"Quả cầu sắt" Donald Trump để lại gì cho "ngọn hải đăng" nước Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giáo sư Calvin Mackenzie, chuyên gia về chính trị học và chính phủ Mỹ, Đại học Colby đã có bài viết dành riêng cho VietTimes về diễn biến đầy kịch tính trên chính trường Mỹ và Tổng thống Donald Trump.

Đám đông người biểu tình ủng hộ Trump tràn vào Điện Capitol hôm 6/1. (Ảnh: AP)
Đám đông người biểu tình ủng hộ Trump tràn vào Điện Capitol hôm 6/1. (Ảnh: AP)

Mấy năm trước tôi làm việc cho một uỷ ban của Hạ viện Mỹ trong vai trò chuyên viên phân tích cấp cao. Hàng ngày, tôi đi xe buýt tới chân đồi Capitol và leo bộ lên toà nhà trắng uy nghi đang toả sáng dưới ánh mặt trời sớm mai.

Lúc nào cũng có hàng dài du khách dọc lối đi, nhiều người trong số họ đến từ nhiều nước trên thế giới, kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi để được viếng thăm biểu tượng đầy tự hào không chỉ của nền dân chủ Mỹ, mà còn là nền dân chủ thế giới.

Bởi vậy, tôi cũng như rất nhiều người ở Mỹ và trên thế giới đã cảm thấy sốc đến thế nào khi phải chứng kiến tấn thảm kịch xảy ra tuần trước, khi những người nổi dậy tràn vào toà nhà Quốc hội và đe doạ những người đang làm việc ở đó. Điều kinh hoàng hơn nữa là chính tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lại là người khuyến khích đám đông ấy đi tới bạo lực.

Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, Donald Trump một lần nữa lại sử dụng quyền lực của mình không phải để củng cố các nguyên tắc và thể chế của nền dân chủ Mỹ, mà ngược lại, làm xói mòn chúng. Ông là một tổng thống chưa từng có tiền lệ. Và những người Mỹ có suy nghĩ hi vọng rằng ông sẽ là một tổng thống không để lại tiền lệ nào cho những người kế nhiệm sau này.

Chúng ta có thể nói gì về 4 năm cầm quyền của Donald Trump? Ông Trump sẽ rời Nhà Trắng vào ngày 20/1 này, nhưng ông sẽ để lại một di sản như thế nào cho nước Mỹ?

Giáo sư Calvin Mackenzie, chuyên gia về chính trị học và chính phủ Mỹ, Đại học Colby (Ảnh: NVCC)

Giáo sư Calvin Mackenzie, chuyên gia về chính trị học và chính phủ Mỹ, Đại học Colby (Ảnh: NVCC)

Giờ đây, rất nhiều người đang hỏi những câu hỏi đó, và câu trả lời đòi hỏi một sự suy xét cẩn trọng. Giai đoạn kết thúc một nhiệm kỳ tổng thống luôn khơi nguồn cho những nghiên cứu dạng này nhưng nhiệm kỳ tổng thống Trump khác biệt đến nỗi việc đánh giá di sản của nó trở nên phức tạp. Vậy đâu là những manh mối mà chúng ta có thể dựa vào?

Hồ sơ lập pháp mỏng manh

Chỉ dấu thứ nhất nằm ở hồ sơ thành tích lập pháp của Trump. Những chính sách công quan trọng nhất của nước Mỹ là những chính sách được tạo ra bởi luật pháp. Tổng thống đề xuất một số dự thảo, Quốc hội thảo luận và thông qua một dự luật, tổng thống kí ban hành thành luật.

Ở Hoa Kỳ có rất nhiều cách để xây dựng chính sách công, nhưng những chính sách được đưa vào luật có tác động lớn nhất đến đời sống người Mỹ và một khi được ban hành, chúng hiếm khi bị rút lại.

