Siêu bão Nepartak gây hỗn loạn chưa từng có trên miền Đông Trung Quốc (video)

VietTimes -- Theo South Chinamorning post: Cơn bão đầu tiên của mùa mưa bão năm 2016 đã gây tổn thất và thiệt hại hàng loạt cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội và buộc 420 nghìn người dân tại bốn thành phố ở tỉnh Phúc Kiến phải di tản đến khu vực an toàn hơn.
Một cây cầu trên đường cao tốc bị bão lũ đánh sập
Một cây cầu trên đường cao tốc bị bão lũ đánh sập

Cơn bão đầu mùa Nepartak đổ bộ vào miền Đông Trung Quốc đã buộc gần nửa triệu người ở tỉnh Phúc Kiến đã phải sơ tán. Gió bão và mưa lớn liên tiếp đã khiến nhiều khu vực sụt lở nghiêm trọng đi cùng với lũ quét và lụt lội tràn ngập các khu dân cư.

Theo Cơ quan thời tiết địa phương tỉnh Phúc Kiến, siêu bão Nepartak đổ bộ vào lục địa Trung Quốc vào lúc 1:45 chiều ngày 09.07.2016 tại thành phố Thạch Sư, sức gió lên tới khoảng 100 km/giờ.

Theo ước tính không đầy đủ, hơn 420.000 người dân ở bốn thành phố lớn, trong đó có thủ phủ tỉnh Phúc Châu, buộc phải sơ tán khẩn cấp.

Tờ ENCS (China News Service) cho biết: ngày 09.07.2016, 18 công nhân trong một nhà máy sắt tại quận Gutian đã bị mắc kẹt do một vụ lở đất gây ra từ hậu quả những trận mưa lớn trong suốt những ngày qua. Khoảng hơn 50 nhân viên cảnh sát vũ trang và 20 nhân viên cứu hỏa được điều động đến khu vực giải cứu thành công những người bị nạn.

Theo Tân Hoa Xã: Trong vùng lân cận thành phố Phủ Điền công bố tình trạng báo động mưa lũ đỏ sau khi lượng mưa lến đến 250 mm trong bốn giờ đầu cơn bão.  Gần 23.000 nhân viên được điều động để kiểm tra và sẵn sàng thực hiện các biện pháp khẩn cấp do hệ thống quản lý, điều hành cấp thoát nước vượt quá mực chịu đựng.

Các nhân viên cứu hỏa cứu hộ được 43 người trong một khu vực dân cư sau khi nước lũ ngập chìm hai tòa nhà trong thành phố. Nhiều tòa nhà sụp đổ, trong các khu vực nông thôn và miền núi, liên tiếp xuất hiện các sự cố sạt lở đất quy mô lớn.

Một phần của một cầu vượt kết nối đường cao tốc ở quận Minqing thuộc thủ phủ tỉnh Phúc Châu sụp đổ sau cơn bão, khiến ít nhất một chiếc xe tải rơi xuống sông Xikou.

Theo Tân Hoa Xã: năm sân bay tại tỉnh Phúc Kiến bị đóng cửa, hủy gần 400 chuyến bay thương mại, 341 chuyến tàu cao tốc bị hủy bỏ lịch trình, đất bùn và cát tràn ngập gần 5.000 xe buýt.

Chính quyền địa phương thông báo: Có hơn 33.000 tàu thuyền đánh cá đang trú ẩn trong cảng, hệ thống cung cấp điện lưới cho một số khu vực vùng sâu vùng xa bị cắt đứt.

Ngày 08.07.2016, dịch vụ phà biển và các chuyến bay giữa tỉnh Phúc Kiến với Đài Loan tạm dừng hoạt động. Các chuyến tàu chạy giữa thành phố Phúc Kiến với các tỉnh lân cận Giang Tây và Chiết Giang cũng được lệnh tạm dừng.

Theo tin ngày 08.07.2016 trên cổng thông tin điện tử people.com.cn: Chính quyền địa phương trước đó đã ra thông báo yêu cầu các tàu thuyền trên biển cập cảng tránh bão và toàn bộ ngư dân ven biển phải sơ tán. Khoảng 66 chiếc tàu kéo và 3 máy bay trực thăng vận tải trực chống bão, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn.

Chính quyền địa phương cũng ra mệnh lệnh yêu cầu tất cả mọi công việc liên quan đến các công trình ven biển đều phải dừng hoạt động, các nhà máy xí nghiệp ven biển đóng cửa, các khu vực công viên, du lịch, nghỉ dưỡng ven biển ngừng hoạt động, cán bộ công nhân viên được lệnh sơ tán.

Siêu bão Nepartak cũng gây tổn thất nặng nề cho Đài Loan, những cơn gió bão mãnh nhất trong hơn một thế kỷ qua đã quất vào một phần của hòn đảo, làm 3 người thiệt mạng và 311 người bị thương, 15.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán.

Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan (COA) cho biết: siêu bão Nepartak gây thiệt hại cho nông nghiệp theo ước tính ban đầu khoảng  776.930.000 Tân Đài tệ (24,1 triệu USD), tỉnh Taitung là khu vực ảnh hưởng nặng nhất với khoảng  87% trong tổng số tổn thất nông nghiệp.

Siêu bão Nepartak gây hỗn loạn chưa từng có trên miền Đông Trung Quốc (video) ảnh 11
  Siêu bão Nepartak gây hỗn loạn chưa từng có trên miền Đông Trung Quốc (video) ảnh 14

NT