Lộ diện những tên tuổi lớn
Tại Đại hội cổ đông bất thường của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vào cuối tháng 12/2014, Hội đồng quản trị Vietcombank đã thống nhất thông qua chủ trương nhận sáp nhập một ngân hàng thương mại cổ phần khác vào Vietcombank với số phiếu đồng ý chiếm tỷ lệ 97,69%, đồng thời giao Hội đồng quản trị tìm kiếm đối tác phù hợp, thực hiện việc nghiên cứu khả thi, lập Đề án sáp nhập trình Đại hội đồng cổ đông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan chức năng khác theo quy định liên quan của pháp luật.
Dù Nghị quyết của Vietcombank không nói tên cụ thể ngân hàng sẽ sáp nhập, song một nguồn tin khẳng định ngân hàng mà Vietcombank sẽ nhận hợp nhất chính là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank).
Lý giải về mục đích thực hiện việc hợp nhất, Vietcombank cho rằng: Là một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam, Vietcombank đặt mục tiêu chiến lược phát triển thành ngân hàng số 1 tại thị trường trong nước cả về quy mô và chất lượng, đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh, tầm vóc và tính cạnh tranh của các ngân hàng Việt Nam so với các ngân hàng trong khu vực.
Theo lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đến năm 2017, NHNN định hướng giảm bớt số lượng ngân hàng xuống còn khoảng 20 ngân hàng và hình thành một số ngân hàng thương mại có quy mô lớn và khả năng cạnh tranh mạnh hơn, đặc biệt tăng cường được quy mô và vị trí chi phối của các ngân hàng thương mại Nhà nước trong hệ thống. Việc thực hiện sáp nhập ngân hàng là cơ hội tốt giúp Vietcombank tăng quy mô, tăng năng lực cạnh tranh và góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Ngoài Vietcombank, một nguồn tin cũng cho biết các ngân hàng lớn khác như Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) trong thời gian tới có thể cũng "chìa tay" sáp nhập một số ngân hàng vào hệ thống của mình. Bên cạnh đó, những cái tên như Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank), Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB), Sacombank, Phương Nam Bank... cũng đang có các kế hoạch sáp nhập cụ thể.
Ngoài ra, còn một số “cặp” khác đang đàm phán để chính thức báo cáo NHNN chấp thuận.
Loại bỏ ngân hàng yếu kém ra khỏi hệ thống
Theo thông tin của NHNN, trong năm 2015, quá trình tái cơ cấu sẽ diễn ra quyết liệt hơn. NHNN đã đề ra mục tiêu là kiên quyết xử lý những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi và phát triển, kể cả giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc, xử lý cơ bản tình trạng sở hữu chéo, hình thành một số ngân hàng thương mại quy mô lớn và có khả năng cạnh tranh. NHNN dự kiến sẽ thực hiện 6 thương vụ hợp nhất, sáp nhập giữa các ngân hàng.
Trong kiến nghị vừa gửi đến Thống đốc NHNN, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng: Hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam chỉ duy trì khoảng 15 ngân hàng TMCP nội địa bằng con đường kiên quyết cho giải thể, phá sản những ngân hàng cực kỳ yếu kém, không để những ngân hàng yếu kém phá vỡ kỷ cương trật tự trong công tác huy động vốn, công tác tín dụng…
Cùng với đó, khuyến khích vài ngân hàng nước ngoài ở vị thế ngân hàng toàn cầu mua nhiều tổ chức tín dụng yếu kém, có lẽ đây là con đường dễ dàng mà ít gặp trở ngại đồng thời được đa số cổ đông trong ngân hàng yếu kém ủng hộ. Ngoài ra, NHNN cần tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng lên mức 49% (có chọn lọc những đối tác chiến lược) nhằm tạo thuận lợi xóa bỏ tình trạng cổ đông cá nhân hay nhóm cổ đông cá nhân thâu tóm lũng đoạn ngân hàng và tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng thương mại dễ dàng huy động vốn.
Từ đó có điều kiện giảm được lãi suất huy động và lãi suất cho vay, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua không hạn chế cổ phần phổ thông không có quyền biểu quyết nhằm giúp các ngân hàng dễ dàng huy động được vốn...
Trong một cuộc tọa đàm trực tuyến gần đây, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho biết: Năm 2015, NHNN tiếp tục thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, định hướng đề án tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2011 - 2015, trong đó có định hướng tái cơ cấu các ngân hàng thương mại để trở thành các ngân hàng vươn ra tầm khu vực.
Việc xử lý các ngân hàng yếu kém chủ yếu dựa vào nguồn lực trong nước để cơ cấu lại. Có 3 hướng xử lý. Thứ nhất, ưu tiên và tạo điều kiện cho các TCTD tự chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại yếu kém và huy động nguồn lực tài chính của cổ đông và từ bên ngoài, khuyến khích sáp nhập hợp nhất trên cơ sở tự nguyện theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, trong trường hợp TCTD tái cơ cấu không thành công thì NHNN sẽ áp dụng các biện pháp mạnh theo quy định của pháp luật là đảm bảo an toàn của hệ thống, loại bỏ ngân hàng yếu kém ra khỏi hệ thống. Thứ ba trong quá trình tái cơ cấu, Chính phủ và NHNN khuyến khích sự tham gia của ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là tham gia vào các ngân hàng yếu kém để có thể giúp các ngân hàng cơ cấu lại hoạt động.
Có thể thấy, với quyết tâm tái cơ cấu hệ thống của NHNN và quy luật khắc nghiệt của thương trường, năm 2015 sẽ đón nhận những làn sóng sáp nhập mạnh mẽ của khối ngân hàng, giúp hệ thống ngày càng vững mạnh.
Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 4/2014 của Maritime Bank cũng đã chấp thuận thông qua việc sáp nhập MDB vào Maritime Bank. Bản thân Hội đồng quản trị MDB cũng đã thông tin rõ ràng về việc sẽ sáp nhập với Maritime Bank. Trong khi đó, Nghị quyết của PG Bank tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 cũng đã chấp thuận chủ trương sáp nhập với một ngân hàng khác vào năm 2015 nhằm thực hiện đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giảm tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex tại PG Bank xuống 20% trong năm 2015. Dù thế nào, những thương vụ sáp nhập khác vẫn phải chờ đến tháng 4/2015, mùa đại hội cổ đông mới biết được kết quả cuối cùng. |
Theo Báo Hải Quan