Văn phòng Thủ tướng Singapore thông báo cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từ trần lúc 3g18 sáng 23/3, hưởng thọ 91 tuổi. Dòng người đổ về văn phòng thủ tướng để chia buồn và bày tỏ lòng yêu mến dành cho nhà lãnh đạo. Nhiều người dân Singapore đã không cầm được nước mắt. Nurhidayah Osman, một người dân Singapore viết trên trang Facebook của Thủ tướng: “Cảm ơn ông đã trao cho chúng tôi, những người dân Singapore, một quốc gia vĩ đại để sống, một đất nước tôi có thể tự hào, một đất nước tôi có thể đi ra ngoài lúc nửa đêm mà không cần sợ hãi”.
Phát biểu sáng 23/3, Thủ tướng Lý Hiển Long Thủ nghẹn ngào cho biết ông đau buồn tới mức không từ ngữ nào có thể diễn ra trước sự ra đi của cha mình. Ông khẳng định: “Người cha sáng lập dân tộc của chúng ta đã không còn nữa. Ông ấy đã truyền cảm hứng cho chúng ta, giúp chúng ta đoàn kết, đem lại cho chúng ta sự dũng cảm. Ông ấy chiến đấu vì độc lập của Singapore, xây dựng một đất nước, làm chúng ta tự hào vì là người Singapore”. “Sẽ không ai có thể sánh được với ông ấy. Với nhiều người Singapore và cả người nước khác, Lý Quang Diệu chính là đất nước Singapore. Là thủ tướng, ông thúc đẩy chúng ta đạt được những thành công tưởng chừng như bất khả thi…Singapore là niềm khát vọng của ông. Ông ấy đã cống hiến tất cả bản thân cho Singapore”, Ông Lý Hiển Long nói.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cho biết ông "vô cùng đau buồn" trước tin về sự qua đời của ông Lý Quang Diệu và gửi lời chia buồn đến người dân Singapore. Ông Ban Ki-Moon mô tả: “Ông Lý Quang Diệu là nhân vật huyền thoại ở châu Á, được tôn kính bởi phẩm chất lãnh đạo mạnh mẽ”. Đảng PAP tuyên bố trên trang Facebook rằng: "Chúng tôi thương tiếc cho sự ra đi của một trong những lãnh đạo vĩ đại của đảng chúng ta, chúng ta tôn vinh những đóng góp vĩ đại của ông ấy dành cho đất nước và con người Singapore".
Tổng thống Tony Tan của Singapore đã viết một bức thư ngỏ chia buồn, trong đó ông Tan mô tả ông Lý là "kiến trúc sư của đất nước". Cựu lãnh đạo Goh Chok Tong nhìn nhận: "Ông ấy là lãnh đạo của tôi, là người thầy, nguồn cảm hứng, người đàn ông tôi ngưỡng mộ nhiều nhất". Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng ca ngợi ông Lý Quang Diệu: “Ông ấy là một người khổng lồ thực sự của lịch sử, sẽ được nhiều thế hệ nhớ tới với tư cách là người cha sáng lập đất nước Singapore hiện đại và là một trong những chiến lược gia vĩ đại nhất của châu Á”. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho rằng ông Lý Quang Diệu là một trong các nhà lãnh đạo vĩ đại nhất châu Á.
Thủ tướng Anh, Úc, New Zealand cũng gửi lời chia buồn tới Singapore khi cựu thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời và ca ngợi ông Lý trong việc xây dựng Singapore như một hình mẫu. Giáo sư Michael Barr, người từng viết sách về ông Lý Quang Diệu, nhận định thành công lớn nhất của ông là tận dụng tối đa các lợi thế tự nhiên của Singapore để biến quốc gia này thành nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á. Nhà phân tích chính trị Derek da Cunha khẳng định ông Lý Quang Diệu “đã xây dựng uy tín, vị thế của đất nước Singapore lớn hơn rất nhiều so với diện tích của nó”.
Nhà sử học kiêm tác giả viết tiểu sử nổi tiếng Pranay Gupte viết trên Huffington Post rằng ông Lý Quang Diệu là một trong những người khổng lồ đã chuyển đổi thành công đất nước mình từ thế giới thứ ba lên một quốc gia thịnh vượng phát triển nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người đạt 81.000 USD. Singapore trở thành một hiện tượng kinh tế thu hút sự chú ý của các siêu cường thế giới về khả năng liên minh quân sự và phát triển thị trường.
