Số nạn nhân trong vụ đánh bom khủng bố ở Kabul đã lên tới 261 người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi Taliban chiếm Kabul, các nước gấp rút sơ tán trước thời hạn 31/8. Tuy nhiên, ngày 26/8 đã xảy ra đánh bom gần sân bay Kabul, khiến số lượng lớn người muốn lên máy bay rời khỏi Afghanistan chết, bị thương
Các nạn nhân bị thương trong vụ đánh bom khủng bố đang điều trị trong bệnh viện (Ảnh: AP).
Các nạn nhân bị thương trong vụ đánh bom khủng bố đang điều trị trong bệnh viện (Ảnh: AP).

Số nạn nhân trong hai vụ đánh bom liều chết tại sân bay Kabul, Afghanistan hôm thứ Năm (26/8) đã tăng lên với ít nhất 103 người chết và 158 người bị thương. Hầu hết những người bị thương đều trong tình trạng nguy kịch.

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương sáng 27/8, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận rằng 13 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng và 18 người bị thương. Truyền thông Mỹ dẫn thông tin cho biết những lính Mỹ thiệt mạng bao gồm 12 lính thủy đánh bộ và một lính quân y hải quân, ngoài ra 10 lính Mỹ trong số những người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch.

Vị trí xảy ra hai vụ đánh bom (chấm đỏ). Ảnh: CNA.

Vị trí xảy ra hai vụ đánh bom (chấm đỏ). Ảnh: CNA.

Đến đêm khuya 26/8, lại có thêm nhiều vụ nổ ở Kabul. Tiếng nổ lần đầu tiên được nghe thấy ở hướng Sân bay Kabul. Hình ảnh lan truyền trên mạng cho thấy khói đen bốc lên mù mịt sau vụ nổ. Sau đó, hai vụ nổ liên tiếp xảy ra ở vùng ngoại ô ở Kabul. Hiện chưa rõ thiệt hại và nguyên nhân của ba vụ nổ này. Sau đó, lại có một vụ nổ lớn gần sân bay Kabul, tin tức nói rằng vụ nổ này là do quân đội Mỹ kích hoạt những thiết bị của họ ở phía bắc của sân bay Kabul trước khi rút đi.

Địa điểm xảy ra vụ nổ đầu tiên là một cống thoát nước bên ngoài Cổng Abby. Rất đông thường dân Afghanistan đã chờ đợi tại địa điểm này trong nhiều ngày qua với hy vọng rằng có thể vào được sân bay qua cổng do các lính Anh và Mỹ canh gác để đáp máy bay vận tải rời khỏi Afghanistan.

Hiện trường vụ đánh bom rất khủng khiếp (Ảnh: Asvaka).

Hiện trường vụ đánh bom rất khủng khiếp (Ảnh: Asvaka).

Vụ đánh bom thứ hai xảy ra tại khách sạn Baron cách cổng Abby khoảng 200 mét. Truyền thông Mỹ dẫn các nguồn tin cho biết, tại hiện trường vụ tấn công có hàng trăm phần tử khủng bố được cho là thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), hoạt động tiến công sẽ có thể còn tiếp diễn.

Trang tin Đông Phương cho biết, thông qua các cơ quan truyền thông của mình, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã công bố tên của thủ phạm vụ tấn công liều chết là Abdul Rahman al-Loghari và đưa ảnh của hắn lên. IS nói rằng Loghari đã vượt qua các biện pháp an ninh do "quân đội Mỹ và các phần tử vũ trang Taliban" thiết lập bên ngoài sân bay, tiếp cận một địa điểm cách quân đội Mỹ 5 mét rồi kích nổ quả bom.

Các báo cáo trước đó nói rằng các quan chức Mỹ "chắc chắn tin" rằng cuộc tấn công là do chi nhánh tỉnh Khorasan (ISIS-K) Afghanistan của tổ chức cực đoan Hồi giáo "Nhà nước Hồi giáo" (IS) kích động tiến hành. Ông McKenzie, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ xác nhận với giới truyền thông rằng hai cuộc tấn công tại Cổng Abby và Khách sạn Barron đã được Nhà nước Hồi giáo IS tiến hành, các tay súng của IS thậm chí đã nổ súng sau vụ nổ. McKenzie chỉ ra rằng, các cuộc tấn công tương tự dự kiến ​​sẽ xảy ra lần lượt và Lầu Năm Góc sẽ dùng mọi cách để ngăn chặn, kể cả việc liên lạc với Taliban.

Hình ảnh và tên tuổi kẻ đánh bom liều chết được IS công bố (Ảnh: Đông Phương).

Hình ảnh và tên tuổi kẻ đánh bom liều chết được IS công bố (Ảnh: Đông Phương).

