3 tỷ USD lớn như thế nào?
Dễ hình dung, nó tương đương khoảng 1,4% GDP nước ta cùng kỳ (GDP danh nghĩa của Việt Nam trong năm 2016 là 219,4 tỷ USD).
Hay 3 tỷ USD cũng gấp khoảng 3 lần giá trị mua ròng của khối ngoại từ đầu năm đến nay trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu (1,084 tỷ USD).
Hay một so sánh khác: 3 tỷ USD nếu so với giá chung cư trung bình khoảng 2-3 tỷ đồng/căn thì bằng khoảng 25.000 căn, hay nói cách khác là tương đương tổng nguồn cung sơ cấp của cả thị trường bất động sản Hà Nội trong nửa đầu năm nay (24.550 căn, theo Savills).
Không lạ khi “Hồ sơ các hoạt động quốc tế trong lĩnh vực bất động sản ở Mỹ năm 2017” mà Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR) vừa công bố - trong đó gián tiếp đề cập đến số tiền người Việt đã bỏ ra để mua nhà tại Mỹ - đã lập tức làm nóng dư luận của đất nước nhỏ bé bên kia bán cầu.
Về mặt số liệu, thật ra, báo cáo này không chỉ rõ là người Việt đã chi cụ thể bao nhiêu để mua nhà tại Mỹ. Cả báo cáo dài 48 trang chỉ đề cập duy nhất một lần tới từ “Vietnam” – tại trang 16, trong biểu đồ Những người nước ngoài mua nhà nhiều nhất tại Mỹ (Major Foreign Buyers), thuộc phần Nguồn gốc của những người mua quốc tế (Origin of International Buyers).
Theo bảng này, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có người mua nhà nhiều nhất tại Mỹ trong thời gian khảo sát (từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017), bên cạnh Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan), Canada, Mexico, Ấn Độ, Vương quốc Anh, Brazil, Venezuela, Đức và Nhật Bản. Việt Nam xếp thứ 9 trong danh sách, trên Nhật Bản nhưng sau Đức và Venezuela – dù theo bảng, cả 4 nước đều chiếm tỷ trọng 2% trong tổng số tiền người nước ngoài đã mua nhà tại Mỹ được thống kê.
Báo cáo cho biết, tổng số tiền mà người nước ngoài đã chi ra để mua nhà tại Mỹ trong 12 tháng khảo sát là 153 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 102,6 tỷ USD của 1 năm trước đó. Do đó, với tỷ trọng 2%, theo tính toán, những người mua nhà đến từ Việt Nam đã chi khoảng 3,06 tỷ USD để mua nhà tại Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017.
NAR bắt đầu công bố thường niên các báo cáo “Hồ sơ các hoạt động quốc tế trong lĩnh vực bất động sản ở Mỹ” từ năm 2007.
Khảo sát của VietTimes với 11 báo cáo thường niên mà NAR đã công bố cho đến nay, thì năm 2017 là lần đầu tiên Việt Nam lọt vào top 10 người nước ngoài mua nhà nhiều nhất tại Mỹ, và cũng là lần đầu tiên Việt Nam đạt tỷ trọng 2% trong quy mô mua nhà tại Mỹ của những người ngoại quốc.
10 năm trước đó, tỷ trọng này thường xuyên là 1%, trừ 2 năm 2009 và 2012 là 0%.
Vậy Việt Nam đã soán vị của nước nào để lọt vào Top 10?
Vị trí số 9 của Việt Nam tại báo cáo năm nay, vốn thuộc về nước Nga trong báo cáo năm 2016. Trong khi, Nhật vẫn ổn định ở vị trí số 10. Nhật và Nga cùng chiếm 1% trong 102,6 tỷ USD mà người nước ngoài đã chi ra để mua nhà tại Mỹ từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2016.
Báo cáo năm 2017 cho biết, năm 2016, người Việt Nam cũng chiếm tỷ trọng 1% như người Nhật và người Nga. Lý do, khiến Việt Nam không có trong top 10 nhiều khả năng là do thấp hơn Nga và Nhật về số tuyệt đối.
