Ông Valuyev phân tích: “Căn cứ trên thực tế rằng Mỹ, Anh, Pháp mất hơn một giờ đồng hồ để tiến hành cuộc không kích chung, chúng ta có thể suy ra rằng cả 3 nước đã thất bại trong việc phối hợp hành động cùng nhau”.
Cựu Tư lệnh Hạm đội Baltic Nga đánh giá, nếu là một cuộc tấn công thành công, điều quan trọng là tất cả các tên lửa phải tấn cống các mục tiêu cùng một lúc. Nhưng trong cuộc tấn công rạng sáng 14/4, các tên lửa của Mỹ, Anh và Pháp đã không ăn ý như vậy.
Ông nói: “Ngay cả các hệ thống phòng không lạc hậu từ thời Liên Xô đang được quân đội Syria sử dụng, cũng đã bắn hạ hơn 70 trong tổng số 110 tên lửa hiện đại được dẫn đường chính xác (của liên quân Mỹ, Anh, Pháp)”.
Theo Đô đốc Nga, nếu Mỹ và hai nước đồng minh tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào khu vực do các lực lượng vũ trang Nga kiểm soát tại Syria, nơi có các hệ thống phòng không tối tân chờ trực sẵn, thì khả năng đánh chặn tên lửa sẽ lên tới xấp xỉ 100%, chứ không chỉ dừng lại ở tỷ lệ 70/110.
Đề cập tới 3 mục tiêu tấn công tại Syria, ông Valuyev nói: “Họ (liên quân Mỹ-Anh-Pháp) đã tấn công các mục tiêu thứ cấp, được chọn một cách ngẫu nhiên và không có cơ sở, vì các lãnh đạo chính trị và quân sự của Mỹ cho rằng đây là nơi chế tạo và lưu trữ vũ khí hóa học”.
Báo Mỹ Wall Street Journal tiết lộ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cung cấp Nhà Trắng ba lựa chọn để tấn công. Thứ nhất là tấn công vào các mục tiêu của Syria liên quan đến vũ khí hóa học. Thứ hai là tấn công vào danh sách cơ sở Syria rộng hơn, bao gồm các cơ sở nghiên cứu liên quan đến vũ khí hóa học và trung tâm chỉ huy quân sự.
Phương án thứ ba đề xuất tấn công lực lượng phòng thủ tên lửa Nga ở Syria. Đây là động thái có thể dẫn đến xung đột trực tiếp giữa Nga-Mỹ tại Syria, thậm chí có thể leo thang thành chiến tranh quy mô lớn. Chính vì thế ông Mattis đã phản đối và rốt cuộc ông Trump đã chọn phương án một.