Sau vỡ mộng '4.000 tấn vàng ở núi Tàu', lại rộ tin kho báu dưới sông Cà Ty

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều năm trước, một người đàn ông sống tại TP.HCM được tỉnh Bình Thuận cho phép thăm dò “4.000 tấn vàng” nghi chôn giấu tại Núi Tàu, nhưng sau đó vỡ mộng. Nay, một người khác lại xin khai thác kho báu 3 tấn vàng nghi giấu dưới lòng sông Cà Ty.

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin ông Huỳnh Phú T. (42 tuổi, trú huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) gửi đơn cho UBND tỉnh Bình Thuận cùng ngành chức năng xin khai thác "kho báu" 3 tấn vàng dưới lòng sông Cà Ty và cam kết ký quỹ 500 triệu đồng khắc phục môi trường trong quá trình thực hiện.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, đã nhận được đơn của ông T. và có hướng dẫn về việc xin khai thác "kho báu" như trình bày. Theo đó, ông T. được đề nghị cung cấp thông tin, tư liệu, hình ảnh... chứng minh về nơi chôn giấu vật quý; tổ chức lập phương án thăm dò; ký quỹ cam kết khắc phục môi trường;...

Sau đó, ông T. phải gửi các nội dung trên về Sở để kiểm tra đối chiếu. Nếu đảm bảo các điều kiện, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét, phê duyệt phương án theo quy định.

nguoi-dan-ong-bac-lieu-xin-khai-thac-3-tan-vang-va-vat-quy-duoi-song-ca-ty-645-2534.jpg
Sông Cà Ty chảy qua trung tâm TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hoàng Anh Hải

Theo đơn trình bày, ông T. cho biết, ông tổ của mình đã phát hiện quân đội Nhật chôn giấu khoảng 3 tấn vàng và vật quý dưới dòng sông Cà Ty, đoạn chảy qua TP Phan Thiết.

Ông cho hay, do thời gian quá dài nên tư liệu và hình ảnh không còn, hiện thông tin về "kho báu" truyền đến đời ông và chỉ ông biết được địa điểm. Do đó, nếu được tỉnh Bình Thuận cho phép, ông dự kiến sẽ phối hợp với các đối tác để khai thác "kho báu".

Để an toàn, ông T. đề xuất có lực lượng công an bảo vệ và cán bộ tài chính kiểm kê tài sản sau khi khai thác được. Đồng thời, nếu được chấp thuận khai thác, ông cam kết ký quỹ khắc phục môi trường số tiền 500 triệu đồng và xin nhận lại sau khi hoàn thành.

Ông T. xin nhận 30% tổng tài sản thu được từ "kho báu", số còn lại sẽ bàn giao cho Nhà nước.

Vỡ mộng kho báu 4.000 tấn vàng ở Núi Tàu

Cũng như trường hợp ông T. về giấc mộng “kho báu” do quân đội Nhật cất giấu, hơn 13 năm trước, một người đàn ông lớn tuổi tại TP.HCM từng được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận cho thăm dò “kho báu 4.000 tấn vàng" nghi bị chôn giấu tại Núi Tàu, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong.

2.jpg
Núi Tàu, nơi được ông Tiệp đặt niềm tin rằng có cất giấu kho báu vàng của quân Nhật. Ảnh: Lê Huân

Nhưng sau nhiều năm quyết tâm và đầu tư nhiều tiền bạc, người này vẫn không tìm ra một phân vàng nào, trong số “4.000 tấn vàng” như hi vọng.

Người tìm kho báu đó là ông Trần Văn Tiệp (trú quận Phú Nhuận, TP.HCM, hiện đã qua đời), được biết đến là “người đi tìm kho báu núi Tàu”.

Từ năm 1993 đến tháng 10/2011, ông Tiệp và một số cộng sự đã tổ chức thăm dò, tìm manh mối về 4.000 tấn vàng, mà theo ông đây là “kho báu” do một vị tướng người Nhật Bản chôn giấu ở Núi Tàu trong Thế chiến thứ 2.

Đến tháng 10/2011, UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt phương án thăm dò tài sản nghi bị chôn giấu tại Núi Tàu, thực hiện trong 9 tháng (từ tháng 10/2011 đến tháng 7/2012). Ông Tiệp đã ký quỹ 500 triệu đồng để chuẩn bị cho việc hoàn thổ sau khi kết thúc việc thăm dò.

Tiếp đó, quá trình tìm kiếm không thấy kho báu như đề xuất, UBND tỉnh Bình Thuận lần lượt gia hạn thăm dò thêm 2 lần cho ông Tiệp, lần cuối kéo dài đến hết năm 2014.

3.jpg
Ông Trần Văn Tiệp cùng con trai trong một lần lên núi Tàu. Ảnh: L.H

Hết thời hạn trên, ông Tiệp xin cho gia hạn nữa, nhưng các cơ quan chức năng địa phương khẳng định không có kho báu tại đây.

Đầu tháng 3/2015, Tỉnh ủy Bình Thuận ra thông báo thống nhất chủ trương chấm dứt việc thực hiện thăm dò tài sản nghi bị chôn giấu tại Núi Tàu và yêu cầu ông Tiệp thực hiện hoàn thổ, khôi phục môi trường tại khu vực đã tác động thăm dò.

Trong suốt quá trình tìm kiếm “kho báu” trên, tỉnh Bình Thuận cũng đã cử ra một tổ công tác chuyên thực hiện việc giám sát hoạt động thăm dò.

Sau đó, ông Tiệp đã thực hiện theo đúng cam kết hoàn thổ và nhận lại số tiền 500 triệu đồng đã ký quỹ trước đó.

Những tưởng câu chuyện giấc mơ về “kho báu” của ông Tiệp đã khép lại, thì bất ngờ đến năm 2016, một người đàn ông khác sinh sống tại TP.HCM lại trình báo địa phương về số “kho báu” 4.000 tấn vàng nằm dưới ba giếng cổ trên bờ biển xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, cách không xa Núi Tàu.

Sau khi tiếp nhận tin báo, chính quyền xã Phước Thể đã lập đoàn đi khảo sát hiện trường, đồng thời báo cáo sự việc lên cấp trên có thẩm quyền xem xét. Nhưng rồi, thông tin người này trình báo cho đến nay cũng chỉ là tin đồn.

“Con trai tôi từng nằm mơ thấy "kho báu" và muốn đi tìm, nhưng tôi ra sức ngăn cản vì đó là chuyện không có căn cứ. Thật không ngờ con lại làm như vậy. Chồng tôi nghe tin cũng sốc” - mẹ ông T. nói.