Sẽ có một “siêu ủy ban”
Ngày 13/7, Bộ KH&ĐT, qua website, đã công bố Dự thảo “Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước” để lấy ý kiến rộng rãi. Trong đó, nội dung quan trọng nhất là thành lập cơ quan chuyên trách có tên gọi Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN (sau đây gọi tắt là ủy ban).
“Siêu Ủy ban” này có nhiệm vụ giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; tập trung nguồn vốn nhà nước đang đầu tư tại doanh nghiệp để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực chiến lược, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.
Còn chức năng của Ủy ban là đầu tư và quản lý danh mục tài sản, vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiệp trên nguyên tắc bảo toàn và tối đa hóa giá trị tài sản, vốn đầu tư nhà nước được giao quản lý.
Như vậy, nếu Ủy ban nói trên được thành lập, cơ quan này sẽ trực tiếp quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thay vì để các bộ, ngành quản lý như hiện nay. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, Ủy ban này sẽ quản lý 30 tập đoàn, tổng công ty, trong đó Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ là đơn vị chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đầu tư tài chính.
Theo Bộ KH&ĐT thì, ở nước ta, giá trị vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh còn rất lớn. Việc sử dụng có hiệu quả lượng vốn và tài sản quan trọng này không chỉ tác động tích cực đến tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh chung của nền kinh tế, mà còn là công cụ hữu hiệu để Nhà nước định hướng phát triển kinh tế-xã hội theo mục tiêu đề ra.
Bộ KH&ĐT viện dẫn báo cáo của Bộ Tài chính năm 2015, với 781 DNNN có tổng giá trị tài sản là 3,1 triệu tỉ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước 1,2 triệu tỉ đồng.
Còn theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có 100% và trên 50% sở hữu vốn nhà nước thì tổng tài sản đã lên đến 5,4 triệu tỷ đồng (tương đương 240 tỷ USD).
Hiện DNNN chiếm 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn Nhà nước, 60% tín dụng, 79% tổng nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại và 70% vốn ODA, thế nhưng chỉ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng GDP.
Phần lớn DNNN ở Việt Nam mặc dù có hệ số nợ cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp tư nhân, tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận VCSH (ROE) của các DNNN lại rất thấp.
Vì vậy “để tiếp tục nâng cao hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập đối với doanh nghiệp nhà nước” cần phải thành lập một Ủy ban Quản lý, giám sát DNNN.
Mô hình thành lập một Ủy ban Quản lý, giám sát DNNN, theo phân tích của Bộ KH-ĐT, là có nhiều ưu điểm. Trong đó, quan trọng nhất là khắc phục được hạn chế do chưa tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Mô hình quản lý này cũng có ưu điểm là chuyên nghiệp hóa bộ máy tổ chức, cán bộ thực hiện chức năng đại diện chủ sở nhà nước, bảo đảm nắm bắt được thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp này, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý các công việc liên quan và vấn đề phát sinh.
Đặc biệt, mô hình này sẽ kiểm soát tốt hơn và dễ xác định, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời tạo lập sân chơi bình đẳng giữa DNNN và các thành phần kinh tế khác.
Về mô hình này chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng cần thiết, vì “không để doanh nghiệp nào trực thuộc bộ, ngành, địa phương, trừ doanh nghiệp công ích. Nhiệm vụ của ủy ban này là tiếp tục thực hiện quá trình tổng thể tái cơ cấu DNNN - 1 trong 3 trọng tâm tái cơ cấu của nền kinh tế. Tôi kiên định với đề xuất lập Ủy ban Quản lý DNNN từ rất lâu vì như thế mới giải quyết được vấn đề tách quản lý nhà nước ra khỏi nhiệm vụ kinh doanh, sắp xếp tổng thể khu vực DNNN”.
Vẫn còn đó những dấu hỏi lớn
Thực ra với thế giới thì đây là câu chuyện không mới. Mô hình này đã và đang được một số nước áp dụng để giám sát và quản lý vốn nhà nước. Tổ chức quản lý các DNNN hoạt động như một doanh nghiệp, có tư cách pháp lý độc lập và có bộ máy quản trị riêng.
Khi nói đến mô hình tổ chức kiểu này người ta hay nhắc tới Tập đoàn Temasek của Singapore và Tập đoàn Khazanah của Malaysia. Chính phủ Singapore cấp vốn cho Temasek để tập đoàn này đầu tư vào các doanh nghiệp khác.
Ngoài nguồn vốn Chính phủ cấp, Temasek được giao quản lý toàn bộ phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước của Chính phủ Singapore như Tập đoàn Hàng không Singapore Airlines, Tập đoàn Năng lượng SingPower, Tập đoàn Viễn thông SingTel...
Mặc dù là tập đoàn do Nhà nước đầu tư vốn, Temasek hoạt động như một tập đoàn tư nhân và được khẳng định là một nhà đầu tư và một cổ đông năng động. Những ưu thế mạnh mẽ về thể chế pháp trị minh bạch, cơ chế thị trường hiện đại, cộng với tính kỹ trị và tính chuyên nghiệp cao, đã tạo điều kiện cho Temasek phát triển, uy tín ngày càng cao trong cộng đồng kinh doanh và tài chính, không chỉ trong nước mà còn vươn ra toàn cầu.
Đây là một mô hình thành công. Tuy nhiên, nói như TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Thực tiễn Việt Nam cho thấy, rất nhiều mô hình hay, nhưng áp dụng tại Việt Nam lại không hiệu quả”. Ý kiến của ông Trần Đình Thiên không phải là không có lý. Ở các nước người áp dụng mô hình này thành công là bởi DNNN ở những nước này không nhiều.
So sánh với các quốc gia trên thế giới, thì khu vực quốc doanh tại Việt Nam đang chiếm tỷ trọng quá lớn. Nếu chúng ta biết rằng, tại châu Phi, nhóm này chiếm 15% GDP, châu Á nói chung là 8% GDP, Mỹ Latin là 6%. Ở các nước thuộc nhóm thu nhập cao (OECD), quy mô tài sản cũng chỉ tương đương 15% GDP.
Chính vì vậy mà TS Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đã nghi ngờ tính khả thi của mô hình này.
Ông Doanh nói: “Lập ra một siêu cơ quan, liệu có gì mới so với trước không? Tôi cho rằng cần phải xem xét vì số lượng DNNN ở nước ta quá lớn, vượt khỏi khả năng quản lý của một cơ quan như vậy. Kinh nghiệm thế giới là chỉ quản lý hiệu quả khi số lượng doanh nghiệp hạn chế. Nếu không giảm bớt DNNN, sinh ra một siêu cơ quan quản lý thì cuối cùng vẫn phải quay lại với công cụ hành chính”.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, bất kỳ mô hình quản lý nào cũng phải thực hiện cổ phần hóa (CPH) triệt để DNNN, Nhà nước chỉ giữ cổ đông đa số ở ngành chiến lược, doanh nghiệp công ích cần thiết. Khi được CPH, chính cổ đông và ban kiểm soát nội bộ doanh nghiệp sẽ kiểm soát, chế định lẫn nhau và khi đó, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước mới hiệu quả.