Hồ sơ thành tích lập pháp của Donald Trump là mỏng nhất nếu so với tất cả các tổng thống thời hiện đại. Ông đã chủ yếu sử dụng các đòn bẩy của quyền lực hành pháp và hành chính để sửa đổi một số chính sách. Nhưng những người kế nhiệm ông Trump có thể dễ dàng xoá bỏ tất cả những chính sách này, và Joe Biden đã tuyên bố là ông dự định làm như vậy ngay trong những ngày đầu tiên nhận nhiệm sở.

Thành tựu lập pháp lớn và duy nhất của nhiệm kỳ tổng thống của Trump là đạo luật cải cách thuế vào năm 2017. Mục tiêu chủ chốt của đạo luật này là giảm gánh nặng thuế thu nhập đối với những người giàu nhất nước Mỹ.

Nhưng việc cắt giảm thuế khiến nguồn thu của chính phủ bị suy giảm mạnh trong khi chi tiêu công lại không được thắt chặt để bù đắp cho nguồn thu bị mất mát này. Trump tỏ ra thờ ơ với các hậu quả kinh tế đối với chính phủ và trong nhiệm kỳ của ông, nợ liên bang đã lên tới 7 ngàn tỉ đô la.

Những vấn đề đáng lẽ ra phải thu hút sự chú ý của tổng thống và Quốc hội thì trên thực tế chỉ khơi nguồn cho một vài sáng kiến ít ỏi của Trump. Thay vào đó, chúng trở thành những “khối u di căn” trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ai đó sẽ phải tìm kiếm trong vô vọng những đề xuất của Trump về cải tổ chính sách nhập cư, bình ổn chương trình hưu trí An ninh Xã hội, kiểm soát nạn bạo hành của cảnh sát, thu hẹp bất bình đẳng thu nhập, hay ứng phó với hàng loạt mối đe doạ từ biến đổi khí hậu.

Ông Trump là tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội hai lần (Ảnh: AFP)

Ông Trump là tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội hai lần (Ảnh: AFP)

Thay vì thúc đẩy những sáng kiến táo bạo và kịp thời để ứng phó với đại dịch COVID-19, Trump lại liên tục nói dối về tính chất và mức độ nghiêm trọng của nó. Hậu quả là hàng trăm ngàn người Mỹ đã chết một cách không đáng.

Donald Trump, một deal-maker huyền thoại (người tạo lập các thương vụ) – ít nhất là trong suy nghĩ của riêng ông, trên thực tế lại tạo ra được rất ít phi vụ chính trị nhằm cải thiện chính sách của quốc gia.

Di sản chính sách công của ông sẽ có rất ít tác động lâu dài hay sâu rộng. Dường như ông luôn hứng thú với việc giành được những tin tức tích cực trên các phương tiện truyền thông mà ông ưa thích hơn là giành chiến thắng trong các cuộc chiến lập pháp để giúp cuộc sống của người dân Mỹ trở nên tốt hơn.

“Nước Mỹ trên hết” hay hành trình phá huỷ?

Đối với thế giới bên ngoài nước Mỹ, Donald Trump vừa là một bí ẩn vừa là một mối đe doạ. Kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, các tổng thống Hoa Kỳ luôn tìm cách đóng vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng và duy trì các liên minh, hỗ trợ các tổ chức quốc tế, tạo ra sự cân bằng quyền lực giữa các quốc gia với những mục tiêu khác nhau.

Không phải lúc nào họ cũng thành công trong những nỗ lực này, và đã có những bước đi sai lầm hay quá sức trên hành trình đó. Nhưng các tổng thống, dù thuộc Đảng Cộng hoà hay Dân chủ, hầu như không mấy khi dao động khỏi những mục tiêu kiên định kể trên.

Thế rồi Donald Trump xuất hiện. Không có kinh nghiệm trước đó về chính sách đối ngoại, ít hiểu biết về địa lý hoặc lịch sử và không đủ kiên nhẫn để tiếp thu các phân tích từ các nhà ngoại giao hay nhân viên tình báo, “chính sách đối ngoại” cuả Trump là một tập hợp thiếu kết nối và mạch lạc của các quyết sách bất thường, phô trương và đồng bóng.

