Một tuần sau khi đảo quốc Maldives vùng Ấn Độ Dương thông qua luật cho phép nước ngoài mua đất tại quốc gia này, Trung Quốc vào hôm 28/7/2015 đã phải lên tiếng cải chính, cho rằng họ không hề có kế hoạch thiết lập căn cứ quân sự tại Maldives, RFI đưa tin.
Trong một bản tuyên bố gởi cho hãng tin Anh Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng các thông tin cho rằng Bắc Kinh đang xây dựng căn cứ quân sự tại đảo quốc Maldives đều "hoàn toàn vô căn cứ", và Trung Quốc luôn luôn tôn trọng nền độc lập, chủ quyền, và sự toàn vẹn lãnh thổ của Maldives.
Sở dĩ Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phải chính thức lên tiếng phủ nhận các thông tin kể trên, đó là vì trong cuộc tranh luận tại Maldives về luật cho nước ngoài mua đất, phe đối lập tại nước này đã tố cáo chính quyền mở rộng cửa cho ngoại bang thao túng đất nước.
Thậm chí một thành viên đảng Dân chủ Maldives đối lập còn nêu đích danh Trung Quốc, khi lên án chính quyền tạo điều kiện để cho Bắc Kinh hiện diện mạnh mẽ hơn tại vùng Ấn Độ Dương.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc không che giấu ý định tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở vùng Ấn Độ Dương, thông qua hợp tác với các nước nhỏ trong vùng như Sri Lanka hay Maldives, vốn nằm trong khu vực ảnh hưởng của Ấn Độ.
Chiến lược của Trung Quốc là tung tiền chiêu dụ các nước này xây dựng hay nâng cấp một loạt cảng trong vùng và cho quân đội Trung Quốc quyền tiếp cận. Chiến lược được mệnh danh là "Chuỗi hạt trai" đó đã khiến New Delhi hết sức quan ngại vì bị trực tiếp đe dọa.
Nỗi lo ngại của Ấn Độ không phải là không có cơ sở: Vào tháng Chín năm ngoái, nhân chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Maldives đã ký một thỏa thuận với một công ty Trung Quốc để nâng cấp sân bay quốc tế của mình, sau khi hủy bỏ một hợp đồng trên 500 triệu USD ký năm 2012 với tập đoàn GMR của Ấn Độ.
Lời cải chính hôm 28/7 của Bắc Kinh nằm trong nỗ lực trấn an các nước trong vùng về các ý đồ quân sự của Trung Quốc. Bắc Kinh thường xuyên nói rằng họ không hề muốn đặt căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng nghĩ đến việc thiết lập căn cứ ở ngoại quốc khi mà quân đội của họ cảm thấy cần thiết phải bảo vệ các lợi ích của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
TRỌNG NGHĨA theo BizLive