Mục tiêu cụ thể của Đề án là phải đảm bảo hầu hết các địa bàn trọng điểm được cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình qua mạng internet với chất lượng phù hợp, đồng thời mở rộng địa bàn cung ứng kênh chương trình phát thanh, truyền hình chất lượng cao đến nhiều loại thiết bị đầu cuối khác nhau; bảo đảm trung bình mỗi ngày có trên 1 triệu người lượt người truy cập dịch vụ và hệ thống có khả năng phục vụ tới 200.000 người sử dụng dịch vụ đồng thời. Bên cạnh đó, hệ thống cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình qua mạng internet phải đảm bảo chuyển tải tối thiểu 10 kênh chương trình truyền hình và 4 kênh chương trình phát thanh để phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài.
Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đưa ra 3 nhiệm vụ trọng tâm là cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình qua mạng internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài; biên tập các chương trình phát thanh, truyền hình có chất lượng phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài; đánh giá, kiểm tra và giám sát việc triển khai dịch vụ. Quy mô Đề án đặt ra là trong giai đoạn 2015 – 2017, hàng năm cung cấp 10 kênh truyền hình và 4 kênh phát thanh; giai đoạn 2018-2020, hàng năm sẽ cung cấp 20 kênh truyền hình và 4 kênh phát thanh phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài, trên nền tảng công nghệ truyền hình internet qua giao diện web; truyền hình internet trên tivi; truyền hình internet trên thiết bị di động; truyền hình trên nền tảng mạng ngang hàng và truyền hình trên cơ sở sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ video trực tuyến.
Đề án yêu cầu phải tăng cường chất lượng biên tập và biên tập lại các nội dung chương trình phát thanh, truyền hình theo hướng thông tin tuyên truyền về thành tựu của cộng cuộc đổi mới, về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tăng cường thông tin về kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài, xúc tiến thương mại, du lịch, hội nhập quốc tế của Việt Nam... Tổng kinh phí thực hiện Đề án trên là hơn 411.668 triệu đồng.
Theo: TTXVN/Tin Tức