Trong cuộc chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1957-1975, Liên Xô đã trợ giúp to lớn cho Việt Nam, đóng góp đáng kể vào chiến thắng của Việt Nam trước đế quốc Mỹ. Sau chiến thắng này, cả hai nước đã duy trì mối quan hệ song phương nồng ấm, hữu nghị cho tới khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Nhà nước thay thế và kế thừa tài sản cũng như những khoản nợ của Liên Xô là Liên bang Nga. Nhà nước này tiếp tục duy trì quan hệ với Việt Nam.
Một trong số những mối quan hệ này vẫn là hợp tác quân sự với vai trò là một phần quan trọng trong tình hữu nghị Việt-Nga. Các sĩ quan Việt Nam được huấn luyện quân sự tại Nga, còn lực lượng vũ trang của Việt Nam nhận được các thiết bị quân sự của Nga. Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu lớn nhất, lâu đời nhất và đáng tin cậy nhất các loại vũ khí của Nga. Ví dụ, Không quân Việt Nam gần như chỉ sử dụng máy bay của Nga. Theo một số tin tức truyền thông, các chiến đấu cơ MiG-21 và Su-22 của Liên Xô vẫn đang được sử dụng, và kể từ đầu những năm 2000, Việt Nam đã tích cực mua Su-30MK2 hiện đại của Nga.
Hơn nữa, những ngày này, hợp tác quốc phòng giữa Nga và Việt Nam đã trải qua một quá trình đổi mới liên tục. Theo NEO, thực tế này có thể là do sự tăng cường toàn diện quan hệ Việt-Nga, đòi hỏi những nỗ lực to lớn từ cả hai phía. Ngoài ra, người ta không thể không nhận thấy những căng thẳng đang gia tăng giữa Việt Nam và nước láng giềng khổng lồ khi hai nước vẫn tồn tại các tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông.
NEO cho rằng, tình hình an ninh biển vẫn tương đối ổn định, nhưng để bảo vệ tốt hơn vị thế của mình, Việt Nam cần phải thể hiện cho các đối tác trong khu vực thấy rằng Việt Nam là một quốc gia có năng lực. Đồng thời, Hà Nội vẫn luôn quan tâm đến tình hình Triều Tiên cũng như các mối đe dọa khủng bố đang liên tục gia tăng ở Đông Nam Á. Do đó, việc hợp lý mà một nước cần làm khi đối mặt với một loạt thách thức an ninh như vậy là cần đảm bảo rằng mình cùng một phía với đối tác đáng tin cậy nhất của mình.
Năm 2016, Việt Nam bắt đầu đưa vào biên chế 6 tàu ngầm Nga, trong khi nhiều nguồn khác tiếp tục đưa tin Hà Nội đang lên kế hoạch mua thêm một số tàu chiến của Nga.
Chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào năm ngoái đã được thiết kế để ông có thể tiến hành các cuộc đàm phán kéo dài với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, và kết quả mang lại là tổng cộng 20 hợp đồng đầu tư với tổng giá trị lên tới 10 tỷ USD đã được ký kết. Các nhà lãnh đạo Việt Nam và Nga đều bày tỏ quan điểm chung về các vấn đề an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sự tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Ngay sau chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới Nga, Việt Nam đã đặt mua 64 xe tăng T-90 của Nga.
Hơn nữa, ngay đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã công du đến Hà Nội. Trong chuyến thăm này, ông đã có cuộc gặp với Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng người đồng cấp Việt Nam Ngô Xuân Lịch. Các nguồn tin cho biết các bên đã thảo luận về nhiều vấn đề hợp tác trong các lĩnh vực quân sự, trong đó có bàn đến việc mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Theo lời ông Shoigu, S-400 sở hữu khả năng vượt trội, đã thể hiện trong thực chiến khi được triển khai tại Syria gần đây.
Khi nói về quan hệ hợp tác đang tiến triển giữa Nga và Việt Nam, ông Shoigu nhấn mạnh đây là hợp tác chiến lược vì một trong những ưu tiên hàng đầu của Nga vẫn là tiếp tục duy trì mối quan hệ mật thiết với Việt Nam. Ông cũng nói thêm rằng Việt Nam là một trong những đối tác an ninh quan trọng nhất của Matxcơva ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Truyền thông cho biết một kế hoạch toàn diện cho phép hai nước mở rộng hơn nữa hợp tác quân sự đã được soạn thảo cho giai đoạn 2018-2020. Kế hoạch này đề ra một danh sách các hoạt động khác nhau, bao gồm các cuộc tập trận chung. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga, các lực lượng vũ trang Nga đã sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm thử nghiệm ngay cả những thiết bị quân sự tiên tiến nhất trong điều kiện chiến đấu. Dự kiến tài liệu này sẽ được ký kết trong tương lai gần. Hơn nữa, năm nay sẽ được đánh dấu bởi một cuộc gặp cấp cao khác giữa Nga và Việt Nam.
Sự phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Matxcơva và Hà Nội sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ đối với tình hình ở Đông Nam Á, vì 2 năm trước Matxcơva đã từng tuyên bố là đang nghĩ đến khả năng xây dựng lại căn cứ hải quân của Liên Xô cũ ở Việt Nam.
Cần nhớ rằng vào năm 1979, Liên Xô đã nhận được quyền tự do sử dụng căn cứ gần Cam Ranh miễn phí trong 25 năm. Nó ngừng hoạt động vào năm 2002, khi phía Nga quyết định không gia hạn hợp đồng. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi kể từ đó, đây là lý do vì sao Việt Nam và Nga lại ký kết một hiệp định cho phép cả hai nước sử dụng căn cứ chung ở Cam Ranh để sửa chữa tàu ngầm vào năm 2003.
Tháng 11/2014, hai nước đã ký một thỏa thuận về đơn giản hóa thủ tục cho tàu chiến của hải quân Nga cập cảng Cam Ranh. Các tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga thường thực hiện các chuyến thăm chính thức và không chính thức tới Việt Nam. Hiện tại, hai nước đang thảo luận về việc cấp cho các tàu của Hải quân Việt Nam quyền tự do ghé thăm cảng Vladivostok của Nga.
Báo Nga cho biết, chưa có thông tin chi tiết về khả năng tiến hành đàm phán về việc xây dựng lại căn cứ quân sự của Nga tại Việt Nam. Tuy nhiên, những thỏa thuận nêu trên có thể được xem là một bước đi để tiến tới các cuộc đàm phán như vậy. Việc các lực lượng vũ trang Nga quay lại Việt Nam sẽ có lợi cho Liên bang Nga, một nước đang muốn gia tăng ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sự hiện diện quân sự của Nga có thể giúp ổn định căng thẳng đang gia tăng trong khu vực.
Theo NEO, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành đấu trường chính trị giữa một số quốc gia. Khái niệm này thường được xem xét qua lăng kính cuộc chiến giành vị thế thống trị khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang có một loạt tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước ASEAN. Ngoài ra, các chiến binh Hồi giáo đang đẩy mạnh các hoạt động ở cả Myanmar và Thái Lan. Trong bối cảnh này, NEO cho rằng, có lẽ một căn cứ quân sự của Nga hoạt động hoàn toàn tại Việt Nam có thể cho phép các nước trong khu vực đối trọng lại ảnh hưởng của các đối thủ khác ngoài khu vực, cụ thể là Mỹ.