Đám đông đốt pháo sáng ở ngoài Điện Capitol, những hình ảnh mãi mãi đi vào lịch sử nước Mỹ (Ảnh: Reuters)

Đám đông đốt pháo sáng ở ngoài Điện Capitol, những hình ảnh mãi mãi đi vào lịch sử nước Mỹ (Ảnh: Reuters)

Trump đã đặt cho các sáng kiến đối ngoại của mình một cái tên dường như gợi ý sự gắn kết: “Nước Mỹ trên hết”. Nhưng cái tên đó thực chất đại diện cho việc huỷ bỏ nhiều kết nối hữu ích của Mỹ với phần còn lại của thế giới. Donald Trump là một “quả cầu sắt” mang tính phá huỷ trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình. Nhưng những đống đổ nát mà ông để lại hiển hiện rõ nhất trong chính sách đối ngoại.

Tổng thống Trump thổi bay thoả thuận hạt nhân với Iran, Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Thoả thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ông rút nước Mỹ ra khỏi 13 tổ chức, hiệp định và hiệp ước quốc tế nhưng lại không đưa ra được sáng kiến thực chất hay mang tính xây dựng nào để thay thế chúng.

Nước Mỹ từ lâu đã là "ngọn hải đăng" của niềm hi vọng cho những người đang đau khổ dưới sự đàn áp của chính phủ nước họ - nhưng đó không còn là nước Mỹ của Donald Trump. Số người tị nạn được phép nhập cảnh vào Mỹ đã giảm mạnh từ 85.000 người mỗi năm xuống còn 12.000 người trong những năm Trump làm tổng thống.

Thái độ ve vãn của Trump với Kim Jong-Un là một phép ẩn dụ cho cách tiếp cận chính sách đối ngoại của ông. Ông bắt đầu nhiệm kỳ bằng việc gọi Kim là “người hoả tiễn bé nhỏ” và cố gắng hạ nhục anh ta.

Rồi ông ta nhận thấy một cơ hội đánh bóng hình ảnh và tổ chức các cuộc gặp song phương được quảng bá rầm rộ với Kim ở Singapore, Hà Nội, và Hàn Quốc. Khi hội nghị thượng đỉnh Hà Nội ở khách sạn Metropole không diễn ra theo cách Trump muốn, ông ngay lập tức quay lưng bỏ đi.

Bản chất của toàn bộ câu chuyện là hoạt động đánh bóng cá nhân thay vì là một cam kết nghiêm túc trong việc xây dựng quan hệ thân thiện lâu dài với Bắc Triều Tiên. Trong vài tuần cuối của nhiệm kỳ tổng thống của Trump, Kim Jong-un đã tuyên bố ý định mở rộng năng lực hạt nhân chiến thuật của Bắc Triều Tiên.

Động lực chính trong cách tiếp cận chính sác đối ngoại của Trump là đảo ngược những gì người tiền nhiệm đã làm, đặc biệt là Barack Obama. Chưa bao giờ là người ăn nói vòng vo, Trump đã liên tục và công khai chỉ trích thẳng thừng Obama, George W. Bush, và Bill Clinton vì cái mà ông gọi là “những thảm hoạ” chứ không đơn thuần là sai lầm trong chính sách đối ngoại.

Và cũng như mọi khi, “quả cầu sắt” phá huỷ mọi thứ nhưng theo sau nó không hề có bất kì một nỗ lực đáng kể nào để thay thế và xây dựng lại đống đổ nát mà nó mang lại.

Ông Trump phát biểu trước đám đông ủng hộ trong khi Quốc hội đang họp để phê chuẩn chiến thắng của ông Biden. Sau bài phát biểu này, đám đông tiến về Capitol và chiếm toà nhà Quốc hội (Ảnh: AP)

Ông Trump phát biểu trước đám đông ủng hộ trong khi Quốc hội đang họp để phê chuẩn chiến thắng của ông Biden. Sau bài phát biểu này, đám đông tiến về Capitol và chiếm toà nhà Quốc hội (Ảnh: AP)

Tương lai của chủ nghĩa Trump

Khi Trump rời đi, liệu “chủ nghĩa Trump” có còn tồn tại? Chủ nghĩa Trump không phải là một hệ tư tưởng chính trị theo nghĩa truyền thống, cũng không phải là một tập hợp các mục tiêu chính sách thực chất nào.

