Nhìn nhận về tiềm năng của du lịch Phú Quốc, ông Jonathan Tizzard, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & Định giá Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, với một vẻ đẹp tự nhiên và vị trí gần TP.HCM, Phú Quốc có tiềm năng lớn để trở thành một điểm nóng du lịch.
Theo ông Jonathan, việc Phú Quốc được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp có casino là cơ hội lớn để nơi đây trở thành một trung tâm casino ở Đông Nam Á.
Dự án casino được đề xuất sẽ thu hút các nhà đầu tư khác đổ vốn vào Phú Quốc, kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực khác như khách sạn, dịch vụ, thương mại…đồng thời hàng ngàn việc làm được tạo ra.
“Hiện tại, người có quốc tịch Việt Nam không được phép đánh bạc nhưng Chính phủ vẫn đang xem xét vấn đề này. Nếu được thông qua, việc tìm kiếm một nhà đầu tư có đủ tài chính 4 tỉ USD để đầu tư casino (như luật hiện hành quy định) là không khó. Phú Quốc không bao lâu nữa sẽ trở thành một trung tâm casino và du lịch hấp dẫn ở Đông Nam Á”, ông Jonathan khẳng định.
Phú Quốc hiện là hòn đảo lớn nhất ở Việt Nam, cách TP.HCM một giờ bay, gồm 29 hòn đảo.
Thông tin từ Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, từ 2011 đến 2013, GDP của huyện đảo này tăng trưởng trung bình 26,17% trong đó 66% thu nhập đến từ du lịch và dịch vụ.
GDP bình quân đầu người vào cuối năm 2013 đạt 3.347 USD, tăng 8,1 lần so với năm 2004. Điều này chứng tỏ ngành du lịch đã và đang giữ một vị trí quan trọng trong việc cải thiện đời sống của người dân địa phương.
Tuy nhiên, khu vực huyện đảo chính hiện vẫn còn kém phát triển, các khu vực bán lẻ, trung tâm thương mại và các khu giải trí vẫn chưa đủ để đáp ứng cho khách du lịch ngày càng gia tăng.
Hiện tại, hầu hết khách sạn trước biển đều tập trung trên Bãi Dài ở phía Tây hòn đảo. Với tổng số 18 bãi biển khác nhau, các khu vực khác của huyện đảo vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Về cơ sở hạ tầng, sân bay quốc tế Phú Quốc, sân bay quốc tế An Thới và tuyến cáp điện ngầm 110kV đã được hoàn thành. Đồng thời, dự án đường trục chính Bắc - Nam dài 51,5 km, đường vòng quanh đảo 99,5 km và hệ thống nước sạch đã được triển khai và dự tính sẽ được hoàn thành trong tương lai gần.
Hiện nay, trên đảo có khoảng 150 khách sạn lớn nhỏ, cung cấp tổng số 2.900 phòng, trong đó các khách sạn địa phương chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là phân khúc bình dân và tầm trung.
Khách sạn 3 sao và 4 sao mới chỉ chiếm 30% thị trường. Chỉ có 2 khách sạn 5 sao mới được khai trương là Salinda được xây dựng bởi Tập đoàn Salinda và Vinpearl Phú Quốc (thuộc Vingroup).
Khách sạn Crowne Plaza Phú Quốc được phát triển bởi Tập đoàn BIM Group và Tập đoàn khách sạn Intercontinental và khu nghỉ dưỡng Novotel Phú Quốc dự tính sẽ khai trương vào 2016.
Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, ước tính có khoảng 153.000 khách quốc tế tham quan Phú Quốc trong năm 2014 – một con số kỷ lục.
Phuket (Thái Lan) có quy mô nhỏ hơn Phú Quốc nhưng tổng số khách du lịch cao gấp 5 lần Phú Quốc và số lượng khách sạn thì nhiều hơn Phú Quốc gấp 11 lần. Do đó, cơ hội đầu tư tại Phú Quốc còn rất hứa hẹn, đại diện Cushman & Wakefield Việt Nam khẳng định.
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản đồng ý với đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Kiên Giang về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định của pháp luật để thực hiện dự án xây dựng cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc sẽ được xây dựng tại thị trấn Dương Đông. Cảng có thể tiếp nhận tàu chở 5.000 - 6.000 hành khách, trọng tải 225.000 GT, đồng thời kết hợp khai thác container hàng sạch.
Cầu tàu dài 400 m, trong đó cầu chính dài 240 m, rộng 19 m cho phép tàu cập bến cả hai bên. Một cầu dẫn dài 1.020 m được xây dựng từ bờ ra cầu tàu để đưa hành khách vào đảo.
Vị trí xây dựng cảng hành khách nằm dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt, từ trong khu đô thị chạy ra biển theo hướng Tây nên khá thuận tiện kết nối giao thông, tạo nên một điểm nhấn cho đô thị Dương Đông trong tương lai.
Dự báo, lượng khách đường biển quốc tế tới Phú Quốc có thể lên đến 105.000 - 190.000 khách/năm giai đoạn 2020 và đạt 350.000 - 550.000 khách/năm giai đoạn 2030.
Trước đó, vào tháng 11/2014, Thủ tướng đã chấp thuận cho phép triển khai dự án nói trên và giao UBND tỉnh Kiên Giang thống nhất với các bộ Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư về quy mô đầu tư và tỷ lệ góp vốn của ngân sách Trung ương để đầu tư dự án này.
Theo: chinhphu.vn, BizLive