Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chiến thắng trước IS [Islamic State - Nhà nước Hồi giáo 'tự xưng'] như để hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ nhất trong cuộc bầu cử trước đây của mình: đó là tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo "như chúng ta đã chiến thắng mọi mối đe dọa mà chúng ta đã phải đối mặt trong mọi giai đoạn".
Việc quyết định rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Syria cũng cách ông Donald Trump chứng minh sự chiến thắng IS cũng như mong muốn chấm dứt vai trò “cảnh sát toàn cầu" của Mỹ. (Như tuyên bố của ông vào 26.12.2018 tại buổi nói chuyện với quân đội ở Iraq). Quyết định rời khỏi Syria là một bước đi thực tiễn cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và phản ánh xu hướng của Mỹ trong việc từ bỏ chính sách thống trị của mình. Và trong trường hợp này, còn bao hàm sự miễn cưỡng phải chi tiền cho việc tái thiết sau chiến tranh ở Syria.
Liệu IS có thực sự bị đánh bại?
Lần đầu tiên trong hơn một trăm năm qua, phương Tây phải đối mặt với việc Nhà nước Hồi giáo khủng bố tự xưng IS huy động hàng nghìn chiến binh trên khắp thế giới dưới những ngọn cờ đen của chúng với khẩu hiệu xung trận “Baqiya wa tatamaddad" [nghĩa là “Duy trì và mở rộng"], chiếm đóng một vùng đất rộng lớn trong một thời gian dài.
Về cơ bản, những gì đã xảy ra tại Syria và Iraq được coi là sự mở màn cho chiến lược của dự án cực đoan xuyên quốc gia dưới tên gọi Nhà nước Hồi giáo IS. Tổ chức khủng bố tự xưng IS này đã từng tuyên chiến với Mỹ và liên minh hơn sáu mươi quốc gia trên thế giới. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS không những không cố định ở một lãnh thổ nào, mà nó còn có thể được “tái sinh” ở bất cứ khu vực có dân theo đạo Hồi trên thế giới. Nói cách khác, IS tạo ra một sự đe dọa lớn hơn - một mạng lưới khủng bố toàn cầu.
Sức mạnh của nhà nước Hồi giáo IS nằm ở sự lôi cuốn trong ý thức hệ với một nguồn cung không giới hạn các chiến binh tiềm năng. Tại Syria, "con rắn hydra nhiều đầu" của phong trào thánh chiến [jihad] chỉ thua duy nhất một trận đấu, chứ không phải toàn bộ cuộc chiến. Nói cách khác, tư tưởng thánh chiến của IS vẫn được coi là bất khả chiến bại.
Do đó, tuyên bố vội vàng của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về chiến thắng IS có thể trở thành một sai lầm lớn trong chính sách đối ngoại.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố đã chiến thắng IS và sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Syria.
|
Sự thực là cuộc chiến công khai với Hoa Kỳ kể từ ngày xảy ra vụ 11.9 chỉ có thể kết thúc khi tư tưởng jihad [thánh chiến] bị đánh bại. Không có bức tường Mexico nào có thể bảo vệ Hoa Kỳ khỏi cuộc chiến này. Nhưng, tổng thống Trump đã không làm gì để đánh lại trận chiến chính về mặt tư tưởng chống lại chủ nghĩa khủng bố jihad. Bất chấp những cơ chế hiệu quả chống lại việc sở hữu vũ khí hạt nhân, những kẻ cuồng tín jihad khao khát sở hữu chúng, và hệ quả của nỗ lực này có thể trở thành một thảm kịch.
Bản chất sự xuất hiện của IS với những cuộc tấn công cực đoan đẫm máu là nhân tố cho việc cần một định nghĩa rõ ràng về vấn đề đã nảy sinh, cùng một lộ trình để giải trừ tư tưởng chủ nghĩa khủng bố.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ thập niên 1960 Henry Kissinger gợi nhớ, trong lịch sử, người Hồi giáo đã từng chia thế giới thành hai nửa. Đó là:
Khu vực Hồi giáo [Dar al-Islam/Land of Islam], do Caliph cai trị, còn được gọi là Nền Hòa Bình Hồi Giáo [Pax Islamica]. Các nước Hồi giáo đều trở thành anh em nên không được đánh phá lẫn nhau. Khu vực Hồi Giáo phải được sống trong hòa bình.