Ông Lý Quang Diệu thường giải thích sự thành công kinh tế của Singapore là hệ quả của 3 yếu tố tương hỗ chặt chẽ: cam kết triệt để về kinh doanh tự do, cam kết triệt để về một xã hội thượng tôn pháp luật; cam kết triệt để về một hệ thống quản trị trong sạch, không tham nhũng. Reuteur đánh giá ông Lý Quang Diệu là gương mặt nổi bật thời kỳ hậu thuộc địa tại châu Á. AP nhìn nhận ông là người tạo dựng một đất nước Singapore hiện đại. New York Times cho rằng ông Lý đã biến một hòn đảo nhỏ nghèo khó thành một trong những quốc gia giàu có và ít tham nhũng nhất châu Á. Theo Daily Mail, cha đẻ sáng lập Singapore hiện đại khiến người ta vừa kính trọng vừa nể sợ, đã có công biến Singapore thành một quốc gia giàu nhất thế giới.
Trả lời phỏng vấn New York Times tháng 9/2010, ông Lý Quang Diệu nói: “Tôi không nói mọi thứ tôi làm đều đúng. Nhưng mọi việc tôi đã làm đều vì một mục tiêu cao cả”. Independent nhận xét, ông Lý Quang Diệu đã hòa trộn chủ nghĩa tư bản và một chính phủ mạnh mẽ với chút gì đó mang tư tưởng cộng sản đã khiến thu nhập bình quân đầu người của Singapore tăng gấp 15 lần trong giai đoạn 1960-1980. Sau khi tiếp ông Lý tại Nhà Trắng tháng 10/2009, Tổng thống Mỹ Obama mô tả ông là “một trong những nhân vật huyền thoại châu Á trong thế kỷ 20 và 21…đã giúp tạo nên sự thần kỳ kinh tế châu Á”.
Theo báo Straits Times, Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố 7 ngày quốc tang để tưởng nhớ nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu. Trong hai ngày tới, di hài của ông sẽ được đưa đến khu Istana để gia đình tổ chức tang lễ. Sau đó ông sẽ được đưa đến tòa nhà chính phủ để người dân viếng trong 5 ngày. Nhà lãnh đạo vĩ đại của đất nước Singapore sẽ được hỏa táng vào ngày 29/3.
Lý Quang Diệu: Việt Nam là đối tác tốt nhất ở Đông Nam Á
Trong cuốn hồi ký “From third world to the firt-The Singapore Story 1965-2000”, ông Lý Quang Diệu đã kể về sự kiện tháng 10/1991. Thủ tướng Việt Nam khi đó là Võ Văn Kiệt thăm Singapore khi ông Lý đã chuyển giao chức vụ Thủ tướng cho ông Goh Chok Tong. Trong tiệc chiêu đãi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tới gặp ông và hỏi liệu ông có thể giúp Việt Nam không. Ông Lý Quang Diệu hỏi bằng cách nào. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề nghị ông trở thành cố vấn kinh tế cho Việt Nam. Năm 1992, ông Lý Quang Diệu sang thăm Việt Nam và trải qua một ngày làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đội ngũ bộ trưởng và các quan chức cao cấp Việt Nam để thảo luận vấn đề mô hình phát triển và hiện đại hóa nền kinh tế.
Sau đó, ông đã cử một lực lượng chuyên gia sangViệt Nam, nghiên cứu các vấn đề về phát triển cơ sở hạ tầng, tư vấn về việc xây dựng hải cảng, sân bay, đường xá, cầu cống, thông tin liên lạc và cung cấp năng lượng. Ông Lý Quang Diệu đã gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam như nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cựu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Tổng Bí thư Đỗ Mười, Phó Thủ tướng khi đó là Phan Văn Khải. Ông nhận xét trong cuốn hồi ký: “Các nhà lãnh đạo Việt Nam là một tập thể gây nhiều ấn tượng. Họ là những đối thủ ghê gớm, có quyết tâm và tinh thần chiến đấu cao độ”. Ông Lý Quang Diệu từng nói Việt Nam là đối tác tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á và đã rất nhiệt tình trong việc đưa ra lời khuyên và hỗ trợ thiết thực cho quá trình cải cách kinh tế ở Việt Nam. “Người Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian cho việc loại bỏ những trói buộc để hoạt động thoải mái, linh hoạt. Một khi làm được điều này, tôi ít nghi ngờ việc họ có thể thành công”.
Từ những vấn đề quốc gia, chính trị to tát tới cá nhân nhỏ nhặt, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đều thể hiện những quan điểm cực kỳ mạnh mẽ và thường gây tranh cãi . Dưới đây là một số câu nói ấn tượng nhất của ông:
- Về triết lý chính trị: Tôi thường bị cho là can thiệp vào cuộc sống riêng tư của người dân. Vâng, nếu tôi không làm như vậy, chúng tôi không ở tại đây hôm nay. Và tôi nói không một chút hối hận, rằng chúng tôi không ở đây ngày hôm nay, chúng tôi không đạt được thành tựu phát triển kinh tế như thế, nếu chúng tôi không can thiệp vào từng vấn đề cá nhân…Chúng tôi quyết định điều gì là đúng. Đừng bận tâm mọi người nghĩ gì” (báo Straists Times, 1987).
