SCIC nghiên cứu đầu tư mua cổ phần tăng vốn tại VietinBank

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thông tin này được lãnh đạo Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022.
SCIC nghiên cứu đầu tư mua cổ phần tăng vốn tại VietinBank (Ảnh: Internet)
SCIC nghiên cứu đầu tư mua cổ phần tăng vốn tại VietinBank (Ảnh: Internet)

Theo đó, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của SCIC ước đạt 4.915 tỉ đồng, hoàn thành 62,26% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu cổ tức và doanh thu bán vốn lần lượt đạt 3.667 tỉ đồng và 716 tỉ đồng.

Trừ đi chi phí, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2022 của SCIC ước đạt 3.310 tỉ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch năm. Tổng công ty này cũng nộp ngân sách nhà nước 2.508 tỉ đồng, đạt 70% kế hoạch đề ra.

Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2022, lãnh đạo SCIC cho biết đã thực hiện nghiên cứu dự án đầu tư mua cổ phần tăng vốn VietinBank.

Trước đó, năm 2019, SCIC cũng từng làm việc với VietinBank về khả năng tham gia mua cổ phần của nhà băng này.

Dẫn lời trên VnExpress, ông Nguyễn Chí Thành – khi ấy là Tổng giám đốc SCIC – cho biết, nếu VietinBank tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu nhưng ngân sách không bố trí được vốn để tham gia, SCIC có thể ‘thế chỗ’ cổ đông Nhà nước để hoàn tất thương vụ này.

"Quyết định này vừa đảm bảo VietinBank có thể tăng vốn thành công, vừa phù hợp với định hướng đầu tư của SCIC", ông Thành nói.

So với BIDV và Vietcombank, dư địa tăng vốn của VietinBank thông qua phương án chào bán cổ phiếu có phần khiêm tốn hơn.

Tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại VietinBank hiện đã xuống dưới 65%, trong khi tỉ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài và cổ đông chiến lược đã gần mức tối đa cho phép. Do đó, theo các quy định hiện hành, nhà băng này không thể tăng vốn bằng việc phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài. Trong khi đó, việc tăng vốn từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng gặp nhiều khó khăn do ‘nút thắt’ ngân sách của cổ đông Nhà nước.

Thay vào đó, trong năm 2021, VietinBank đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỉ đồng lên 48.058 tỉ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức tiền mặt các năm 2017 – 2019. Trong năm 2022, VietinBank tiếp tục muốn dùng toàn bộ phần lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ của năm 2021 để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Tuy nhiên, như lời một lãnh đạo VietinBank từng chia sẻ, việc giữ lại lợi nhuận hàng năm cũng chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu tăng vốn của nhà băng này.

Trở lại với SCIC, trước VietinBank, đơn vị này từng tham gia mua 160 triệu cổ phiếu MBB trong đợt chào bán riêng lẻ tăng vốn điều lệ của MBBank vào năm 2015.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2022, SCIC còn nghiên cứu Xây dựng đề án thí điểm và định hướng phát triển Bệnh viện Giao thông vận tải; Hợp tác với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng; Nghiên cứu Dự án bán quyền thu phí đường cao tốc Bắc-Nam; Hợp tác với Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) nghiên cứu dự án Hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hợp tác với Công ty Cổ phần dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) nghiên cứu Dự án cảng xăng dầu đầu mối; Hợp tác với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) nghiên cứu dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất./.