Vùng bên kia biên giới của Khu vực Hồi giáo hay còn gọi là Khu vực ngoại đạo [Dar al-Harb/Land of unbelievers] được kinh Koran định nghĩa là khu vực của những kẻ "theo sự sai lầm". Tất cả những kẻ ngoại đạo đều đáng bị chặt đầu hoặc bị bỏ tù!
Về mặt lý thuyết, Dar al-Islam vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Dar al-Harb bởi mục tiêu của đạo Hồi là cả thế giới. Nếu Dar al-Harb bị suy yếu bởi chủ nghĩa đạo Hồi, Nền Hòa bình Hồi giáo [Pax Islamica] sẽ thay thế. Và những cộng đồng không theo đạo Hồi cũng sẽ trở thành một phần của cộng đồng Hồi giáo hoặc quy phục chủ quyền của nó - như các cộng đồng tôn giáo được khoan thứ hoặc các thực thể tự trị có quan hệ hiệp ước với nó Khu vực Hồi giáo. Chiến lược có hệ thống toàn cầu này được gọi tên là “thánh chiến" [Jihad], như một nghĩa vụ bắt buộc của các tín đồ để mở rộng đức tin [đạo Hồi] qua việc chiến đấu. Lực lượng “thánh chiến" có thể bao gồm cả trong chiến tranh, tuy nhiên không bị giới hạn bởi bất cứ chiến lược quân sự nào.
Điều này đặt ra câu hỏi rất quan trọng: Liệu mục tiêu và nhiệm vụ cuối cùng của các tín đồ Hồi giáo có phải là việc thành lập mô hình của nhà nước Hồi giáo cai trị toàn thế giới để tạo nên một quốc gia duy nhất mang tên “đế chế Hồi giáo" [Caliphate]? Cũng như mục đích thực sự của lực lượng “thánh chiến" [Jihad] có phải là việc lấy lại các lãnh thổ từng được người Hồi giáo chinh phục ?
Liệu thế giới Hồi giáo có đủ khả năng để đối mặt với thách thức lịch sử mà chủ nghĩa khủng bố cực đoan thánh chiến mang lại?
Liệu đạo Hồi có phải là một tôn giáo với thông điệp hòa bình, và có thể cùng tồn tại hòa bình giữa các dân tộc và các quốc gia? Hay đó là ý thức hệ của cuộc chiến khủng bố chống lại các tín đồ của những đức tin khác nhau trên toàn thế giới? Nói cách khác, đạo Hồi có thể chia thế giới thành Vương quốc Hòa bình và Vương quốc Chiến tranh [mục tiêu mà những kẻ thánh chiến - Jihad bắt người Hồi giáo phải theo?]. Những câu hỏi hóc búa này được đặt ra sau khi thế giới biết đến Nhà nước Hồi giáo IS, cũng như các nhóm khủng bố đẫm máu khác.
Thách thức lớn đối với các nhà thần học, chính trị gia cũng như tầng lớp trí thức Hồi giáo là làm sao cải cách được các nguyên lí về chính trị cũng như địa chính trị của đạo Hồi, vốn đã không còn sự liên kết từ lâu nay. Câu trả lời cho thách thức này chỉ có thể có được một văn bản được phê chuẩn bởi Công ước Hồi giáo toàn cầu - có sự tham gia của những đại diện được công nhận đến từ tất cả các trường học đạo Hồi trên toàn thế giới. Về cơ bản, những đại diện này phải trả lời chi tiết: “Liệu phương Tây và Nga có phải là vùng đất của chiến tranh hay không [khu vực mà những kẻ thánh chiến hoạch định]?. Họ cũng cần đưa ra định nghĩa rõ ràng và phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại về ba thuật ngữ Hồi giáo có liên quan đến nhau: Đế chế Hồi giáo [Caliphate], thánh chiến [Jihad] và lính tử vì đạo [Shaheed].