McKenzie cũng chỉ ra rằng Mỹ đã bắt đầu bắt tay điều tra xem ai thực sự chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công khủng bố và sẽ truy trách nhiệm chúng. Hiện tại, sân bay Kabul vẫn đang bị "các mối đe dọa rất lớn".

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã gặp đội ngũ An ninh Quốc gia trong Phòng Tình huống, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Milley và các chỉ huy quân đội đang ở Afghanistan. Phó Tổng thống Kamala Harris người đang bay từ Việt Nam đến Guam cũng tham gia từ trên máy bay. Ông Biden sẽ tiếp tục nhận được các báo cáo về cuộc tấn công này.

Người phát ngôn của Taliban đã đưa ra một tuyên bố, nhân danh "Các Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan", lên án mạnh mẽ vụ đánh bom sân bay Kabul nhằm vào dân thường, đồng thời nhấn mạnh rằng "vụ nổ xảy ra ở một khu vực mà quân đội Mỹ chịu trách nhiệm về an ninh" và khẳng định rằng “tình hình khu vực do Taliban kiểm soát vẫn ổn định”.

Khói bốc lên sau vụ đánh bom (Ảnh: CNA).

Khói bốc lên sau vụ đánh bom (Ảnh: CNA).

Theo CNA, sau khi xảy ra các vụ đánh bom liều chết nhằm vào dân thường ở sân bay Kabul ngày 26/8, các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã phẫn nộ lên án:

● Đức

Thủ tướng Đức Angela Merkel mô tả đây là một "cuộc tấn công hèn hạ" trong một tình huống cực kỳ ngặt nghèo.

Mặc dù Đức đã hoàn tất chiến dịch sơ tán nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp Karrenbauer hôm nay cho biết một máy bay y tế đã được túc trực và sẵn sàng bay tới Kabul để hỗ trợ sơ tán các nạn nhân của vụ tấn công.

Bà Karrenbauer cho biết tất cả binh sĩ Đức đã được sơ tán khỏi Afghanistan trong ngày hôm nay, trước đó, họ đã sơ tán hơn 5.300 người thuộc 45 quốc gia, trong đó có hơn 500 người Đức và hơn 4.000 người Afghanistan.

● Vương quốc Anh

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên án vụ tấn công "man rợ" và bày tỏ lòng kính trọng đối với "những nỗ lực xuất sắc" của những người tham gia chiến dịch sơ tán.

Ông Johnson cho biết, "Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động (sơ tán), trong mọi trường hợp, chúng tôi hiện đã gần kết thúc chiến dịch" và Vương quốc Anh sẽ "tiếp tục ở lại đến phút cuối cùng".

Ngoại trưởng Dominic Raab tuyên bố rằng những người di tản tiếp tục làm việc ngay cả khi "ở dưới làn đạn pháo". "Chúng ta sẽ không để những hành động đê hèn của những kẻ khủng bố cản trở".

Hình ảnh bi thảm tại hiện trường sau vụ đánh bom liều chết (Ảnh: Đông Phương).

Hình ảnh bi thảm tại hiện trường sau vụ đánh bom liều chết (Ảnh: Đông Phương).

● Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron "kiên quyết" lên án vụ tấn công khủng bố. Thông qua một tuyên bố, ông "gửi lời chia buồn đến gia đình của các nạn nhân ở Mỹ và Afghanistan" và bày tỏ lòng biết ơn đối với "tinh thần anh hùng của các nhân viên làm nhiệm vụ sơ tán tại hiện trường".

● Cộng hòa Séc

Ngoại trưởng Séc Jakub Kulhanek nói: "Tôi kịch liệt lên án vụ tấn công khủng bố ghê tởm này ở Kabul. Tôi bày tỏ lòng thương tiếc trước cái chết của những người Afghanistan và quân nhân Mỹ".

● Ai Cập

Bộ Ngoại giao Ai Cập ra thông cáo nêu rõ: "Chính phủ và nhân dân Ai Cập gửi lời chia buồn tới tất cả những người Afghanistan và Mỹ đã trở thành nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố khủng khiếp. Ai Cập sẽ tiếp tục ủng hộ và chống lại mọi hình thức khủng bố, bạo lực và chủ nghĩacực đoan".

● Israel

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz bày tỏ: "Sau vụ tấn công mới nhất, tôi xin gửi lời cầu nguyện đến quân đội Mỹ và người dân Afghanistan tại Kabul. Tôi xin gửi lời chia buồn tới những người đã khuất và cầu nguyện cho những người bị thương sẽ nhanh chóng hồi phục. Chúng tôi đứng cùng chiến tuyến với đối tác Mỹ".

