Theo “Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017” do Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) công bố, trong khoảng thời gian 12 tháng (từ 4/2016 – 3/2017), các khách hàng nước ngoài đã chi tổng cộng 153,0 tỷ USD để mua nhà ở tại Mỹ, tăng mạnh so với mức 102,6 tỷ USD của 1 năm trước đó (từ 4/2015 – 3/2016).
Quy mô này chiếm 10% tổng doanh số bán nhà cùng kỳ của Mỹ (1 năm trước là 8%). Tuy nhiên, nếu tính theo số lượng, các khách hàng ngoại quốc chỉ sở hữu 5% số căn hộ và nhà ở đã được bán ra. Chính xác là 284.455 căn, tăng so với mức 214.885 căn của năm trước.
Không lạ khi phân khúc được người mua ngoại quốc lựa chọn cao hơn hẳn chuẩn trung bình.
Cụ thể, nếu tính theo phương pháp số trung bình thì mức giá bình quân (the average price) cho mỗi bất động sản bán cho người nước ngoài là 536.852 USD/căn – gấp đôi so với mức giá bán ra bình quân cho toàn thị trường, là 277.733 USD/căn.
Tương tự, nếu áp dụng theo phương pháp số trung vị, mức giá trung bình mà người nước ngoài đã trả cho mỗi bất động sản là 302.290 USD/căn – lớn hơn đáng kể so với mức giá bán ra trung bình toàn thị trường, là 235.792 USD/căn.
Không phải không có lý nếu nói, người nước ngoài đã “chơi sang” hơn hẳn so với dân Mỹ.
Được biết, hơn 10% khách hàng ngoại quốc đã mua các bất động sản nhà ở có giá từ 1 triệu USD trở lên. Trong đó, người mua ngoại quốc không cư trú tại Mỹ (Type A) thường có xu hướng mua những căn giá có giá trị lớn hơn so với người nước ngoài cư trú tại Mỹ (Type B). Tính bình quân, mức chi của mỗi người thuộc Type A là 626.814 USD; Còn con số với Type B chỉ là 473.469 USD.
Theo NAR, trong số các khách hàng ngoại quốc, người mua Trung Quốc chính là những người chịu chi hơn cả. Họ thường tập trung vào bất động sản ở các đô thị lớn hay các vùng ngoại ô đắt đỏ của California, New Jersey hay New York.
Họ đến từ đâu? Có ở Mỹ thường xuyên?
Theo cách phân loại của NAR, thuật ngữ người mua nước ngoài (foreign buyers) được chia là 2 loại, gồm:
- Người nước ngoài không cư trú (Type A): Không có quốc tịch Mỹ, thường trú ở bên ngoài nước Mỹ. Những khách hàng này thường mua bất động sản như một khoản đầu tư, cho những kỳ nghỉ hay mục đích khác và chỉ cư trú ở Mỹ dưới sáu tháng);
- Người nước ngoài cư trú tại Mỹ (Type B): Những người không phải công dân Mỹ mà nhập cư gần đây (dưới 2 năm kể từ thời điểm cấp số tham chiếu giao dịch) hoặc những người có visa tạm thời sinh sống tại Mỹ trên 6 tháng với mục đích chuyên môn, học tập hoặc các mục đích khác).
Báo cáo cho hay, có 42% người nước ngoài mua nhà tại Mỹ là Type A; 58% còn lại là Type B.
Năm quốc tịch ngoại chi tiền nhiều nhất để mua nhà tại Mỹ trong 12 tháng qua là Trung Quốc (31,7 tỷ USD); Canada (19,0 tỷ USD); Anh Quốc (9,5 tỷ USD); Mexico (9,3 tỷ USD); Ấn Độ (7,8 tỷ USD).
Theo báo cáo, phần lớn người mua nhà quốc tịch Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico thuộc Type B; Trong khi, người mua nhà quốc tịch Canada và Anh thuộc Type A.
