Shangri-La 2016: Biển Đông sẽ tiếp tục nóng khi “quân nhân gặp quân nhân"

VietTimes -- Trong hội nghị đối thoại lần này, vấn đề Biển Đông sẽ vẫn là điểm nóng bởi hiện nay Mỹ và Nhật Bản can thiệp ngày càng sâu vào vấn đề Biển Đông.  Trung Quốc đã lần đầu tiên cử đoàn đại biểu quân đội do Tôn Kiến Quốc dẫn đầu tham dự hội nghị, được cho là một đoàn đại biểu "siêu mạnh"...
 Đối thoại Shangri-La 2016 ở Singapore, vấn đề Biển Đông được dự báo sẽ tiếp tục nóng
Đối thoại Shangri-La 2016 ở Singapore, vấn đề Biển Đông được dự báo sẽ tiếp tục nóng

Trang tin điện tử Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 31/5 cho hay, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên quân, Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Hội nghị Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 ở Singapore từ ngày 3 đến ngày 5/6/2016. 

Theo trang tin Cri Online Trung Quốc ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter cũng sẽ lên đường đến Singapore từ ngày 1/6 để tham dự hội nghị đối thoại này. Là đồng minh của Mỹ, Nhật Bản sẽ cử Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani tham dự hội nghị.

Cri phân tích cho rằng do tình hình Biển Đông tiếp tục nóng lên, đoàn đại biểu Trung Quốc chắc chắn sẽ sử dụng diễn đàn đa phương này để giải thích chủ trương (yêu sách bành trướng "đường lưỡi bò") và đặt ra "giới hạn" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngày 17/5/2016, cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis Hải quân Mỹ phô diễn sức mạnh trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc.
Ngày 17/5/2016, cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis Hải quân Mỹ phô diễn sức mạnh trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc.

Nhà quan sát quân sự Trung Quốc Ngụy Đông Húc cho biết, dự kiến, trong hội nghị đối thoại lần này, vấn đề Biển Đông sẽ vẫn là điểm nóng bởi hiện nay Mỹ và Nhật Bản can thiệp ngày càng sâu vào vấn đề Biển Đông. 

Quân đội Trung Quốc sẽ tận dụng kênh đối thoại này để trực tiếp đưa ra những "đòi hỏi" của Trung Quốc với Bộ trưởng Quốc phòng hoặc các quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ và các nước khác, trọng điểm là yêu cầu Mỹ không được để cho việc xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương đe dọa trực tiếp đến cái gọi là "lợi ích của Trung Quốc". Trung Quốc sẽ "không chấp nhận" đối với điều này.

Ngụy Đông Húc cho rằng: "Do trao đổi giữa quân nhân với quân nhân có thể đã giảm đi rất nhiều khách sáo, ý nghĩ chân thực của mọi người sẽ trực tiếp nói rõ với nhau. Vì vậy, sự trao đổi này sẽ có hiệu quả, cho dù trong quá trình đó rất có thể xảy ra tranh cãi. Trái lại, nếu không nói rõ trực tiếp với nhau, đối phương có khả năng sẽ xảy ra phán đoán nhầm trong các hành động sau đó".

Năm 2015, Trung Quốc đã lần đầu tiên cử đoàn đại biểu quân đội do Tôn Kiến Quốc dẫn đầu tham dự hội nghị, được cho là một đoàn đại biểu "siêu mạnh", phần lớn thành viên là hải quân, rõ ràng là "đi có chuẩn bị" (biện hộ cho mình) đối đáp về vấn đề Biển Đông.

Vì vậy, trong Sách trắng quốc phòng do Trung Quốc công bố trước đó đã nêu rõ là: Tăng cường "quyền lợi biển" (như bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông) là một phương hướng chủ yếu trong chiến lược tương lai của Trung Quốc.

Ngụy Đông Húc cho rằng lần này Trung Quốc lại cử Đô đốc Tôn Kiến Quốc đi dự hội nghị là "hợp lý", vì hoạt động tuần tra thường xuyên và các hành động tự do hàng hải do tàu chiến Mỹ tiến hành ở Biển Đông thực sự đã gây khó khăn cho Trung Quốc. 

Ngày 17/5/2016, cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis Hải quân Mỹ phô diễn sức mạnh trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc
Ngày 17/5/2016, cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis Hải quân Mỹ phô diễn sức mạnh trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc

Theo Ngụy Đông Húc, lần này Trung Quốc có thể cử theo người đến từ không quân tham dự hội nghị. Cri cho rằng, Nhật Bản luôn phối hợp chặt chẽ với Mỹ, hơn nữa trong vấn đề Biển Đông, gần đây, Nhật Bản đã có nhiều động thái khiến cho Trung Quốc rất không hài lòng. 

Theo Ngụy Đông Húc, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani chắc chắn sẽ phối hợp với Mỹ, chẳng hạn sẽ hưởng ứng tuyên bố nhấn mạnh tự do đi lại ở Biển Đông của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter. Đồng thời, có thể sẽ nhấn mạnh, ở biển Hoa Đông và Biển Đông đều cần có tự do đi lại. 

Ngụy Đông Húc phỏng đoán: Nhật Bản tham dự hội nghị này sẽ có 2 ý đồ: Trước hết là tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN và các nước xung quanh khác. 

Ngày 17/5/2016, cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis Hải quân Mỹ phô diễn sức mạnh trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc
Ngày 17/5/2016, cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis Hải quân Mỹ phô diễn sức mạnh trên Biển Đông. Nguồn ảnh: Sina Trung Quốc

Hiện nay, các bước vươn ra bên ngoài của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Nhật Bản ngày càng nhanh, vì vậy Nhật Bản cũng muốn thông qua kênh đối thoại quốc phòng đa phương để tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước xung quanh Biển Đông.

Nhật Bản muốn tìm một số tiếng nói ủng hộ và điểm tựa thực tế cho sự hiện diện của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trên Biển Đông, như một số nước mở cửa cảng biển để tàu chiến Nhật Bản tiến hành triển khai luân phiên và tiếp tế, nghỉ ngơi.

Thứ hai là Nhật Bản rất có thể cũng sẽ thông qua kênh đối thoại này để tiến hành trao đổi trực tiếp với đoàn quân đội Trung Quốc, muốn có cảm nhận trực quan đối với thái độ của Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông. 

Vì vậy, Nhật Bản nhất định sẽ không bỏ qua diễn đàn quốc phòng đa phương như vậy, hơn nữa, họ rất có thể sẽ còn có những tuyên bố thăm dò nhiều hơn, bao gồm một số tuyên bố mà Ngụy Đông Húc cho là "mang tính khiêu khích" (đối với Trung Quốc) để thăm dò phản ứng của Trung Quốc.

Đối thoại Shangri-La là diễn đàn thường niên do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Anh (IISS) và Văn phòng Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á-Bộ Quốc phòng Singapore hợp tác tổ chức. 

Hội nghị đầu tiên được tổ chức vào năm 2002, sau đó được tổ chức ở khách sạn Shangri-La Singapore trước sau thượng tuần tháng 6 hàng năm, vì vậy được gọi là "Đối thoại Shangri-La".