Mới đây, kênh truyền hình nhà nước Nga đã phát một đoạn phim ngắn về hoạt động của một trong những đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ nhất nước Nga đang chiến đấu tại Syria. Điều này đã khiến các chiến dịch đặc biệt thường diễn ra bí mật của Nga trở thành trung tâm của sự chú ý.
Cảnh phim về quân đội Nga tại Syria cực kỳ hiếm thấy. Đoạn phim kéo dài chín phút bao gồm nhiều clip, trong đó một số clip tập trung vào việc huấn luyện dường như ở Nga, nhưng một số clip khác lại diễn ra trên Syria. Đơn vị này có thể trực thuộc Bộ tư lệnh các chiến dịch đặc biệt Nga hoặc là KSO, một lực lượng tương tự đặc nhiệm Delta Force của Mỹ mới được thành lập được vài năm nay.
Trong khi lực lượng đặc nhiệm của Nga thường được biết tới dưới tên Spetsnaz, những đội đặc nhiệm thường hoạt động theo các đơn vị lớn và hoạt động giống như lính bộ binh tinh nhuệ thì KSO lại khác. Theo như Michael Kofman, một chuyên gia phân tích tại Trung tâm phân tích hải quân thì KSO là một đơn vị đặc nhiệm chuyên sâu, được thành lập sau khi Nga chứng kiến những thành công của lực lượng đặc nhiệm Mỹ trong suốt hai thập kỷ qua.
Trong cuộc chiến tại Iraq và Afganistan, và gần đây là cuộc chiến chống IS, lực lượng đặc nhiệm Mỹ với quân số nhỏ, thiết bị liên lạc công nghệ cao và quá trình huấn luyện cường độ cao đã giành được chiến thắng trên chiến trường, những chiến thắng này vốn chỉ dành cho những đội quân lớn hơn nhiều lần lực lượng này. Học hỏi Mỹ, Nga cũng đang lần đầu tiên đưa những lực lượng như vậy vào chiến đấu tại Syria.
Cũng giống như tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đóng ngoài bờ biển Syria, KSO là một cách khác để Nga thể hiện năng lực quốc phòng hùng mạnh thời kỳ hậu Xô Viết trong môi trường chiến đấu.
“Nga đang thể hiện khả năng mới tương tự như Mỹ. Lực lượng đặc nhiệm là một công cụ thể hiện sức mạnh quốc gia và có rất ít nước có thể triển khai các đơn vị đó như Nga”, Kofman bình luận.
Trong khi KSO được quảng cáo là một bộ tư lệnh, thực chất đó chỉ là một đơn vị và gồm khoảng tử 500 đến 1.000 binh sĩ tinh nhuệ nhất của Nga tuyển từ đặc nhiệm Spetsnaz và các đơn vị lính dù. Theo như Kofman, lực lượng KSO tương đối non trẻ và lần triển khai đầu tiên của đội quân này là đảm bảo an ninh cho Thế vận hội Sochi năm 2014 và sau đó là giúp bảo đảm xây dựng chính quyền Crimea với 50 lính khi Nga sáp nhập bán đảo này của Ukraine năm 2014. KSO là sản phẩm của cuộc cải cách quân sự bắt đầu năm 2008 và đội quân này được hưởng lợi từ những chương trình nâng cấp trang bị cá nhân, chương trình này trang bị cho lính Nga nhiều thiết bị liên lạc và vũ khí hiện đại hơn.
Trong video chiếu trên truyền hình Nga có thể nhìn thấy một số lính đặc nhiệm đeo ống ngắm hồng ngoại, thiết bị ảnh nhiệt, máy dò laser và súng trường bắn tỉa hiện đại, bao gồm cả súng SSG-08 của Áo xuất hiện vào cuối năm 2000 (loại súng trường này đã được ghi nhận hồi tháng 8 ở Syria bởi một nhóm nghiên cứu vũ khí độc lập). Một trong những binh sĩ Nga cũng được nhận định là đeo thiết bị giảm thanh Peltor. Peltor là thiết bị do công ty 3M tại Mỹ sản xuất. Thiết bị này cũng là một phương tiện quan trọng đối với lực lượng đặc nhiệm Mỹ.
Dù hình mẫu cũng tương tự các đơn vị tinh nhuệ của phương Tây, một trong những điểm khác biệt căn bản giữa KSO và Đội 6 SEAL của Mỹ là KSO không nhằm mục đích thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố, Kofman cho hay. Thay vào đó, KSO tập trung vào các chiến dịch đặc biệt truyền thống hơn bao gồm bất ngờ tập kích đối thủ, phối hợp tác chiến và kêu gọi các cuộc không kích và thu thập thông tin tình báo chiến trường.
Trong video, một người thuộc lực lượng đặc nhiệm Nga mang mật danh “đại tá Vadim” đã chia sẻ về những hoạt động của họ và bổ sung rằng lực lượng đặc nhiệm Nga cũng nhắm mục tiêu vào là các chỉ huy của kẻ thù và hỗ trợ quân đội chính phủ Syria trong các chiến dịch quan trọng.
Theo hãng Interfax, một “Vadim” Baikulov đã được trao tặng huân chương Anh hùng Nga – danh hiệu danh dự cao nhất của Nga vì những nhiệm vụ đặc biệt ở Syria. Các nhà nghiên cứu tình báo theo nguồn mở từ Nhóm tình báo xung đột của Nga cũng đã chỉ ra Baikulov chính là “đại tá Vadim” trong video phát trên truyền hình Nga.
Bộ quốc phòng Nga lần đầu tiên nói về các hoạt động của KSO hồi tháng 3/2016 khi quân đội Syria chiếm được thành phố Palmyra từ tay IS, thậm chí chỉ tổn thất một binh sĩ sau khi anh liên tục kêu gọi không kích vào chính vị trí cố thủ của mình sau khi bị các chiến binh IS bao vây. Người lính Nga này đã được truy phong anh hùng và được xem là "Rambo" Nga.
Cho dù được trang bị đầy đủ, KSO vẫn phải đối mặt với những khó khăn giống như phương Tây khi phải chiến đấu trên các chiến trường xa cách các lực lượng bạn bè, những khó khăn này bao gồm tính sẵn sàng và kỹ năng của đội tìm kiếm và cứu hộ. Các đơn vị tìm kiếm và cứu hộ của Mỹ sẽ thường đóng ở lãnh thổ thù địch để hỗ trợ các đơn vị không quân và đặc nhiệm. Vào tháng 11/2015, khi máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi bởi F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, đội cứu hộ của Nga đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một phi công và đã mất một máy bay trực thăng trong quá trình cứu hộ.
Do Nga thường giữ bí mật quân số thương vong do chiến tranh, không rõ là có bao nhiêu lính KSO thiệt mạng kể từ khi Nga chính thức tham gia vào cuộc chiến Syria (mùa thu năm 2015), khi máy bay của Nga bắt đầu tiến hành không kích để hỗ trợ cho lực lượng chính phủ Syria. Các cuộc điều tra mở đã nỗ lực chứng minh rằng đã có binh sĩ KSO đã hi sinh ở Syria, trong khi các phương tiện truyền thông khác lại chỉ nhấn mạnh sự hy sinh của những người lính tình nguyện Nga trên đất nước này.