Số hóa hoạt động ngân hàng ở Việt Nam: Thách thức và cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đang trong bước đầu triển khai chuyển đổi ngân hàng số, trừ một số ít ngân hàng đang thuộc diện tái cấu trúc đặc biệt.
Số hóa hoạt động ngân hàng ở Việt Nam: Thách thức và cơ hội
Số hóa hoạt động ngân hàng ở Việt Nam: Thách thức và cơ hội

Thực trạng số hóa ngân hàng thương mại Việt Nam

Tuy nhiên mức độ số hóa của các NHTM Việt Nam vẫn còn khá sơ khai tập trung chủ yếu vào khu vực dịch vụ thanh toán, thẻ điện tử và 1 vài dịch vụ giao tiếp khách hàng tiền gửi, dịch vụ marketing. Một số NHTM đi sâu hơn vào 1 số dịch vụ cốt lõi như cho vay tiêu dùng bao gồm thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, cấu trúc dữ liệu, xếp hạng khách hàng, đánh giá rủi ro, đưa ra các đề xuất cho vay. Tuy nhiên việc quyết định cho vay và giải ngân phần lớn vẫn do con người tiến hành. Một số Ngân hàng tiến xa hơn một chút vào dịch vụ tiền gửi, thẻ điện tử mà không cần nhận diện trực tiếp. Một số Ngân hàng đã xây dựng được hệ thống định danh điện tử (eKYC) phục vụ cho chiến lược phát triển ngân hàng số.

Ngân hàng số là gì, có thể nói một cách đơn giản là một ngân hàng thương mại cung cấp toàn bộ dịch vụ ngân hàng được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng số mà không có chi nhánh vật chất. Nói như vậy để thấy hệ thống các NHTM Việt Nam để trở thành Ngân hàng số còn rất nhiều việc phải làm. Ngoài chuyện đầu tư phát triển công nghệ, còn nhiều dịch vụ cốt lõi chưa thể số hóa được đặc biệt là dịch vụ tín dụng doanh nghiệp, từ khâu xếp hạng doanh nghiệp (cả tiêu chí tài chính và phi tài chính) đến phân tích đánh giá rủi ro, quy trình tín dụng, quản lý nợ, định giá và quản lý tài sản đảm bảo… Đây cũng là lý do mà hệ thống NHTM Việt Nam có cấu trúc và bộ máy rất cồng kềnh và có số lượng chi nhánh lên tới trên dưới 1 vạn, thậm chí đang có áp lực muốn mở rộng.

Tuy nhiên cho đến nay cả về chủ trương và thực tiễn chuyển đổi số ở một số Ngân hàng đi tiên phong như VCB, BIDV, Vietinbank, Tiên Phong Bank, MB, VPBank, Liên Việt Post Bank… cho thấy xu hướng số hóa từng bước dịch vụ hiện hữu (Internet Banking, Mobile Banking) mà không phải là phát triển một ngân hàng số chồng lên ngân hàng hiện hữu được số hóa hoàn toàn và vận hành song song (Ngân hàng “chồng” Ngân hàng). Các Ngân hàng nêu trên với những cố gắng lớn của mình cũng đã hình thành từng bước 3 khu vực dịch vụ quan trọng:

- Dịch vụ ngân hàng cốt lõi như thanh toán, nhận tiền gửi, cho vay, kinh doanh tài chính…

- Dịch vụ hệ sinh thái ngân hàng như quản lý tài chính, quản lý thuế, đào tạo, tư vấn, chiết khấu…

- Dịch vụ phi ngân hàng như bán chéo sản phẩm, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, nhà ở, phương tiện vận chuyển, du lịch…

Các ngân hàng này đã bước đầu hình thành hệ sinh thái ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số đang rất thịnh hành hiện nay nhất là trong giới trẻ và các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.

Ngân hàng số 100% độc lập với NHTM truyền thống

Đây là xu hướng chính và thành công của quá trình số hóa hệ thống ngân hàng. Ở Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc các Ngân hàng loại này đã được thành lập cách đây chục năm. Qua đánh giá của các nhà phân tích, mô hình này phát triển ngân hàng số ngay từ đầu chồng lên Ngân hàng truyền thống, hoặc hoàn toàn độc lập thành công hơn và hiệu quả hơn nhiều so với số hóa tiệm tiến, thậm chí số hóa tiệm tiến thường không thành công.

Ở Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đi đầu trong loại hình ngân hàng số 100%. Các nước như Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan đã cơ bản hoàn thiện khung pháp lý và phương thức hình thành loại ngân hàng 100% số hóa này. Năm nước Đông Nam Á đến cuối năm 2022 đã cấp phép ra đời gần chục ngân hàng loại này và đang tiếp tục cấp phép thêm các ngân hàng mới. Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng đã quá chậm trễ về khung pháp lý, cho việc thành lập ngân hàng 100% số hóa. Ngay cả chúng ta chọn mô hình chuyển đổi số tiệm tiến thì cũng cần thay đổi nhiều khung pháp lý, ví dụ như quy trình thủ tục phải đơn giản hơn, các chỉ tiêu an toàn phải tập trung hơn, các quy định hành chính cần được loại bỏ (Room tín dụng, trạng thái ngoại hối, tái cấp vốn…), một số luật lệ liên quan cần được đồng bộ hóa cho phù hợp….

