Quỹ ngoại gom mạnh cổ phiếu ngân hàng, vì đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dragon Capital, PYN Elite Fund – các quỹ đầu tư ngoại có thâm niên hoạt động ở thị trường chứng khoán Việt Nam – đều phân bổ phần lớn danh mục cho các cổ phiếu ngành ngân hàng.

Pyn Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 12/2022, trong đó ghi nhận tới 5 cổ phiếu ngân hàng thuộc top các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của quỹ, gồm: CTG, STB, TPB, MBB và HDB. Các cổ phiếu này chiếm tới 44% tổng tài sản ròng (NAV) của quỹ đầu tư Phần Lan.

Trong tháng cuối cùng của năm 2022, STB là cổ phiếu ghi nhận mức tăng lớn nhất trong danh mục của Pyn Elite Fund, đạt 12,5%. Đà tăng giá của các phiếu ngân hàng trong danh mục giúp quỹ đầu tư ngoại này có tháng thứ 2 liên tiếp đạt hiệu suất dương.

Tỷ trọng các cổ phiếu ngân hàng trong tổng NAV của Pyn Elite Fund tại thời điểm cuối năm 2022

Tỷ trọng các cổ phiếu ngân hàng trong tổng NAV của Pyn Elite Fund tại thời điểm cuối năm 2022

Ngân hàng cũng là nhóm cổ phiếu ưa thích của nhóm Dragon Capital từ nửa cuối năm 2022.

Trong báo cáo công bố hôm 6/1/2023, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) – thành viên của Dragon Capital – thể hiện, VPB của ngân hàng VPBank là cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 12,84% NAV.

Bên cạnh đó, có thể kể tới các cổ phiếu ACB và VCB, chiếm lần lượt 12,13% và 5,83% NAV của quỹ VEIL tại thời điểm lập báo cáo.

Nhóm quỹ Dragon Capital cũng tích cực 'lướt sóng' cổ phiếu ngân hàng. Ngày 30/12/2022, 4 quỹ thành viên của Dragon Capital đã mua vào tổng cộng 4,1 triệu cổ phiếu STB, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank lên 6,0038%.

Tuy nhiên, từ ngày 3 – 5/1/2023, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ra 2,5 triệu cổ phiếu STB, qua đó không còn là cổ đông lớn tại Sacombank. Trong đó, Norges Bank và VEIL bán ra 2,4 triệu cổ phiếu, Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust [Equity] bán 100.000 cổ phiếu.

Trong cáo cập nhật ngành ngân hàng công bố hôm 6/1, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC – Mã CK: VCI) đã chuyển khuyến nghị từ ngân hàng quốc doanh (SOE) sang ngân hàng tư nhân với giả định các SOE sẽ phải thực hiện các gói hỗ trợ vào năm 2023.

Báo cáo cho biết, trong ngắn hạn, khi các thách thức đối với ngành bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn cao, các ngân hàng có bảng cân đối kế toán với mức độ rủi ro thấp, như các ngân hàng thương mại nhà nước và ACB, có thể tiếp tục có diễn biến giá tốt hơn so với ngành.

Tuy nhiên, với chu kỳ đầu tư 1 năm, các lựa chọn hàng đầu của VCI là TCB, VPB, MBB và STB.

VCI cho rằng, thị trường đã chiết khấu đáng kể giá của TCB, VPB và MBB do tỷ trọng dư nợ tương đối cao đối với trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Trong khi đó, STB có dư nợ cho vay đối với các chủ đầu tư bất động sản ở mức thấp và không có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp kể từ quý 3/2022.

Ngoài ra, STB sắp kết thúc giai đoạn tái cấu trúc. Nhóm phân tích kỳ vọng áp lực từ việc thanh lý các tài sản tồn đọng của STB sẽ giảm dần, từ đó giúp ngân hàng này cải thiện lợi nhuận từ năm 2023 trở đi./.