Pháp, vốn xếp thứ 6 trong báo cáo năm 2016 đã bất ngờ rớt khỏi top 10 trong báo cáo năm 2017.
Năm nay chi 3 tỷ USD, vậy các năm trước người Việt đã chi bao nhiêu?
Căn cứ vào các báo cáo thường niên mà NAR đã công bố từ năm 2007 đến năm 2017, VietTimes đã tạm tính lại số tiền mà người Việt đã chi ra để mua nhà tại Mỹ từ năm 2009 - 2017. (NAR không công bố số liệu của năm 2007 và 2008).
Theo đó, trong giai đoạn 8 năm, từ năm 2009 – 2017, người Việt đã chi ra tổng cộng 8,053 tỷ USD để mua nhà tại Mỹ.
Trong đó, năm đỉnh cao chính là 2017, với 3,06 tỷ USD; Cũng chính năm này lần đầu tiên người Việt lọt vào top 10 người nước ngoài mua nhà lớn nhất tại Mỹ.
Quy mô mua nhà tại Mỹ của người Việt đã liên tục tăng trong các năm qua và bắt đầu đạt con số tỷ đô la từ năm 2015.
Tính trung bình trong 8 năm, người Việt đóng góp 1,041% trong tổng quy mô mua nhà tại Mỹ của người ngoại quốc.
Type A và Type B
Theo phân loại của NAR, người nước ngoài mua nhà tại Mỹ được chia làm 2 dạng:
- Người nước ngoài không cư trú (Type A): Không có quốc tịch Mỹ, thường trú ở bên ngoài nước Mỹ. Những khách hàng này thường mua bất động sản như một khoản đầu tư, cho những kỳ nghỉ hay mục đích khác và chỉ cư trú ở Mỹ dưới sáu tháng.
- Người nước ngoài cư trú tại Mỹ (Type B): Những người không phải công dân Mỹ mà nhập cư gần đây (dưới 2 năm kể từ thời điểm cấp số tham chiếu giao dịch) hoặc những người có visa tạm thời sinh sống tại Mỹ trên 6 tháng với mục đích chuyên môn, học tập hoặc các mục đích khác.
Tỷ trọng Type A và Type B, theo thống kê của NAR, là khá tương đương. Báo cáo năm 2017 cho thấy, quy mô của Type A là 74,9 tỷ USD; Còn Type B là 78,1 tỷ USD.
Vì báo cáo của NAR không công bố nên chưa rõ cơ cấu mua nhà tại Mỹ của người Việt ra sao.
Công dân Việt Nam được phép mang tối đa 5.000 USD khi xuất cảnh!
Dẫn lời trên Tuổi Trẻ, lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết theo các quy định tại pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013), công dân Việt Nam khi xuất cảnh được phép mang tối đa 5.000 USD hoặc số tiền tương đương quy đổi khi qua cửa khẩu.
Ngoài ra còn được thanh toán cho các mục đích hợp pháp như học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài trên cơ sở xuất trình giấy tờ, chứng từ phù hợp với giao dịch thực tế.
Cũng theo Vụ Quản lý ngoại hối, trường hợp chuyển tiền để đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ Luật đầu tư.
Theo đó, để được đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, nhà đầu tư là cá nhân phải được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một tổ chức tín dụng được phép và thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, nhiều cá nhân cho biết thời gian qua việc chuyển tiền để du học, chữa bệnh... ở nước ngoài khá dễ dàng nhưng số lượng không nhiều để có thể mua nhà. Nếu chuyển tiền qua hình thức này thì cũng phải mất nhiều năm mới có được số tiền lớn để mua nhà. Vì thế, trường hợp mua nhà qua cách này cũng không nhiều.
Riêng việc cá nhân đầu tư ra nước ngoài rất khó khăn, do vậy càng không thể chuyển tiền qua ngân hàng để mua nhà ở nước ngoài.
Nhiều cá nhân cũng cho biết việc chuyển tiền phần lớn đều qua đường không chính thức, qua một số tiệm vàng, hoặc cấn trừ giữa người trong nước với người ở nước ngoài./.