Chủ nghĩa Trump là một phong cách diễn thuyết đại chúng và ngoại giao. Nó không phải là một hệ thống niềm tin, mà đúng hơn là một hệ thống những sự không tin tưởng. Sự không tin tưởng vào các truyền thống và thể chế chính trị của nước Mỹ. Sự không tin tưởng vào những chuẩn mực ngôn ngữ và hành vi đã được tôn vinh theo thời gian. Sự không tin tưởng vào khoa học. Sự không tin tưởng vào dữ kiện và sự thật.

Chủ nghĩa Trump bác bỏ tính chính danh của hệ thống lưỡng đảng và quan niệm rằng chính sách công hiệu quả nên được xây dựng từ các cuộc thương lượng và cân bằng các lợi ích xung đột.

Chủ nghĩa Trump đã đưa những gì vốn là ngoại đạo trong chính trị Hoa Kỳ trở thành dòng chính. Các thuyết âm mưu, những lời nói dối về khoa học, những hiểu lầm về Hiến pháp Mỹ giờ đây được xem như những phát biểu chính trị bình thường.

Một quan điểm phổ biến hiện nay là tính chính danh của chính phủ không bắt nguồn từ kết quả đúng đắn của tiến trình bầu cử mà chỉ từ chiến thắng của đảng mà một bên ủng hộ. Trong vũ trụ của những người hâm mộ Trump, chính phủ không thể là hợp pháp nếu đảng đó thất cử.

Bởi vậy, sau cuộc bầu cử 2020, Trump đã dễ dàng thuyết phục hàng triệu tín đồ tin rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Hàng năm trời nay ông không ngừng reo giắc vào đầu họ niềm tin rằng chính phủ chỉ có thể hợp pháp nếu ông ta thắng cử.

Người biểu tình đạp đổ hàng rào sắt để xông vào Điện Capitol, nơi các nghị sĩ đang họp để phê chuẩn chiến thắng của ông Biden ngày 6/1 (Ảnh: AP)

Người biểu tình đạp đổ hàng rào sắt để xông vào Điện Capitol, nơi các nghị sĩ đang họp để phê chuẩn chiến thắng của ông Biden ngày 6/1 (Ảnh: AP)

Những gì chúng ta đã chứng kiến ở toà nhà Capitol ngày 6 tháng 1 chỉ là diễn tiến hợp lô-gic của những gì mà chúng ta đã nghe từ Trump suốt 5 năm qua. Hàng triệu người ủng hộ ông đã đi đến nước tin rằng toàn bộ nền chính trị đã trở nên hủ bại và cách thức để giải quyết tình trạng đó không phải là bằng cải cách chính trị hay bầu lên những ứng viên không tham nhũng mà là lật đổ chính phủ.

Trump đã giành được chiếc ghế tổng thống nhờ chiến dịch tranh cử chống lại chính phủ và mọi thể chế, quy trình truyền thống. Một đám đông ủng hộ cách tiếp cận đó đã biến ý tưởng đó thành hành động vào tuần trước.

Một hậu quả đáng chú ý của cơn bão đổ bộ vào Capitol vừa qua là rất ít những người ủng hộ Trump ở đó hoặc nơi nào khác lên án nó. Họ tin rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp khỏi họ và rằng những người tốt đã đến Điện Capitol để truy quét những tên trộm.

Trump chỉ là người chính danh hoá những tồn tại xấu xí trong chính trị Mỹ

Khi tìm cách xác định xem chủ nghĩa Trump sẽ tồn tại hay không, điều quan trọng là chúng ta phải thừa nhận thực tế rằng mặc dù ông có thể cho nó một cái tên nhưng Donald Trump không phải là người phát minh ra chủ nghĩa Trump. Ông ta chỉ hợp pháp hoá nó.

