“Sở hữu chéo không phải chuyện xấu”

 Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Vũ Quang Trung – Phó tổng giám đốc HNX quanh nội dung siết chặt sở hữu chéo trong doanh nghiệp của Luật doanh nghiệp 2014.
“Sở hữu chéo không phải chuyện xấu”

Sở hữu chéo ở Việt Nam có đặc thù riêng

Tình trạng sở hữu chéo đang tồn tại khá phổ biến ở các doanh nghiệp hiện nay. Trong khi đó Luật doanh nghiệp 2014 cũng đã siết chặt và cấm sở hữu chéo.

Cụ thể, Luật quy định công ty con không được góp vốn, mua cổ phần công ty mẹ; các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau; các công ty con của cùng một công ty mẹ mà trong đó nhà nước sở hữu hơn 65% vốn điều lệ không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Như vậy tại sao lại sinh ra sở hữu chéo? Ông Trung cho biết, tại các nước khác, câu chuyện nguồn vốn quay vòng, dùng nguồn này bù đắp nguồn kia để phát triển sản xuất kinh doanh sinh ra sở hữu chéo. Việc sở hữu chéo là bình thường, không phải vấn đề xấu, ở các nước khác không cấm chuyện này miễn là phải công khai minh bạch. 

Tuy nhiên ở Việt Nam có nhiều trường hợp đặc biệt khi doanh nghiệp sử dụng sở hữu chéo để thực hiện quy định có tính chất hình thức, trên giấy tờ. 

Lấy ví dụ, một ngân hàng A muốn tăng vốn từ 1.000 tỷ lên 5.000 tỷ nhưng không thể huy động bằng các nguồn khác. Ngân hàng A nhờ ngân hàng B mua cổ phần của mình với con số giấy tờ là 4.000 tỷ, đồng thời ngân hàng A cũng sẽ mua cổ phần của ngân hàng B với giá trị tương ứng. Mặc dù vốn cả hai bên đều tăng nhanh, đạt được mục tiêu nhưng thực tế nguồn lực vẫn không thay đổi.

"Như vậy vấn đề sở hữu chéo ở Việt Nam không phải là yêu cầu của sản xuất kinh doanh", ông Trung nhấn mạnh. Việc đầu tư dàn trải của các tập đoàn nhà nước thời gian qua cũng đã dẫn đến việc tập đoàn này sở hữu một phần tập đoàn kia thông qua việc hợp tác kinh doanh. 

Nên để doanh nghiệp tự quyết

"Để phát hiện sở hữu chéo rất khó. Đến thời điểm này quy định thế nào là sở hữu chéo, sở hữu đến bao nhiêu % thì hợp lý – điều này phải để các cơ quan chủ quản doanh nghiệp thực hiện", ông Trung nêu quan điểm. 

Một câu chuyện khá tương đồng là quanh việc giới hạn room nước ngoài ở mức 49%, trong dự thảo Nghị định 58 sửa đổi, UBCKNN có đề xuất để doanh nghiệp tự quyết định tổ chức, cá nhân ngoại sở hữu bao nhiêu cổ phần tại doanh nghiệp. 

Cũng tương tự, ông Trung cho rằng câu chuyện sở hữu chéo tỷ lệ bao nhiêu thì nên để doanh nghiệp tự quyết, không nên áp dụng quan liêu, cứng nhắc. Tỷ lệ sở hữu cụ thể nên trình Đại hội cổ đông quyết định bởi điều này phụ thuộc vào tính đại chúng của từng công ty.

Theo Bizlive