Theo tác giả bài viết, cần có một văn bản được phê chuẩn bởi Công ước Hồi giáo toàn cầu - có sự tham gia của những đại diện được công nhận đến từ tất cả các trường học đạo Hồi trên toàn thế giới.
|
Thực tế cho thấy việc một văn bản [như đã đề cập ở trên] mang bản chất tự nhiên của tôn giáo và chính trị được chấp thuận bởi kinh Quran và luật Sunnah [luật Hồi giáo cổ] đóng vai trò vô cùng thiết yếu. Quran và Sunnah cung cấp cho các nhà thần học quyền giải thích những vấn đề mơ hồ một cách mơ hồ trong chúng, bao gồm cả việc sử dụng các phương pháp hoàn toàn dựa trên lý trí để giải quyết các vấn đề mới hoặc đang còn bỏ ngỏ.
Mặc định, một phán quyết được đồng thuận tuyệt đối sẽ trở thành một tiêu chuẩn hoàn toàn hợp pháp. Nhưng vấn đề là do các nguyên nhân về chính trị, hệ tư tưởng, tôn giáo, lịch sử và vùng lãnh thổ mà không đất nước Hồi giáo đơn lẻ nào có thể khởi xướng một công ước như vậy. Chướng ngại lớn nhất chính là câu hỏi cho thời đại hiện nay: Mục tiêu thực sự của những kẻ thánh chiến [Jihad] là lấy lại những vùng đất từng được chinh phục và mất đi bởi người Hồi giáo [Tây Ban Nha, Sicily, Malta, các nước Balkan… và Palestine]? Phải chăng những người dân Do Thái từng bị trục xuất khỏi bán đảo Ả Rập có quyền đối với nhà nước do họ thiết lập nên? Mặc khác, nếu không công nhận sự tồn tại của Israel, việc ngừng hoàn toàn cuộc chiến tôn giáo [không công khai] chống lại phương Tây là điều không thể xảy ra.
Một bước ngoặt lịch sử như vậy sẽ mở ra cơ hội thực sự cho sự thiết lập hòa bình ở khu vực Trung Đông bằng cách giải quyết mâu thuẫn giữa Ả rập và Israel thông qua các công cụ quốc tế hợp pháp. Sự thay đổi căn bản như vậy sẽ dẫn đến sự chuyển mình của Hezbollah và Hamas, thành lập một nhà nước Palestine chính thức, và những người tị nạn Palestine hồi hương sau một thời gian dài chịu đựng.
Một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng, đó chính là Hội nghị Hồi giáo toàn cầu về thần học sẽ nêu ra những lý do tại sao việc sở hữu vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) lại có mâu thuẫn trực tiếp với những nguyên lý cơ bản trong đạo Hồi. Phán quyết này sẽ giúp các nhà lãnh đạo Iran chấm dứt chương trình hạt nhân mà không mất thể diện. Đồng thời, đó cũng sẽ là đóng góp lớn trong việc bình thường hóa quan hệ giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây.
Vai trò thiết yếu của Hoa Kỳ
Mỹ và Nga (với tư cách là quốc gia thừa kế hợp pháp của Liên Xô) gửi lời kêu gọi mang tính chân thành và khẩn thiết đến cộng đồng thần học Hồi giáo cũng như giới tinh hoa chính trị. Trong đó bao gồm hai yếu tố quan trọng cần được xem xét:
Lời kêu gọi chân thành và trực tiếp tới cộng đồng thần học Hồi giáo cũng như giới tinh hoa chính trị cần xuất phát từ bên ngoài thế giới Hồi giáo: từ Hoa Kỳ và Nga [với tư cách là quốc gia kế thừa hợp pháp của Liên Xô]. Trong đó, có hai yếu tố quan trọng cần được xem xét:
Trước hết, chính cuộc đối đầu của Hoa Kỳ và Liên Xô đã châm ngòi để tạo nên những điều kiện tiên quyết trong việc hợp thức hóa hệ thống tư tưởng khủng bố thánh chiến. Đây cũng là tiền đề cho sự xuất hiện của mạng lưới khủng bố quốc tế với mục tiêu là tạo ra Đế chế Hồi giáo. Sau nữa, Hoa Kỳ và Nga cũng là mục tiêu tấn công chính của những kẻ thánh chiến Hồi giáo vì ngoài những yếu tố khác, đây là 2 siêu cường hạt nhân.
