SCIC đã đầu tư gần 18.000 tỉ đồng vào nền kinh tế

Tính đến ngày 30-9-2015, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã đầu tư trên 17.900 tỉ đồng vào nền kinh tế.
Dự án Cảng Vũng Áng Việt - Lào là một trong số các dự án được SCIC đầu tư - Ảnh: Công ty cổ phần cảng Vũng Áng Việt-Lào
Dự án Cảng Vũng Áng Việt - Lào là một trong số các dự án được SCIC đầu tư - Ảnh: Công ty cổ phần cảng Vũng Áng Việt-Lào

Theo thông tin từ SCIC, đây là nguồn tiền từ vốn điều lệ của công ty và vốn tích tụ trong quá trình kinh doanh.

Trong các khoản đầu tư này, đầu tư mua cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu tại các doanh nghiệp tiếp nhận là 9.200 tỉ đồng; đầu tư thành lập mới doanh nghiệp và đầu tư cổ phiếu là 6.480 tỉ đồng; đầu tư trái phiếu 800 tỉ đồng và đầu tư theo chỉ định hơn 2.500 tỉ đồng.

Hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC đã và đang tập trung vào những dự án có quy mô lớn trong các lĩnh vực trọng yếu với tiêu chí “có triển vọng lâu dài, đảm bảo hiệu quả”.

Hiện nay, SCIC đã trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng TMCP Quân Đội. Một số dự án SCIC đang triển khai gồm: Tháp Tài chính Quốc tế, dự án tại khu đất 29 Liễu Giai, Dự án Cảng Vũng Áng Việt - Lào...

Các dự án đang nghiên cứu cơ hội đầu tư gồm: Tháp truyền hình Việt Nam (hợp tác với VTV và BRG), Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2, Dự án xây dựng nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư, Dự án xây dựng nhà máy sản xuất văcxin quy mô công nghiệp, hợp tác với Abbot trong lĩnh vực dược phẩm, xây dựng khu hành chính tập trung tỉnh Thái Bình...

Riêng dự án tham gia tái cơ cấu CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là dự án đầu tư theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian tới, tổng công ty có kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, tập trung vào những dự án có quy mô lớn trong các lĩnh vực trọng yếu và có triển vọng lâu dài, đồng thời từng bước mở rộng hoạt động đầu tư tài chính, mua bán sáp nhập doanh nghiệp và hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Trong mục tiêu phát triển, tổng công ty đặt kế hoạch đến năm 2020 trở thành nhà đầu tư chiến lược của chính phủ trong và ngoài nước, đồng thời là tập đoàn đầu tư tài chính có quy mô tổng tài sản (bao gồm tài sản do Nhà nước ủy thác quản lý) đạt khoảng 22,5 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng bình quân 40%/năm giai đoạn 2015 – 2020.

Đến năm 2030, SCIC đặt mục tiêu trở thành tập đoàn đầu tư tài chính có quy mô lớn trong khu vực, là công cụ để nhà nước đầu tư, nắm giữ chi phối tại các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, với tổng tài sản (bao gồm tài sản nhà nước ủy thác quản lý) tăng trưởng bình quân hơn 7%/năm giai đoạn 2021-2030, đến năm 2030 đạt khoảng 46 tỉ đô la Mỹ.

Theo TBKTSG