Philippines sẽ không tham gia chiến tranh giữa Mỹ - Trung ở Biển Đông
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 4 tháng 2 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết những quan điểm cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành chiến tranh vì vấn đề Biển Đông là quá thổi phồng.
Theo ông Delfin Lorenzana, mặc dù Philippines có lực lượng quân sự, nhưng Philippines sẽ không tiến hành khai chiến vì một số "hòn đảo nhỏ" (Có thể, ông Delfin Lorenzana nói điều này là khi Trung Quốc giữ hiện trạng, không chiếm thêm các đảo, đá mà Philippines đang chiếm giữ ở Biển Đông).
Bloomberg Mỹ ngày 3 tháng 1 dẫn lời ông Delfin Lorenzana 68 tuổi cho hay ông không cho rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ khai chiến ở Biển Đông, bởi vì "ông Donald Trump (Tân Tổng thống Mỹ) là một thương nhân.
Ông Donald Trump biết nếu nổ ra chiến tranh thì công việc làm ăn sẽ bị ảnh hưởng".
Theo tiết lộ mới nhất của báo chí Mỹ, năm 2016, cố vấn Stephen K. Bannon của ông Donald Trump từng quả quyết rằng trong 5 - 10 năm tới Trung Quốc và Mỹ chắc chắn sẽ nổ ra một cuộc chiến ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 3 tháng 2 lại đưa ra quan điểm về cái gọi là "chủ quyền" (không có cơ sở) của Trung Quốc ở Biển Đông. Đồng thời, Lục Khảng muốn các nước ngoài khu vực tôn trọng lợi ích chung và nguyện vọng chung của các nước trong khu vực. Cho rằng việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực có lợi cho các bên.
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, đây không phải là lần đầu tiên các thành viên trong đội ngũ của Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra phát biểu cứng rắn về vấn đề Biển Đông.
Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gần đây cũng thể hiện lập trường cứng rắn, cho rằng "một là (Trung Quốc phải) chấm dứt hành vi xây đảo, hai là không cho phép Trung Quốc đến những đảo, đá này".
Đối với vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nghi ngờ tính khả thi của chính sách Biển Đông do ông Rex Tillerson đưa ra, đặt ra câu hỏi: "Làm thế nào có thể chống lại những thứ đã tồn tại?".
Ông Delfin Lorenzana còn cho biết nếu đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông nóng lên, Philippines sẽ giữ trung lập, nhưng ông cũng kiên trì cho rằng “Philippines sẽ bảo vệ chủ quyền”.
Tuy nhiên, ông Delfin Lorenzana cũng giống như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, tán thành cùng Trung Quốc "khai thác tài nguyên thiên nhiên" ở Biển Đông.
Trung Quốc có thể giúp Philippines “chống cướp biển”
Tân Hoa xã Trung Quốc ngày 4 tháng 2 dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói trong một buổi lễ thăng quân hàm cho tướng lĩnh gần đây, cho biết ông đã đề nghị Trung Quốc “tiến hành tuần tra vùng biển quốc tế trong tình hình không xâm phạm lãnh hải của nước khác” ở vùng biển phía nam Biển Đông, nhằm ứng phó với các sự kiện uy hiếp thuyền viên và tấn công tàu ở khu vực duyên hải miền nam Philippines.
Năm 2016, tổ chức vũ trang chống chính phủ Abu Sayyaf (tổ chức tập hợp những phần tử hiếu chiến và và từng tuyên bố “trung thành” với tổ chức “Nhà nước Hồi giáo”) bắt đầu bắt cóc thuyền viên ở vùng biển giữa Malaysia, Indonesia và Philippines, đã bắt cóc vài chục con tin và tấn công tàu chở hàng.
Theo tờ Nam Hoa buổi sáng Hồng Kông, Trung Quốc có thể sẽ bày tỏ lập trường ủng hộ và đồng ý với đề nghị của ông Rodrigo Duterte. “Rõ ràng, Trung Quốc đang có cái nhìn tích cực với ông Rodrigo Duterte.
Ngoài ra, Trung Quốc có thể coi chủ nghĩa khủng bố là vấn đề mang tính khu vực, chứ không chỉ là xem xét từ góc độ của quan hệ Trung Quốc - Philippines”.
Theo bài viết, nếu không gia tăng nỗ lực ngăn chặn các tổ chức khủng bố phát triển mạnh lên, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai sáng kiến “Một vành đai, một con đường” ở khu vực.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã triển khai hợp tác “chống khủng bố” với các nước châu Á khác như Malaysia. Có chuyên gia cho rằng: “Các vùng biển liên quan không phải là khu vực tồn tại tranh chấp lãnh thổ, vì vậy tàu Trung Quốc tuần tra ở những khu vực này sẽ không quá nhạy cảm”.