Quan điểm nêu trên được Phó thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ tại phiên thảo luận với chủ đề Địa chính trị, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) đêm 23/1 (theo giờ Hà Nội). Cuộc thảo luận còn có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Đức - Ursula von der Leyen, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc - Yun Byung Se, Bộ trưởng Ngoại giao Iran - Javad Zarif và CEO Henkel (Đức) - Kasper Rorsted được kỳ vọng sẽ tìm ra các vấn đề có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp và nền kinh tế năm 2015.
Rất nhiều vấn đề nóng đã được nêu ra, như bất ổn tại Ukraine, các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga và Iran, khủng bố, xung đột tôn giáo, giá dầu giảm, nguy cơ chiến tranh lạnh hay vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên. Đại diện từ Đức cho rằng trừng phạt kinh tế sẽ có tác động tốt hơn là can thiệp quân sự. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran khẳng định đàm phán còn tốt hơn trừng phạt.
Trong phiên thảo luận, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định: "Trong khu vực của chúng tôi, tranh chấp lãnh thổ đang gia tăng". Ông cho rằng đây là vấn đề không chỉ với khu vực mà còn cả thế giới.
Phó thủ tướng nhận định Biển Đông là tuyến đường rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa đến Đông Á, và từ Đông Á đến các khu vực khác trên thế giới. Vì vậy, tranh chấp lãnh thổ hay bất kỳ vấn đề nào xảy ra tại đây cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và tự do lưu chuyển hàng hóa và ngành hàng hải. Ông cũng đề cập việc năm 2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và khẳng định điều này vi phạm luật pháp quốc tế.
Khi được hỏi về mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong năm, Phó thủ tướng nhận định: "Tôi cho rằng tranh chấp lãnh thổ có thể xảy ra trên Biển Đông năm nay. Việc này có thể đe dọa sự ổn định trong khu vực".
Khi đề cập đến Trung Quốc ở khía cạnh kinh tế, ông cũng không phủ nhận "Trung Quốc tăng trưởng tạo ra nhiều cơ hội cho các nước láng giềng". Ví dụ, nước này là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch song phương hàng năm khoảng 50 tỷ USD. Thương mại đã giúp thúc đẩy kinh tế nên việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư vào đây.
Ngay trước đó, Phó thủ tướng cũng tham dự phiên thảo luận về các nước Đông Nam Á - ASEAN. Phiên họp có sự tham gia của đại diện 3 nền kinh tế khác trong khu vực, gồm Thủ tướng Campuchia - Hun Sen, Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Malaysia - Abdul Wahid Omar và Phó thủ tướng Thái Lan - Pridiyathorn Devakula.
Cựu Phó thủ tướng Đức - Philipp Rösler cũng xuất hiện trong vai trò mở màn. Ông cho biết mình sinh ra tại Việt Nam, nhưng lớn lên ở Đức. Bên cạnh đó, vì là thành viên ban điều hành WEF, ông cũng rất quan tâm đến việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và hiểu rằng đây là sự kiện quan trọng trong khu vực.
Chủ đề của cuộc họp là bằng cách nào các nước ASEAN có thể tận dụng lợi ích từ việc tăng cường thống nhất trong khu vực, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mới. Ông Hun Sen nhận định ASEAN sẽ có lợi từ sự tăng trưởng của các thị trường toàn cầu và những chính sách thúc đẩy thương mại tự do. Tuy nhiên, các nước trong khu vực vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, như duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bẫy thu nhập trung bình hay khoảng cách giàu nghèo gia tăng.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thì nhận xét Đông Nam Á sẽ phải giải quyết nhiều thách thức khi thành lập AEC, như tăng trưởng không đồng đều, hay ASEAN cần đóng vai trò trung tâm trong cơ chế hợp tác với các đối tác phát triển. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh mỗi quốc gia cần tăng tốc cải tổ kinh tế và để thành công, các nước cần tin tưởng lẫn nhau để cùng giải quyết vấn đề chung.
Theo VnE