Quan tham Trung Quốc bị giáng thêm tội 'bất trung với đảng'

Theo trang tin Fawan, ngày càng có nhiều quan tham Trung Quốc bị giáng thêm tội "bất trung với đảng", "không trung thực" và "che giấu không khai báo việc riêng với đảng”.
Quan Tân Cương “ngã ngựa” Lật Trí là trường hợp đầu tiên bị cáo buộc “bất trung với đảng, không trung thực”
Quan Tân Cương “ngã ngựa” Lật Trí là trường hợp đầu tiên bị cáo buộc “bất trung với đảng, không trung thực”

Ngoài Hề Hiểu Minh, còn quan tham nào “bất trung với đảng"? 

Trang tin của Ủy ban kiểm tra-kỷ luật trung ương (CCDI) ngày 29.9 cho biết: Hề Hiếu Minh là quan tham Trung Quốc bị giáng thêm tội "bất trung với đảng" và "không trung thực". 

Trước đó, vị cựu phó chánh án tòa án nhân dân tối cao này bị điều tra vì vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước (ám chỉ tội danh tham nhũng).

Cụm từ “bất trung với đảng, không trung thực” cũng xuất hiện trong vụ của Lật Trí, Đổng Hồng Vận, Ngô Vĩnh Bình và Giải Căn Pháp.

Ngày 7.8.2015, CCDI công bố khai trừ đảng và miễn chức đối với 5 quan chức tỉnh Sơn Tây, gồm Phong Lập Tường, cựu bí thư thành ủy Đại Đồng; Đổng Hồng Vân, cựu bí thư thành ủy Hãn Châu; Giải Căn Pháp, cựu bí thư đảng ủy Học viện truyền thông Sơn Tây; Ngô Vĩnh Bình, cựu giám đốc Sở quản lý ngành công nghiệp than và Hạo Tố Trân, cựu phó giám đốc sở kiểm toán tỉnh. 

Trong cáo buộc của CCDI, 5 quan chức trên ngoài “lợi dụng chức vụ trục lợi, cấu kết với doanh nghiệp, nhận hối lộ”, Đổng, Ngô và Giải còn có thêm tội “bất trung với đảng, không trung thực”.

Cụ thể, Đổng đã vi phạm 8 quy định kỷ luật-đạo đức, không báo cáo việc riêng lên tổ chức; nhiều lần dùng xe công cho mục đích riêng; giao du, cấu kết với giới doanh nghiệp; lợi dụng chức vụ để bán chức, can thiệp vào các quyết định hành chính cũng như hoạt động của các doanh nghiệp; đòi và nhận hối lộ.

Hơn nữa, trong thời gian bị điều tra, Đổng còn dùng các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo để lừa gạt, che giấu hành vi phạm tội, cơ quan điều tra cho biết.

Ngô nhiều lần dùng CMND giả, lừa gạt và không báo cáo việc riêng lên tổ chức; lợi dụng chức vụ để trục lợi cho bản thân và người khác, bán chức; cấu kết với doanh nghiệp; nhận hối lộ.

Giải cũng vi phạm 8 quy định kỷ luật-đạo đức, không báo cáo việc riêng lên tổ chức; nhận quà biếu và phong bì; lợi dụng chức vụ trục lợi, bán chức; can thiệp vào các dự án, hạng mục xây dựng của trường, nhận hối lộ.

Ngoài 3 quan chức Sơn Tây kể trên, quan Tân Cương đầu tiên “ngã ngựa” Lật Trí cũng bị cáo buộc “bất trung với đảng, không trung thực”.

Trong thông báo khai trừ đảng và miễn chức cựu phó chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân khu tự trị Tân Cương của Lật, Ủy ban kiểm tra- kỷ luật khu tự trị công bố vào tháng 7.2015, ngoài các tội “lợi dụng chức vụ trục lợi, nhận hối lộ” thì cũng có xuất hiện “bất trung với đảng, không trung thực, khai gian tuổi tác”.

Đây cũng chính là trường hợp quan tham “khai gian tuổi” TQ đầu tiên bị phát hiện. 

Theo phóng viên trang tin Fawan (TQ) tội “bất trung với đảng, không trung thực” thường đi kèm với “không khai báo việc riêng với tổ chức đảng”.

Từ những trường hợp trên có thể hiểu, “bất trung với đảng, không trung thực” chính là tội “khai gian” hoặc sử dụng thông tin cá nhân giả như học lực, tuổi tác,…

Từ khi chiến dịch “đả hổ đập ruồi” được tiến hành đến nay, trong các bản án của các quan tham không ngừng xuất hiện các thuật ngữ mới, bên cạnh “bất trung với đảng, không trung thực” còn có các tội như “kéo bè kết phái”, “thông gian” (ý chỉ tội có nhân tình hoặc có quan hệ tình ái với cấp dưới)…

Phải hiểu thế nào về “bất trung với đảng, không trung thực”?

Theo “điều lệ Đảng Cộng sản TQ, một trong những nhiệm vụ của đảng viên là “bảo vệ sự đoàn kết và thống nhất của đảng, trung thành, thực thà với đảng, lời nói thống nhất với việc làm”.

Từ khi nắm quyền lực hồi cuối năm 2012, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đưa ra một loạt các yêu cầu mới trong việc thực hiện chỉnh đốn đảng một cách toàn diện và nghiêm minh, nhấn mạnh đảng viên cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo các cấp phải thực hiện “ba nghiêm, ba thật": nghiêm khắc tu thân, nghiêm minh dụng quyền, nghiêm chỉnh tự răn; làm việc thật thà, lập nghiệp thật thà, làm người thật thà”.

“Ba nghiêm, ba thật” chính là để giải quyết các vấn đề dao động lý tưởng, lạm quyền, thiếu trách nhiệm, không dám gánh vác, không trung thành với đảng, không trung thực còn tồn tại trong đội ngũ cán bộ đảng viên hiện nay.

CCDI cũng chỉ rõ, “trung thành với đảng không phải là sự trung thành với cá nhân nào đó, cũng không phải là chiều theo ý muốn cá nhân của lãnh đạo nào đó một cách vô nguyên tắc, càng không phải là sự phụ thuộc về nhân thân, mà là bảo vệ quyền lực của trung ương đảng, bảo vệ sự đoàn kết của đảng, tuân thủ các quy định của tổ chức, phục tùng quyết định của tổ chức, không tổ chức các hoạt động phi pháp, không lập bè kết phái”.

Cẩm Bình - Theo Fawan, Một thế giới