Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 29/10 dẫn các nguồn tin từ Mỹ cho rằng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tiến hành thay đổi chính sách đối với Trung Quốc và Mỹ, điều này đã làm xuất hiện một nhân tố "không xác định" mới trong ASEAN.
Năm 2017, ASEAN sẽ kỷ niệm tròn 50 năm thành lập, khi đó nước Chủ tịch luân phiên sẽ là Philippines. Ở khu vực này, vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng và sự suy giảm (tương đối) vị thế chiến lược của Mỹ đã kiến cho ASEAN rất lo ngại.
Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố muốn "đường ai nấy đi" với đồng minh lâu năm Mỹ, xích lại gần với Trung Quốc. Nhưng ông cho biết, "đường ai nấy đi" mà ông nói đến thực ra là "tách rời" về chính sách ngoại giao.
Ông Rodrigo Duterte muốn thay đổi truyền thống Philippines từ lâu luôn đi theo phương hướng chính sách ngoại giao của Mỹ. Ông nói rằng chính sách ngoại giao của Philippines không cần "đồng nhất" với Mỹ.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay đã có hành động với mục đích nhằm xóa tan sự nghi ngờ của cộng đồng quốc tế. Ông nói với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel rằng Philippines không có ý định cắt đứt quan hệ với Mỹ.
Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng tính chất "không xác định" trong chuyển hướng chính sách của ông Rodrigo Duterte sẽ gây ảnh hưởng rộng lớn hơn đối với ASEAN.
Nhà phân tích quốc phòng Carl Thayer từ Đại học New South Wales Australia cho rằng do Tổng thống Philippines không nhận tư vấn trước từ các thành viên khác của ASEAN, những phát biểu đơn phương của ông Rodrigo Duterte có thể gây ảnh hưởng đến ASEAN.
Ông Carl Thayer nói: "Tính không xác định khu vực do hành động đơn phương gây ra là điều mà ông Rodrigo Duterte cần xử lý. Bởi vì Philippines sẽ nhanh chóng đảm đương cương vị nước Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm tới".
Tuy nhiên, ông Carl Thayer cho rằng kết quả chuyến thăm Trung Quốc của ông Rodrigo Duterte có khả năng “làm dịu” tình hình căng khẳng khu vực do xung đột Biển Đông gây ra.
Ông Carl Thayer khẳng định, phương thức xử lý vấn đề Biển Đông của ông Rodrigo Duterte hiện nay đã đem lại lợi ích cho Trung Quốc, để Trung Quốc tiếp nhận chủ trương ngoại giao của ông.
Theo ông Carl Thayer, nếu Trung Quốc "hiền lành" hơn một chút ở khu vực Biển Đông thì họ sẽ nhận được hoan nghênh của các nước thành viên ASEAN khác.
Tuy nhiên, Thitinan Pongsudhirak, chủ tịch của Hội nghiên cứu an ninh và quốc tế ở Bangkok cho rằng sự thay đổi chính sách không xác định của ông Rodrigo Duterte có thể sẽ ảnh hưởng lâu dài đến ASEAN.
Thitinan Pongsudhirak nói: "Điều này sẽ gây ảnh hưởng lâu dài cho ASEAN, bởi vì Manila là đồng minh lâu dài của Mỹ, Thái Lan là một đồng minh khác của Mỹ.
Vì vậy, hai đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á hiện nay tương đối xa cách. Điều này sẽ trở thành một điểm tới hạn kịch tính của quan hệ Trung-Mỹ ở khu vực này".
Ông Thitinan Pongsudhirak khẳng định, một rủi ro khác là tương lai của trọng tâm chính sách châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách khu vực.
Theo Thitinan Pongsudhirak, các sự kiện gần đây tiếp tục làm nổi bật vai trò ảnh hưởng của Bắc Kinh tăng lên ở các nước bán đảo Đông Dương, đó là Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Ông nói: "Điều này có nghĩa là, trong năm 2017, một số thành viên của ASEAN sẽ xoay chuyển theo Bắc Kinh nhiều hơn, vượt xa sự xoay chuyển theo Mỹ. Điều này làm cho Washington phải thực sự cân nhắc cách thức hành động. Điều này cũng gây bất lợi cho ASEAN, bởi vì ASEAN muốn tìm sự cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh, chứ không phải là nghiêng quá nhiều vào bên nào".
Nhà nghiên cứu Ashley Townsend từ Đại học Sydney Australia cho rằng đối với ASEAN, tìm được lập trường chung trong các vấn đề như tranh chấp chủ quyền và quân sự hóa ở Biển Đông sẽ ngày càng khó khăn.
Ashley Townsend nói: "Những phát biểu của ông Rodrigo Duterte không chỉ là sự từ bỏ của ông này, mà còn là sự dao động rất không xác định của ông ấy giữa Trung Quốc và Mỹ. Các nước ASEAN có thói quen với chính sách ngoại giao khu vực ổn định hơn sẽ rất khó dự đoán Philippines thời Rodrigo Duterte sẽ đi theo hướng nào".
Tuy nhiên, ông cảnh báo, "chính sách ngoại giao rời xa" của Philippines sẽ làm cho ASEAN "trở thành một tổ chức ở trong trạng thái bất ổn khi gặp những vấn đề chiến lược khu vực lớn.
Những vấn đề này bao gồm chính sách Biển Đông hoặc vị trí của ASEAN giữa Mỹ và Trung Quốc".