Mặc dù việc thu tiền bản quyền âm nhạc (BQAN) tại các phòng nghỉ khách sạn đã được thông báo tạm ngừng nhưng vẫn tiếp tục tạo ra sự tranh cãi kịch liệt và sự quan tâm lớn trong dư luận, đặc biệt là trong giới nhạc sĩ Việt Nam.
Các ý kiến nhiều chiều cho thấy: việc thu tiền BQAN tại phòng nghỉ khách sạn hay ở bất kỳ đâu cũng đều chính đáng vì khi sử dụng sản phẩm của ai đó chúng ta phải trả tiền. Tuy nhiên việc thu tiền ấy cần phải tiến hành thế nào cho phù hợp và đúng đắn.
Việc thu tiền bản quyền ở các chương trình biểu diễn, ở các tác phẩm được chọn đầu tư sản xuất hay dùng trong các chương trình truyền hình… đã được thực hiện và dễ dàng có con số thống kê mà vẫn xảy ra sơ xuất hay bỏ sót thì việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc trên các phương tiện di chuyển công cộng, trong khách sạn, đặc biệt là phòng ngủ càng khó thống kê và khó theo dõi hơn. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này sau cuộc họp tổng kết thường niên tại Hội Nhạc sĩ TP Hà Nội ngày 2/06/2017, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ TP Hà Nội đã nêu ra một số ý kiến đóng góp xác thực cho quá trình chuẩn bị tư liệu cho việc sẽ thu tiền BQAN tại phòng nghỉ khách sạn mà Trung tâm bản quyền âm nhạc đang tiến hành, hứa sẽ công bố sau ba tháng nữa.
Thưa nhạc sĩ, vấn đề thu BQAN tại phòng nghỉ khách sạn của Trung tâm Bản quyền âm nhạc VN vừa tạo ra sự chú ý của đông đảo công chúng với những ý kiến trái chiều, với tư cách là Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hà Nội ông có ý kiến gì về việc này?
-Không chỉ riêng tôi mà hầu hết các nhạc sĩ trong Hội Âm nhạc TP Hà Nội đều tán đồng và mong muốn việc thu tác quyền âm nhạc ở các lĩnh vực đời sống được thực hiện một cách đầy đủ. Song đối với lĩnh vực BQAN Việt Nam chúng ta cần phải có một hệ thống luật riêng mới có thể khiến những bên liên quan tâm phục khẩu phục thực hiện, việc thu tiền cần phải có nguyên tắc rõ ràng chứ không thể mang tới cho người khác cảm giác đang bị thu một cách vô tội vạ.
Nếu ở các lĩnh vực khác như lĩnh vực biểu diễn chúng ta có thể thống kê các cuộc biểu diễn qua sự đăng ký của các đơn vị tổ chức; với nhà Đài có thể thực hiện qua thống kê sử dụng trên mỗi kênh từ Đài; kể cả việc thu tại các khách sạn cũng có thể thực hiện qua việc thống kê số liệu nhưng việc thu tiền BQAN tại phòng nghỉ trong khách sạn quả thật là một việc hết sức tế nhị và khó để có thể kiểm soát hoặc thậm chí không phải ai cũng vào phòng nghỉ khách sạn để… nghe nhạc?
-Như tôi vừa nói ở trên, nếu chúng ta không có một hệ thống pháp lý rõ ràng, gạch đầu dòng chi tiết từng mục sẽ dẫn tới việc phản ứng khi xuất hiện các chi tiết nhạy cảm và có thể dẫn tới cách hiểu phản cảm. Thực tế rất hiếm khách hàng vào phòng nghỉ khách sạn để nghe nhạc và nếu nghe thì làm thế nào để có thể thu khoản tiền tác quyền ở khu vực nhạy cảm này?
Nếu ở Nhật và các nước tiên tiến, việc thu tiền tại các không gian mang tính riêng tư hay nhạy cảm như phòng hát riêng, thậm chí có thể là cả phòng nghỉ đều có thẻ hoặc các linh kiện cài đặt, tích hợp sẵn trong máy móc như một hệ thống kiểm soát riêng về việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc để đưa ra con số thống kê cũng như số tiền tác quyền mà người sử dụng dùng. Việc thống kê này được chủ địa điểm kiểm tra và tính cụ thể với khách hàng trong đơn thanh toán sau đó tự động trả khoản phí này theo luật đã quy định.
Việc thu tiền BQAN trong phòng nghỉ khách sạn ở nước ta có lẽ cần phải thực hiện như vậy. Nhưng hiện tại, từ hệ thống pháp lý cho tới các phương tiện kỹ thuật hiện đại ở nước ta nói chung, chứ không chỉ nói ở lĩnh vực BQAN còn thiếu thốn và dẫn tới những tranh cãi trái chiều không cần thiết.
Trong lần trả lời phỏng vấn gần đây nhất, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bản quyền âm nhạc Việt Nam có cho biết trong 3 tháng tới sẽ tìm hiểu và thu thập các dữ liệu pháp lý để thông báo về việc sẽ tiến hành thu tiền BQAN tại phòng nghỉ khách sạn, theo đánh giá chủ quan ông Trung tâm bản quyền có thể thực hiện dự án này suôn sẻ trong thời gian sau đó?
