SCIC ước đạt 16% kế hoạch lợi nhuận nếu dịch Covid-19 kéo dài tới cuối năm

VietTimes -- Phần lớn các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC là những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tại cuộc họp đánh giá tình hình hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) diễn ra hôm 11/4, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC Nguyễn Đức Chi cho biết với đặc thù hoạt động hiện tại, tổng công ty này ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh đến việc huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển và chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC là những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp. Các doanh nghiệp này hiện bị ảnh hưởng rất nặng nề vì các đầu vào nói trên tăng giá hoặc khan hiếm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khó khăn trong việc tiêu thụ đầu ra.

Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 3/2020, một số doanh nghiệp ước tính thiệt hại rất lớn như: Tập đoàn Dệt may (Vinatex) dự kiến giảm 22% doanh thu (284 tỷ đồng) và 79% lợi nhuận (237 tỷ đồng) so với kế hoạch; CTCP viễn thông FPT (FPT Telecom) dự kiến giảm 15% doanh thu (1.789 tỷ đồng) và 20% lợi nhuận (413 tỷ đồng); CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) dự kiến giảm 2.089 tỷ đồng doanh thu và 413 tỷ đồng lợi nhuận so với kế hoạch.

Còn trong báo cáo gửi Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) mới đây, SCIC cho biết có 81/145 doanh nghiệp thuộc doanh mục quản lý chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 trong Quý 1/2020.

Trong đó, có 35 doanh nghiệp chịu tác động nặng, đáng kể nhất là Vinatex do số lao động lớn, không ký kết được các đơn hàng mới, ách tắc trong xuất khẩu các đơn hàng cũ.

Theo đại diện của SCIC, doanh thu từ cổ tức, bán vốn và doanh thu tài chính đều giảm do hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp hết sức khó khăn, thị trường chứng khoán sụt giảm cả về cung và cầu. Một mặt khó thu hút nguồn vốn từ nước ngoài, mặt khác hoạt động của các doanh nghiệp bán vốn rất khó khăn nên chất lượng nguồn cung không tốt.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, SCIC đã xây dựng 3 kịch bản triển khai kế hoạch trong năm 2020, trong đó, nếu dịch bệnh kết thúc trong quý II/2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC dự kiến cùng đạt 82% kế hoạch.

Cụ thể, nếu dịch bệnh kết thúc trong quý III/2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC dự kiến đạt tương ứng 64% và 46% kế hoạch.

Quý IV/2020 dịch Covid-19 mới kết thúc, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC dự kiến chỉ đạt tương ứng 50% và 16% kế hoạch.

Hiện SCIC vẫn quyết tâm chưa điều chỉnh kế hoạch năm 2020.

Phát biểu tại buổi họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, với vị trí và tiềm lực của mình, SCIC có thể làm được nhiều hơn nữa.

Phó Thủ tướng lưu ý, SCIC “có thái độ dứt khoát là không nên ôm đồm quá nhiều doanh nghiệp địa phương chuyển về, không quản trị được, trong khi chiến lược chưa có, phương hướng, nhiệm vụ chưa rõ, lại đang chịu ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, bán vốn khó, chứng khoán, cổ phiếu dao động, trái phiếu khó phát hành”.

“Xác định định hướng chiến lược để thực sự đưa SCIC trở thành doanh nghiệp trọng yếu hay quả đấm của nền kinh tế, nhưng phải thực sự tham gia vào hệ thống chủ đạo của kinh tế nhà nước một cách có hiệu quả” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu./.