Khói bốc lên trong sân bay nghi là quân Mỹ phá hủy các thiết bị (Ảnh: Đông Phương)

Khói bốc lên trong sân bay nghi là quân Mỹ phá hủy các thiết bị (Ảnh: Đông Phương)

● Italy

Bộ trưởng Ngoại giao Italy Luigi Di Maio đã viết tweet: "Không có người Italy nào bị thương trong vụ tấn công này ở Kabul ... Tôi xin gửi lời chia buồn tới những người đã thiệt mạng và tình đoàn kết với những người bị thương. Italy lên án mạnh mẽ vụ tấn công này”. Ông nói, Italy sẽ tiếp tục sơ tán người Afghanistan và công dân ra khỏi Kabul.

● Na Uy

Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soereide viết trên Twitter: "Tôi cực lực lên án vụ tấn công khủng bố bên ngoài sân bay Kabul. Những người vô tội đã cố gắng rời bỏ đất nước và trở thành nạn nhân của khủng bố và những hành động tàn ác".

● Ả Rập Saudi

Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi tái khẳng định thông qua một tuyên bố rằng “những hành vi tội ác như vậy là không phù hợp với tất cả các nguyên tắc tôn giáo, đạo đức và giá trị nhân văn”; Ả Rập Saudi “luôn đứng cùng người dân Afghanistan” và “bày tỏ sự chia buồn và cảm thông đến các nạn nhân, gia đình của họ và người dân Afghanistan".

● Tây Ban Nha

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã viết tweet: "Tây Ban Nha lên án mạnh mẽ vụ tấn công sân bay Kabul. Chúng tôi chân thành ủng hộ các nạn nhân. Cộng đồng quốc tế luôn sát cánh với người dân Afghanistan và sẽ đảm bảo quyền lực và phẩm giá của họ. Chúng tôi đang nỗ lực để sơ tán càng nhiều người càng tốt".

● Thụy Điển

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde đã viết tweet: "Chúng tôi gửi lời chia buồn tới gia đình của các binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng và bị thương trong vụ tấn công khủng bố tại sân bay Kabul hôm nay. Chúng tôi biết ơn các bạn vì đã thực hiện cuộc sơ tán lịch sử này".

● Thổ Nhĩ Kỳ

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lên án vụ tấn công ở cổng sân bay Kabul. Tuyên bố cho biết: "Chúng tôi vô cùng đau đớn khi biết rằng nhiều người đã thiệt mạng và bị thương trong vụ tấn công khủng bố ngày hôm nay ở Kabul. Chúng tôi kịch liệt lên án vụ tấn công kinh tởm và bày tỏ thương tiếc người thân của những người đã khuất. Chúng tôi hy vọng rằng những người bị thương sẽ nhanh chóng bình phục ”.

● New Zealand

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã lên án "cuộc tấn công tồi tệ" tại sân bay Kabul và nói rằng chuyến bay sơ tán cuối cùng của New Zealand đã rời đi trước khi xảy ra vụ đánh bom.

Theo tuyên bố của chính phủ New Zealand, cho đến nay, có tổng cộng 276 công dân và người có quyền thường trú ở New Zealand, các thành viên gia đình của họ và những người có thị thực khác đã rời Kabul và sẽ bay về New Zealand.

Chiếc máy bay cuối cùng của quân đội New Zealand cũng đã rời Kabul chở thêm 100 người khác, bao gồm cả công dân New Zealand và Australia.

● Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng các lực lượng Đồng minh cần tiếp tục cố gắng hết sức để đưa những người dễ bị tổn thương ra khỏi Kabul; ưu tiên của NATO vẫn là đưa càng nhiều người càng tốt tới nơi an toàn.

● Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng thư ký Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: "Tôi cảm thấy kinh hoàng trước những đau khổ ngày càng gia tăng của những người dân chịu thiệt thòi ở Kabul. Dân thường phải được bảo vệ. WHO đang có mặt tại Afghanistan, chuẩn bị hỗ trợ y tế chữa trị cho những người bị thương".

● Liên Hợp Quốc

Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng ông Guterres “lên án vụ tấn công khủng bố gây ra nhiều thương vong cho dân thường".

Người phát ngôn Stephane Dujarric nói với các phóng viên: "Vụ việc này cho thấy tình hình hỗn loạn hiện nay ở Afghanistan, nhưng nó cũng củng cố quyết tâm của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi hỗ trợ khẩn cấp đến cả nước (Afghanistan) để hỗ trợ người dân Afghanistan". Hiện chưa có báo cáo về thương vong của các nhân viên Liên Hợp Quốc ở Afghanistan.

Các nhà ngoại giao cho biết, ông Guterres sẽ gặp đại diện các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày 30/8 để thảo luận về tình hình Afghanistan.