Tờ Nhật báo Trung Quốc ngày 2/10 dẫn lời Martin Andanar, người phát ngôn Tổng thống Philippines ngày 1/10 tại Hồng Kông cho hay Tổng thống Philippinese Rodrigo Duterte hy vọng Philippines và Trung Quốc có thể thực hiện "hạ cánh mềm" trong tranh chấp Biển Đông, đồng thời cho biết quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc không chỉ giới hạn ở vấn đề Biển Đông, hy vọng hai nước triển khai hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực rộng lớn hơn.
Martin Andanar đồng thời xác nhận trong tháng 10/2016, Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ tiến hành chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi ông lên nắm quyền.
Ông Martin Andanar cho hay từ khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức đến nay, Philippines đã bắt đầu thực hiện chính sách "ngoại giao độc lập" hoàn toàn khác với cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, đã thoát khỏi sự “lệ thuộc” vào Mỹ.
Nhật báo Trung Quốc cho rằng chính sách ngoại giao mới của Philippines đã thể hiện Philippines muốn thông qua các biện pháp ngoại giao để “cân bằng” tốt hơn quan hệ với các nước lớn, cho dù Martin Andanar phủ nhận Philippines giống như một số nước Đông Nam Á khác muốn sử dụng “thuật cân bằng” về ngoại giao để bảo đảm cho mình thu được lợi ích tối đa.
Mặc dù cho biết Mỹ "vẫn là đồng minh", ông Martin Andanar cho biết Philippines "đã tỉnh giấc" và đã nhận thức được cần triển khai đối thoại với các nước khác.
"Mỹ lần lượt nhắc nhở chúng tôi về chiến lược 'quay trở lại châu Á' của họ. Đó là chính sách ngoại giao của họ. Chúng tôi tôn trọng. Nhưng hiện nay chúng tôi có một Tổng thống mới thực hiện chính sách ngoại giao độc lập" - Martin Andanar nói. Ông đã tránh né tiến hành phê phán trực tiếp đối với chính sách ngoại giao của cựu Tổng thống Benigno Aquino III.
Martin Andanar dẫn lời Tổng thống Rodrigo Duterte để hình dung sự tính toán của Philippines về mặt ngoại giao hiện nay: "Chúng tôi đã ăn đồ ăn do người khác cung cấp, hiện nay là lúc hưởng đồ ăn của Trung Quốc".
Từ khi lên cầm quyền vào tháng 7/2016 đến nay, ông Rodrigo Duterte đã nhiều lần phê phán Mỹ. Ngày 28/9, ông tuyên bố Philippines sẽ kết thúc tập trận chung với Mỹ.
Từ ngày 4 đến ngày 12/10, Philippines và Mỹ có kế hoạch tổ chức tập trận đổ bộ. Cuộc tập trận này có sự tham gia của 500 binh sĩ Philippines và 1.400 binh sĩ Mỹ.
Trong vài tuần qua, ông Rodrigo Duterte còn tuyên bố muốn Mỹ rút lực lượng đặc nhiệm ở miền nam Philippines để thúc đẩy hòa giải với lực lượng vũ trang đối lập.
Cách đây không lâu, tại Lào, ông Rodrigo Duterte còn có phát biểu được cho là “khiếm nhã” với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đối với vấn đề này, Nhà Trắng tuyên bố hủy bỏ cuộc gặp giữa ông Barack Obama và ông Rodrigo Duterte.
Ông Rodrigo Duterte còn nhiều lần công khai cho biết ông sẽ thúc đẩy thực hiện chính sách ngoại giao độc lập, đồng thời thiết lập quan hệ "đồng minh mở" với Nga và Trung Quốc.
Mặc dù ông Rodrigo Duterte liên tiếp đưa ra những tuyên bố "cứng rắn", nhưng các nhà phân tích vẫn cho rằng Philippines không có nhiều khả năng "từ bỏ" đồng minh Mỹ.
Nhà nghiên cứu Trương Khiết từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng sau khi lên nắm quyền, sự cân nhắc chính của tân chính phủ Rodrigo Duterte e rằng không có nhiều khả năng muốn đẩy Mỹ ra "xa một chút", mà là làm thế nào để vừa không đắc tội với Mỹ vừa khôi phục quan hệ với Trung Quốc, từ đó thực hiện "ăn cả", vừa được Mỹ bảo đảm an ninh, vừa được lợi từ sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc.
Giáo sư Thời Ân Hoằng từ Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng Philippines vừa muốn có quan hệ tốt với Mỹ để Mỹ bảo vệ họ, vừa "giận dữ" với Mỹ.
Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của ông Rodrigo Duterte, khuynh hướng "giận dữ" tăng lên, nhưng không có nhiều khả năng làm cho Philippines và Mỹ hoàn toàn cắt đứt quan hệ.