Trump đã cho phép những người ủng hộ được hét lên trước công chúng những gì mà lâu nay họ chỉ xì xầm ở chốn riêng tư. Nhưng những ý tưởng trung tâm của chủ nghĩa Trump đã là một phần tồn tại dai dẳng trong chính trị Hoa Kỳ gần như xuyên suốt chiều dài lịch sử: chủ nghĩa da trắng thượng đẳng; sự thống trị của nam giới; thói quen sử dụng giải pháp bạo lực; niềm yêu thích súng đạn; lòng yêu nước của những kẻ vô lại.

Nền tảng của tất cả những điều kể trên là niềm tin ngày càng tăng, đặc biệt đáng chú ý trong những năm dưới thời Trump, rằng mục đích của việc nắm quyền lực là để giữ quyền lực. Nó không còn là câu chuyện về việc quyền lực có thể đem lại những gì tốt hơn vì lợi ích cộng đồng, mà là cách quyền lực có thể được sử dụng để duy trì sự thống trị của kẻ mạnh.

Ông Trump trong một cuộc vận động tranh cử với khẩu hiệu: Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại (Ảnh: Getty)

Ông Trump trong một cuộc vận động tranh cử với khẩu hiệu: Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại (Ảnh: Getty)

Trạng thái căng thẳng không khoan nhượng đó không chỉ nằm ở phía những người Cộng hoà. Sau cuộc bầu cử năm 2016, nhiều người Dân chủ đã từ chối chấp nhận Donald Trump như một người chiến thắng hợp lệ. Hàng trăm ngàn người đã tuần hành phản đối ông trước khi ông nhậm chức. Họ mặc những chiếc áo thun và giơ cao biểu ngữ mang dòng chữ “Đây không phải là tổng thống của tôi”.

Trump đã bị bao vây ngay từ đầu bởi những tuyên bố về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử của ông, các cuộc điều tra đối với gia đình ông, và cuộc luận tội ở Quốc hội.

Sau cuộc tấn công vào toà nhà Capitol, nhiều người Mỹ đã nói, “Đây không phải là chúng tôi”. Nhưng, đáng buồn thay, đó đích xác là chúng ta và những gì mà chúng ta luôn thể hiện.

Một đất nước từng nô lệ hoá, rồi tra tấn và sát hại các công dân da đen. Một đất nước đã từng khước từ rất lâu quyền tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế và chính trị của phụ nữ. Một đất nước, đặc biệt là hiện nay, nơi các đối thủ chính trị bị xem xét và đối xử như những kẻ thù truyền kiếp.

Ông Biden sẽ tiếp quản một di sản ngổn ngang và đổ nát từ người tiền nhiệm (Ảnh: AFP)

Ông Biden sẽ tiếp quản một di sản ngổn ngang và đổ nát từ người tiền nhiệm (Ảnh: AFP)

Rất nhiều điều tốt đẹp đã đạt được trong suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ. Nhưng như trải nghiệm của những năm dưới thời Trump nhắc nhở chúng ta rằng, còn rất nhiều điều phải làm.

Một trong những khía cạnh đáng buồn nhất trong di sản của Donald Trump là đáng lẽ ra ông ấy có thể làm tốt hơn nhiều. Đảng của ông kiểm soát cả hai viện của Quốc hội trong nửa đầu nhiệm kỳ.

Lẽ ra, ông Trump đã có thể phát triển một tập hợp đề xuất chính sách nhất quán và khiến chúng được thông qua bởi một Quốc hội đang có xu hướng ủng hộ ông mạnh mẽ.

Lẽ ra, ông đã có thể tiếp cận với những người Dân chủ để xây dựng những chính sách nhập cư và phát triển cơ sở hạ tầng mà cả hai đảng đều mong muốn.

Lẽ ra, ông đã có thể chứng minh khả năng lãnh đạo thực thụ trong cuộc chiến với virus corona.

Lẽ ra, ông Trump đã có thể tái đắc cử.

Nhưng tiếc thay, đó không phải là Donald Trump có thật./.