh đạo Kim Jong Il qua đời, người con Kim Jong-un lên thay đã tăng cường giám sát vùng biên giới, sau đó tuy số người chạy trốn khỏi Triều Tiên thuộc thành phần trung lưu tăng nhiều, nhưng tổng số người chạy trốn thì giảm đi. Tuy nhiên, trong tháng 7/2016 có 814 người chạy trốn, tăng 15%. Vào tháng 4, một gia đình ở Ninh Ba (Trung Quốc) đã tiếp 13 người trên đường chạy trốn đến Hàn Quốc.

Có chuyên gia nhận định, số người chạy trốn hiện đang tăng lên. Ông Kim Kwang-jin, cựu nhân viên Công ty Bảo hiểm kể rằng, sau khi dượng của Kim Jong-un là ông Jang Song-thaek bị hành quyết năm 2013 đã khiến giới tinh anh Triều Tiên sợ hãi, từ đó nhiều người thuộc giới này bắt đầu muốn chạy trốn. Ông nói: “Trước đây chưa bao giờ tôi nghĩ những người có điều kiện sống và gia đình như vậy lại chạy trốn đến Hàn Quốc”.