Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 22/8 cho rằng mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở trên biển gần đây ngày càng gia tăng.
Ngày 21/8, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tiếp tục lên tiếng phản đối Trung Quốc cố tình điều 4 tàu cảnh sát biển xâm phạm vùng biển đảo Senkaku. Đồng thời, cuộc tập trận biển xa do Hải quân Trung Quốc tổ chức ở biển Nhật Bản cũng trở thành lý do mới nhất để Nhật Bản khẳng định tồn tại mối đe dọa từ Trung Quốc.
Báo chí Nhật Bản ngày 21/8 dẫn lời Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho hay có 4 tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải đảo Senkaku. Cục trưởng châu Á-châu Đại dương, Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Kenji Kanasugi ngày 21/8 đã tiến hành phản đối với Công sứ Quách Yên của Đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc "lập tức rút đi".
Ông Kenji Kanasugi tuyên bố: "Hành động xâm phạm của tàu thuyền Chính phủ Trung Quốc ở lãnh hải nhóm đảo Senkaku đã xâm phạm chủ quyền của Nhật Bản, tuyệt đối không thể cho phép. Mặc dù nhiều lần phản đối, nhưng phía Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành động làm leo thang căng thẳng tại hiện trường, đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận".
Đồng thời, các phương tiện truyền thông Nhật Bản như hãng tin Kyodo đều cho biết gần đây 3 tàu chiến Trung Quốc sau khi hoàn thành tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương, trên đường trở về đã đi qua eo biển Soya và đi vào biển Nhật Bản, tập kết với các tàu chiến của Hạm đội Đông Hải.
"Các tàu chiến phân thành quân đỏ và quân xanh, đã tiến hành tập trận theo cách đối kháng".
Trang tin của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 21/8 cho biết tiến hành “huấn luyện biển xa ở vùng biển quốc tế” là cách làm phổ biến của hải quân các nước trên thế giới, hoạt động huấn luyện này "không nhằm vào bất cứ quốc gia cụ thể nào".
Chi đội trưởng Hứa Hải Hoa của một chi đội tàu khu trục thuộc Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc cho biết hoạt động huấn luyện này được tiến hành theo "thường lệ", mục đích là tập luyện để nâng cao khả năng tác chiến cho quân đội của nước này trong thời gian dài, cự ly xa.
Mặc dù Trung Quốc thường nói là các hoạt động huấn luyện, diễn tập của họ được tiến hành "thường lệ", "không nhằm vào quốc gia cụ thể nào", nhưng trên thực tế, bất cứ hoạt động huấn luyện, diễn tập nào cũng có đối tượng cụ thể, chẳng qua là họ không công khai mà thôi.
Để hiểu được mục đích, ý đồ của các cuộc diễn tập, huấn luyện này, cần theo dõi nó về các khía cạnh như khoa mục, địa điểm, bối cảnh cụ thể, trong khoảng thời gian xác định... Thậm chí phải liên hệ các hoạt động huấn luyện, diễn tập đó với những vấn đề chính trị, quan hệ giữa các nước hoặc điểm nóng trong khu vực - PV.
Bài báo cho rằng hiện nay, trước các hành động ngày càng hung hăng, bàng trướng của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông, những tiếng nói kêu gọi cứng rắn với Trung Quốc ở Nhật Bản ngày càng lên cao.
Trên trang tin Jbpress, giảng viên Seiyu Mori, Đại học Seisa Nhật Bản, cựu quan chức Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã viết bài phê phán Chính phủ Nhật Bản chưa có đủ biện pháp để chống lại "các hành vi lớn mật như tấn công" của Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Đồng thời, yêu cầu Nhật Bản cần đóng quân ở đảo Senkaku để khẳng định chủ quyền hòn đảo này thuộc về Nhật Bản.
Nhưng, báo Trung Quốc dẫn lời phóng viên Nhật Bản Komori Yoshihisa cho rằng, đối mặt với trạng thái căng như dây đàn giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Nhật Bản "không nên triển khai các hành động làm kích động thêm Trung Quốc", chẳng hạn đóng quân ở đảo Senkaku.
Komori Yoshihisa cho rằng Nhật Bản và Mỹ có thể liên kết với nhau tăng cường tuần tra ở Biển Đông, ủng hộ các nước có "tranh chấp" với Trung Quốc triển khai hành động, từ đó ngăn chặn hành động của Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Nhưng, đối với khả năng Nhật Bản phối hợp với Mỹ triển khai hành động quân sự liên hợp ở Biển Đông, Bắc Kinh đã cử Đại sứ tại Nhật Bản thể hiện thái độ cứng rắn ra mặt.
Hãng tin Kyodo ngày 21/8 tiết lộ, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, ông Trình Vĩnh Hoa gần đây đã nói với quan chức cấp cao Nhật Bản rằng nếu Nhật Bản điều Lực lượng Phòng vệ tham gia hành động “tự do đi lại” với Quân đội Mỹ ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ cho rằng “Nhật Bản đã vượt qua giới hạn mà Trung Quốc không thể nhượng bộ”.
Trình Vĩnh Hoa còn cho biết: “Không loại trừ khả năng đối đầu quân sự”. Lời đe dọa này có mục đích kiềm chế thể chế phòng thủ liên hợp của Nhật Bản và Mỹ ở Biển Đông.
Liên quan đến vấn đề này, đài BBC Anh ngày 21/8 dẫn báo chí Nhật Bản cho biết, thời điểm ông Trịnh Vĩnh Hoa buông ra những lời đe dọa nêu trên là hồi cuối tháng 6/2016. Đây là thời điểm nhạy cảm, bởi vì Tòa trọng tài ở The Hague, Hà Lan chuẩn bị công bố phán quyết cuối cùng về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
BBC cho rằng, lời đe dọa này của ông Trịnh Vĩnh Hoa hầu như ám chỉ Trung Quốc sẽ sử dụng thủ đoạn quân sự để đối phó, kiềm chế việc Quân đội Mỹ và Nhật Bản tăng cường hợp tác ở Biển Đông. Mục đích thực sự của Trung Quốc chính là gây sức ép, ngăn chặn Nhật Bản tiếp tục can thiệp vào vấn đề Biển Đông, gây khó khăn ngày càng lớn cho Trung Quốc.
BBC tiết lộ thêm, khi đó, Trình Vĩnh Hoa còn nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trong vấn đề “chủ quyền”, cũng không sợ “khiêu khích quân sự”. Ông Hoa ám chỉ Trung Quốc có thể sử dụng các thủ đoạn cứng rắn như điều tàu chiến để ngăn chặn.
Trong cuộc gặp gỡ với Trình Vĩnh Hoa này, quan chức Nhật Bản đã giới thiệu lập trường cơ bản của Nhật Bản là không tham gia tác chiến với Quân đội Mỹ, đồng thời cũng đã tiến hành phê phán mạnh mẽ Bắc Kinh cố tình thúc đẩy xây dựng các tiền đồn quân sự ở Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đã phủ định cái gọi là “quyền lợi lịch sử” (yêu sách “đường chín đoạn”) của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, gần đây, Indonesia cũng khẳng định quyền lợi dựa trên luật pháp quốc tế, phủ định “ngư trường truyền thống” theo cách nói của Bắc Kinh.