- Về những chỉ trích đối với phong cách lãnh đạo độc tài của ông: “Bạn biết đấy, phương thuốc chữa trị tất cả những khiển trách này thực sự là liều thuốc tốt cho một chính phủ kém cỏi. Bạn làm cách đó đi và bạn sẽ không bao giờ đoàn kết Singapore một lần nữa”. (Bình luận với báo chí Singapore, năm 2007).
- Về cách cai trị cứng rắn: “Nếu bạn là một kẻ gây rắc rối…công việc của chúng tôi là phá hủy bạn về chính trị. Mọi người đều biết rằng trong túi tôi có một chiếc rìu nhỏ, rất sắc. Nếu bạn đấu với tôi, tôi sẽ lấy rìu ra, chúng ta sẽ gặp nhau trong ngõ cụt”.
- Về việc thăm dò dư luận: “Tôi chưa từng quan tâm quá hay thấy ám ảnh bởi các cuộc thăm dò ý kiến hay thăm dò tỷ lệ ủng hộ. Tôi nghĩ một lãnh đạo như thế là một lãnh đạo yếu. Nếu bạn quan tâm đến tỷ lệ ủng hộ bạn lên hay xuống, bạn không phải một nhà lãnh đạo”.
- Về chính sách ghép đôi nam nữ tốt nghiệp đại học để sinh ra những em bé thông minh: “Nếu bạn không lựa chọn những phụ nữ tốt nghiệp đại học để sinh con mà cứ để họ trên giá, rút cục bạn sẽ có một xã hội ngu dốt hơn….Điều gì sẽ xảy ra? Sẽ có ít người sáng dạ để hỗ trợ những người đần đù trong thế hệ tiếp theo. Đó chính là vấn đề”.
- “Ngay cả khi trên giường bệnh, ngay cả khi bạn hạ tôi xuống mồ mà tôi cảm thấy điều gì đó không ổn, tôi sẽ bật dậy”.
- Về tự do báo chí: “Tự do báo chí, tự do của truyền thông đều lệ thuộc vào những nhu cầu quan trọng hơn về sự toàn vẹn của Singapore, và tính ưu việt trong mục đích của một chính phủ được bầu ra”. (Phát biểu trước đại hội của Viện Báo chí quốc tế tại Helsinki, năm 1971)
- Về thời trang: “Tôi không quan tâm đến việc thay đổi bộ vét hay chiếc xe hay bất kỳ thứ gì đúng theo sự thay đổi của thời trang. Điều đó là không phù hợp. Tôi không đánh giá bản thân hay bạn bè dựa trên thời trang của họ. Dĩ nhiên, tôi không chấp nhận những người cẩu thả, tồi tàn, bù xù một cách không cần thiết…nhưng tôi cũng không thấy ấn tượng với một bộ đồ Armani 5.000 hay 10.000 USD”.
Những dấu mốc chính trong cuộc đời ông Lý Quang Diệu
Sinh ngày 16/9/1923 tại Singapore dưới thời cai trị của Anh
1936-42: Học tại Học viện Raffles, Đại học Raffles từ.
1946-50: Học Trường Kinh tế và Chính trị London và Đại học Cambridge.
1947: Kết hôn bí mật tại Anh với bà Kwa Geok Choo – người giành được học bổng từ Nữ hoàng Anh và cũng học luật tại Cambridge.
1950: Kết hôn lại với bà Kwa trước khi trở về Singapore.
1950-59: Là cố vấn luật cho công đoàn; bất mãn trước thực tế người dân Singapore có ít tiếng nói trong Hội đồng Lập pháp; nhận thấy phải thực hiện một phong trào chính trị hiệu quả để thay thế Đảng Cộng sản Malayan và các nhóm chính trị khác.
1954: Thành lập Đảng Hành động Nhân dân (PAP).
1955: Trở thành lãnh đạo đối lập sau khi được bầu vào Hội đồng Lập pháp.
1957: Thuộc nhóm giành được thỏa thuận về quyền tự trị cho Singapore
1959: Ông dẫn dắt PAP giành chiến thắng bầu cử, trở thành thủ tướng của nhà nước tự trị ở tuổi 35.
1960: Lập Ban Phát triển và Nhà ở Singapore để thay thế nhà ổ chuột và nhà tạm bằng nhà chung cư. Ngày nay, hơn 80% dân số Singapore sống trong các căn hộ được chính phủ trợ cấp.
Theo QPAN