Thông tin này được CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDirect) đề cập trong báo cáo cập nhật mới nhất về ngành ngân hàng với chủ đề “thận trọng trong ngắn hạn”.
Theo đó, có khoảng 18 ngân hàng thương mại (chiếm 80% tín dụng hệ thống) được nới ‘room’ tăng trưởng tín dụng trong đầu tháng 9/2022 với hạn mức tăng thêm dao động từ 0,7% - 4,0%.
Có 3 ngân hàng được nới ‘room’ tín dụng lên trên 17% là HDBank (18,4%), MBBank (18,2%) và Vietcombank (17,7), tương ứng hạn mức tín dụng nới thêm lần lượt là 3,4%, 3,2% và 2,7%.
Bên cạnh đó, có 5 ngân hàng được nới ‘room’ tín dụng trên 13% là VPBank (15,7%), ABBank (15,2%), OCB (13,1%), ACB (13%) và VIB (13%). Một ngân hàng được nới ‘room’ từ 10,2-12,7% bao gồm: TPBank (12,7%), Techcombank (11,7%), Eximbank (11,2%),…
Đáng chú ý, Sacombank là ngân hàng được cấp thêm hạn mức cao nhất với 4%, nâng tổng hạn mức tín dụng lên mức 11%.
Theo ước tính của VNDirect, với hạn mức tín dụng mới, tổng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% vào cuối năm, sát với mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
“Với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô hiện nay, chúng tôi nhận thấy sẽ ít có khả năng các ngân hàng thương mại được nhận thêm hạn mức tín dụng từ giờ cho đến hết năm”, VNDirect nhận định.
Tính đến hết ngày 26/8, tín dụng hệ thống đã tăng 9,91% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng 7,45% so với đầu năm trong cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm 0,47% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8/2022.
VNDirect thận trọng với triển vọng ngắn hạn của ngành ngân hàng do những lo ngại về chi phí vốn tăng và tăng trưởng tín dụng hạn chế. Tuy nhiên về dài hạn, các ngân hàng vẫn có thể tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ ở mức 31%/15% trong giai đoạn 2022 – 2023.
Công ty chứng khoán này tin rằng các ngân hàng sẽ có đủ khả năng để vượt qua khó khăn nhờ chất lượng nhờ chất lượng tài sản vững chắc và khả năng kiểm soát tốt đối với các mảng cho vay rủi ro cao./.