-Việc phải có một hệ thống luật riêng ban hành cho việc thu tiền BQAN là cần phải có, việc thu tiền không thể ang áng hay cứ dựa vào điều này chiểu theo điều kia được. Còn luật đó thế nào thì Trung tâm bản quyền âm nhạc Việt Nam cần phải đề xuất lên trên, những bộ nghành liên quan và phải làm một cách dày công, nghiêm túc thông qua việc tham khảo các tài liệu liên quan trên thế giới cùng với những trải nghiệm, kinh nghiệm qua thời gian hoạt động nhiều năm qua.
Nhưng như cá nhân tôi đã khẳng định: việc thu tiền BQAN muốn được tốt, đạt hiệu quả và được sự đồng thuận, “tâm phục khẩu phục” của các bên liên quan, kể cả công luận thì phải có máy móc thiết bị hiện đại đi kèm, nhất là ở trong các không gian nhạy cảm như phòng ngủ ở khách sạn. Nếu không có các phương tiện hiện đại như ở các nước tiên tiến thiết kế riêng cho việc thu tiền BQAN thì rất khó để thống kê theo kiểu thủ công hay đổ đầu khi hầu như một lẽ đương nhiên là khách ang họ không vào phòng ngủ trong khách sạn để nghe nhạc.
Qua sự việc khởi động thu tiền BQAN tại phòng nghỉ khách sạn vừa qua của trung tâm bản quyền âm nhạc VN đã dấy lên nhiều ý kiến, trong đó, bên cạnh các ý kiến ủng hộ có nhiều ý kiến cho rằng Trung tâm cố tình “uốn” luật có lợi về phía mình trong việc thu tiền; làm việc chưa chuyên nghiệp và thiếu thuyết phục, với tư cách là người từng làm quản lý trong lĩnh vực âm nhạc ông suy nghĩ gì về các ý kiến trên?
-Tất cả các ý kiến trên đều xuất phát từ việc chúng ta chưa có một hệ thống pháp lý cụ thể quy định riêng cho việc thu BQAN và việc này trước tiên phải thuộc về Trung tâm Bản quyền âm nhạc cần phải đề xuất và tham gia vào việc nghiên cứu và đưa ra một cách thuyết phục, được Nhà nước công nhận.
Còn việc thu phí hay đóng phí ở hầu hết các lĩnh vực ở nước ta đều gây ra những tranh cãi lúc ban đầu song nếu bên cạnh hệ thống pháp lý rõ ràng, giải thích cụ thể chính xác, có hệ thống máy móc hiện đại hỗ trợ thì việc thu phí sẽ không còn là vấn đề phải tranh cãi nữa.
Chỉ tới khi nào mà việc thu tiền BQAN ở nước ta thực hiện được như việc người ta mua thẻ nạp tiền di động, trả tiền theo gói cước trả trước, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu hoặc đăng ký trả sau, nghe bao nhiêu bài trong tháng thì theo quy định giá tiền chung sẽ trả bằng ấy thì mới hết ý kiến này nọ.
Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Nhạc sĩ Phó Đức Phương (Giám đốc trung tâm BQAN VN): hẹn sau 3 tháng!
Việc thu BQAN tại các khách sạn đã được áp dụng từ lâu và chúng tôi có hơn 400 khách sạn lớn thực hiện việc này. Tuy nhiên, ở lần này, khi đưa văn bản thu tiền BQAN VN vào các phòng ngủ của khách sạn thì chúng tôi gặp sự phản ứng từ dư luận, báo chí. Qua hai cuộc họp vừa qua với Bộ VNTTDL Việt Nam và Cục Bản quyền âm nhạc VN chúng tôi sẽ tạm dừng việc thu phí này lại với tinh thần cầu thị và hẹn gặp bạn sau ba tháng nữa khi chúng tôi thu thập thêm được các thông tin, tư liệu pháp lý từ các tổ chức về bản quyền âm nhạc liên quan trên thế giới.
Nhạc sĩ Văn Dung: Không phải cứ thích là thu được
Do các tác phẩm của tôi không nhận được bao nhiêu số tiền BQAN nên việc Trung tâm bản quyền thu tiền ở phòng nghỉ khách sạn không làm tôi quan tâm lắm. Dĩ nhiên, về phần tôi nói riêng và các nhạc sĩ nói chung, khi tác phẩm của mình được dùng và được trả tiền bản quyền thì vui quá nhưng chúng tôi nghĩ rằng, việc thu tiền nhất là thu định kỳ đều đặn khoản mục nào đó cần phải có hệ thống văn bản pháp lý đi kèm cho phù hợp, cụ thể chứ không phải cứ thích là thu được”.
Nhạc sĩ Đinh Công Thuận (Phụ trách văn phòng Hội Nhạc sĩ VN): Cần một hệ thống văn bản pháp lý rõ ràng
Tất cả các nhạc sĩ đều mong muốn nhận được khoản tiền này khi có ai đó sử dụng tác phẩm của họ song các khoản thu này vẫn bập bõm trong khi hàng ngày họ vẫn thấy tác phẩm của mình được vang lên ở chỗ này chỗ kia chung quy là do chúng ta chưa có một hệ thống pháp lý quy định cụ thể, rành mạch và nghiêm túc. Mà bất cứ luật nào thì cũng cần được mang ra bàn bạc, trao đổi, thống nhất ở Quốc hội và được Nhà nước ban hành mới có giá trị chứ không phải lấy từ điều này hay điều kia rồi phiên phiên theo thì dễ khiến người khác không phục.