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Thách thức của việc số hóa và phát triển ngân hàng số ở Việt Nam

Thách thức lớn nhất của phát triển ngân hàng số và chuyển đổi ngân hàng truyền thống thành ngân hàng số là phải thay đổi căn bản khung pháp lý hiện hành và NHNN cần đưa ra mô hình chuyển đổi ngân hàng số phù hợp với thực tiễn Việt Nam, trên cơ sở nghiên cứu các mô hình phát triển ngân hàng số của các nước Đông Nam Á, kể cả kinh nghiệm của Hồng Kông, đặc biệt là sự hợp tác hoặc cùng đầu tư của fintech vào khu vực ngân hàng nhằm tận dụng lợi thế của 2 loại định chế này. Toàn bộ dịch vụ tiền gửi và tín dụng cũng cần được thay đổi, nhất là tín dụng doanh nghiệp để có thể số hóa theo hướng tiệm tiến, giảm thiểu tối đa sự can thiệp của con người trên cơ sở sử dụng kỹ năng quản lý dữ liệu lớn, AI…

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy mô hình ngân hàng số chồng lên ngân hàng truyền thống là khá thích hợp với cách thức chuyển đổi hiện nay của Việt Nam, trước hết là ngân hàng bán lẻ (kể cả dịch vụ thẻ) có thể được số hóa hoàn toàn, cùng với các dịch vụ khác như thanh toán, marketing… hình thành ngân hàng số chồng ngân hàng truyền thống.

Thách thức lớn thứ 2 là thách thức đạo đức. Nhiều nhà quản lý cao cấp, trung cấp, kể cả nhân viên ngân hàng phải đối mặt với rủi ro mất việc làm hoặc không đảm đương được vai trò quản lý của mình trong điều kiện số hóa. Vì vậy việc từng bước đơn giản hóa và số hóa thủ tục sẽ bị cản trở từ chính Ngân hàng truyền thống.

Mặt khác, số hóa đồng nghĩa với việc minh bạch và kỷ luật hóa một cách máy móc toàn bộ các quy trình, đặc biệt là quy trình tín dụng doanh nghiệp, điều này có thể cản trở việc cung cấp tín dụng cho các Công ty sân sau của ngân hàng, ảnh hưởng lớn đến nợ cũ và nợ mới của các Tập đoàn này. Đây là lý do và cũng là nguyên nhân sâu xa của các cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Việt Nam cho đến nay. Tương tự như vậy nếu một chính phủ (kể cả chính quyền địa phương) được số hóa hoàn toàn thì tham nhũng, quan liêu sẽ được khắc phục căn bản. Các ngân hàng loại này ngay cả việc quản lý rủi ro tín dụng (xếp hạng, đánh giá, phân tích rủi ro) đều được làm một cách bài bản, kể cả các khoản vay của người có liên quan.

Ngân hàng số đòi hỏi phải có công nghệ cloud (kho dữ liệu quốc gia khai thác chung) và hệ thống định danh điện tử quốc gia (eKYC). Hiện nay từng NHTM có kho dữ liệu và eKYC riêng rất tốn kém chi phí và hiệu quả khai thác rất thấp. Pháp lý nhà nước cần phải thay đổi để các NHTM cần được lưu trữ, quản lý và khai thác dịch vụ quan trọng này.

Một mình hệ thống ngân hàng được số hóa trong khi chính phủ, các doanh nghiệp chưa được số hóa cũng sẽ là một thách thức lớn cho các hoạt động tín dụng, xử lý nợ, giao dịch đảm bảo, xử lý tài sản đảm bảo… Vì vậy cần có một hệ thống luật pháp hướng tới môi trường số hóa đồng bộ để hỗ trợ cho quá trình số hóa ngân hàng.

Thách thức cuối cùng của phát triển ngân hàng số là bảo mật thông tin cá nhân và thông tin quốc gia. Bảo mật thông tin là yếu tố tác động trực tiếp đến lòng tin của khách hàng nhất là người gửi tiền. Ở Việt Nam rủi ro bảo mật thông tin thuộc nhóm 10 nước bị xâm phạm nhiều nhất trên thế giới. Xu hướng các ngân hàng hợp tác hoặc cùng đầu tư với fintech cũng đặt ra yêu cầu về bảo mật thông tin và quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam trong tương lai gần.

Mặc dù các Ngân hàng thương mại đã có nhiều cố gắng thực hiện chiến lược số hóa ngân hàng của mình, nhưng thách thức phía trước còn rất lớn. Rủi ro của hệ thống trên nền tảng cũ chưa thể khắc phục ngay được. Các khoản đầu tư vào lĩnh vực số hóa cần được xem xét kỹ lưỡng với tầm nhìn dài hạn và thực tế để quá trình này có hiệu quả thiết thực.

Theo VietnamFinance