Nói cách khác. Mỹ và Nga có trách nhiệm lịch sử đặc biệt trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố thánh chiến. Đây chính xác là trường hợp khi sáng kiến về lãnh đạo phương Tây rộng lớn [Great West - ý chỉ toàn bộ phương Tây], là tổng thống Mỹ và Nga được sự ủng hộ của chủ tịch Liên minh Châu Âu và thủ tướng Anh có thể tạo ra sự khác biệt trong việc xây dựng trật tự thế giới mới. Và bước đầu tiên nên được thực hiện bởi nhà lãnh đạo siêu cường duy nhất, đặc biệt là trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, ông đã hứa sẽ "ngăn chặn sự lan rộng của Hồi giáo cực đoan", đồng thời "phá vỡ và vô hiệu hóa sự tuyên truyền và tuyển mổ [các tay khủng bố] của chúng".
Tuy nhiên, văn bản cuối cùng của Hội nghị Hồi giáo toàn cầu có thể sẽ trở thành thành công như một vũ khí tư tưởng trong cuộc chiến thông tin chống lại chủ nghĩa khủng bố thánh chiến giả mạo Hồi giáo, chỉ khi đó là nỗ lực chung của các nước lớn phương Tây và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC). Văn bản này có thể tạo ra một phạm vi tuyên truyền thông tin chưa từng có với một chương trình hành động dài hạn của phương Tây và OIC, bao gồm việc tích hợp văn bản cuối cùng vào chương trình giảng dạy của các trường trung học và đại học, khi trình bày trong các chương trình cầu nguyện thường lệ ở nhà thờ Hồi giáo, hội thảo tôn giáo, chương trình phát thanh và truyền hình, và tuyên truyền chống khủng bố trên mạng xã hội...
Những văn bản trong hội nghị Hồi giáo nên được sử dụng làm cơ sở cho sự hợp tác giữa các dịch vụ đặc biệt và các cơ quan thực thi pháp luật của phương Tây và OIC để cải thiện luật chống chủ nghĩa khủng bố và quy trình cho một định nghĩa chính trị không thiên lệch về các nhóm khủng bố và các nguồn truyền thông. Quyết định của các nhà thần học Hồi giáo sẽ tạo ra một tiêu chuẩn hợp pháp theo luật Sharia [luật Hồi giáo], có thể trở thành cơ sở pháp lý cho Tòa án Hồi giáo Quốc tế về khủng bố. Ở giai đoạn đầu, với sự nhạy cảm trong chính trị, tòa án này sẽ giới hạn trong phạm vi giữa Nhà nước Hồi giáo và al-Qaeda. Phán quyết của tòa án này sẽ tạo ra một tiền lệ cực kì quan trọng và được sử dụng như một định nghĩa về mặt tư pháp để đối phó với các tổ chức như Hezbollah và Hamas.
Do đó, một văn bản lịch sử được đồng thuận bởi hội nghị Hồi giáo toàn cầu tại thánh địa Mecca và tán thành bởi những lãnh đạo của OIC - Sẽ là một chiến thắng trước tư tưởng khủng bố thánh chiến và chấm dứt cuộc chiến tranh tôn giáo [không công khai]. Về cơ bản, đây có thể coi là một tuyên bố của Hòa ước Westphalia* mới.
*Hòa ước Westphalia: Hòa ước Westphalia bao gồm một loạt các hiệp ước hòa bình được ký kết từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1648 tại Osnabrück và Münster. Hòa ước Westphalia được đánh giá là văn bản đầu tiên xác nhận chủ thể trong quan hệ quốc tế là quốc gia. Khái niệm quốc gia – dân tộc (nation-state) cũng bước đầu được xác định và Hòa ước được xem là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại.
Tú Nguyễn (chuyển ngữ)