Về nguồn gốc, 35% số người ngoại quốc mua nhà tại Mỹ đến từ Châu Á và Đại Dương; 24% đến từ Nam Mỹ và Caribe; 16% đến từ Châu Âu; 12% đến từ Bắc Mỹ; 4% đến từ Châu Phi và 9% không xác định.
Việt Nam xếp thứ 9 trong top 10 nước có công dân mua nhà nhiều nhất tại Mỹ năm nay, với quy mô khoảng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, báo cáo của NAR không đề cập chi tiết và phân loại cụ thể xem những khách hàng Việt Nam thuộc nhóm nào, hành vi và xu hướng hành vi ra sao.
Cả báo cáo dài 48 trang chỉ đề cập duy nhất một lần tới từ “Vietnam” – tại trang 16, trong biểu đồ Những người nước ngoài mua nhà nhiều nhất tại Mỹ (Major Foreign Buyers), thuộc phần Nguồn gốc của những người mua quốc tế (Origin of International Buyers).
Họ mua nhà ở đâu?
Mặc dù các khách hàng ngoại quốc mua nhà trên khắp nước Mỹ, nhưng chủ yếu nhất vẫn là ở 5 bang: Florida (22%); Texas (12%); California (12%); New Jersey (4%); Arizona (4%). Số nhà người ngoại quốc mua tại 5 bang này đã chiếm 54% trong tổng nhà họ mua tại 50 tiểu bang và 1 đặc khu liên bang trên toàn nước Mỹ.
Xu hướng và sở thích của người mua nhà đến từ mỗi châu lục cũng rất đặc trưng. Chẳng hạn, người Trung Quốc chủ yếu mua tại California, bởi đây là nơi cư ngụ và tập trung của người gốc Á. Bên cạnh đó, họ cũng quan tâm tới Taxas, Florida, Illinois, New Jersey, Massachusetts, New York, Indiano, và Virginia.
Trong khi người Canada chủ yếu lựa chọn Florida, Arizona, California, Arizona, Texas, Georgia, Minesota và Nevada. Bởi lẽ người Canada thường mua nhà tại Mỹ để phục vụ cho các kỳ nghỉ để tránh rét, nên thường họ chọn các bang có nhiệt độ ấm áp hay các khu vực nghỉ dưỡng.
Báo cáo còn cho hay, phân nửa những người ngoại quốc mua nhà tại Mỹ coi đó là nơi ở chính (primary residence).
Đặc biệt, phần lớn (72%) người mua nhà thuộc Type A đã chi trả toàn bộ bằng tiền mặt. Trong khi, con số tương ứng đối với Type B chỉ là là 35%.
Nghiên cứu của NAR được tiến hành như thế nào?
Thường niên từ năm 2009, Bộ phận Nghiên cứu của Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) đã tiến hành các cuộc khảo sát để thống kê quy mô mua bán bất động sản nhà ở đối khách hàng quốc tế.
Khảo sát nhằm cung cấp mô tả về xuất xứ, điểm đến và sở thích mua của khách hàng ngoại quốc, qua đó nhận diện cơ hội và thách thức mà các nhà môi giới gặp phải đối với tập khách hàng này.
“Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017” đã đưa ra thông tin về các giao dịch với khách hàng quốc tế trong 12 tháng (từ tháng 4/2016 – 3/2017). Báo cáo nhấn mạnh vào các số liệu về mua bán bất động sản Mỹ của các khách hàng quốc tế; Đồng thời, cung cấp xu hướng của các khách hàng Mỹ trong việc mua bất động sản nước ngoài.
Khảo sát này được gửi đến 200 nghìn nhà môi giới được lựa chọn ngẫu nhiên và đến 7.691 nhà môi giới – những người đã tham gia đợt khảo sát năm 2015 và năm 2016. Cuộc khảo sát trực tuyến cũng được tiến hành từ 10/4 – 1/5/2017.
Kết quả, đã có 5.998 nhà môi giới đã trả lời khảo sát năm 2017, với sai số khoảng +/-1%.
Thông tin về hành vi của các khách hàng quốc tế được dựa trên các giao dịch gần nhất trong vòng 12 tháng của những người tham gia khảo sát./.