Theo Washingtonpost, nơi họ phát hiện ra là gần Caesarea, một thành phố cảng nằm bên bờ biển Israel khoảng 30 dặm về phía bắc Tel Aviv.
Theo các nhà khảo cổ, đây là lô cổ vật La Mã có số lượng lớn nhất được tìm thấy tại Israel trong vòng 30 năm qua.
“Phải mất vài giây chúng tôi mới hiểu được điều gì đang diễn ra,” Ra’anan chia sẻ với AP.
Ngay lập tức, hai người thợ lặn đã liên hệ với Cơ quan quản lý Cổ vật của nhà nước.
Khi các nhà khảo cổ của chính phủ đến nơi, họ gần như không tin nổi vào mắt mình: một chiếc đèn có hình thần mặt trời Sol, vài mỏ neo bằng sắt, một bức tượng nữ thần mặt trăng Luna, bình uống nước ngọt khi ở ngoài khơi, một bức tượng cá voi, và một đồ vật được Cơ quan này mô tả trong thông cáo báo chí của mình là một “vòi nước bằng đồng hình một con lợn rừng với một con thiên nga trên đầu nó.”
Phát hiện đáng ngạc nhiên nhất là hai khối kim loại được cấu thành từ hàng nghìn đồng tiền xu dính lại với nhau do được cất trong những chiếc bình gốm giờ đã không còn nữa.
Khối 1.600 đồng xu có trọng lượng khoảng 20 kg. Dựa trên những đồng tiền này, các nhà khảo cổ đã ước lượng được khoảng thời gian chiếc tàu buôn bị nhấn chìm. Đó là vào giai đoạn Đế chế La Mã đang trong giai đoạn Kitô giáo cực thịnh.
Một số đồng xu được khắc hình Constantine Đại đế, người cai trị nửa phía tây của Đế chế, đã biến nơi này thành một phiên bản mới, sùng đạo hơn trước vào đầu thế kỷ thứ 4.
Những đồng tiền khác lại khắc hình Licinius, người được Cơ quan quản lý Cổ vật Israel mô tả là đối thủ của Constantine, cai trị miền đông Đế chế từ năm 324 đến 337 SCN.
Hàng nghìn đồng tiền xu dính lại với nhau. (Nguồn: washingtonpost)
Trong quá trình khai quật diễn ra vài tuần qua, các nhà khảo cổ Israel đã chắp nối các dữ liệu thu được về hoàn cảnh của chiếc tàu buôn khi cố gắng chống chọi với biển động.
“Vị trí và cách phân bố các cổ vật trên lòng biển cho thấy một chiếc tàu buôn lớn chở theo một kiện hàng kim loại để tái chế, và con tàu nhiều khả năng đã gặp bão ở vùng biển gần lối vào cảng, sau đó trôi dạt cho tới khi đâm vào vách đá,” Jacob Sharvit và Dror Planer, giám đốc bộ phận Khảo cổ Biển của Cơ quan quản lý Cổ vật Israel cho biết trong một phát biểu.
Các nhà nghiên cứu cho rằng các thủy thủy La Mã đã cố gắng tự neo mình lại, dựa trên khoảng cách giữa các mỏ neo sắt và những vật dụng khác. Tuy nhiên, dây buộc mỏ neo đã bị đứt, và con tàu bị sóng đánh đập vào đá.
Các nhà khảo cổ cho biết phát hiện này có ý nghĩa to lớn bởi 2 lý do. Trước hết, các cổ vật đều đang ở trạng thái tốt, và chỉ vừa mới lộ ra từ lòng biển. Được phủ một lớp cát, các bức tượng và tiền xu hầu như không có dấu hiệu gì cho thấy gần 2.000 năm đã trôi qua.
Thứ hai, người La Mã thường nung chảy tượng kim loại để đúc lại, nên số lượng tượng La Mã tìm thấy ngày nay là rất ít.
Vụ tai nạn đắm tàu cuối cùng lại là sự kiện đã cứu toàn bộ số cổ vật này. “Vì những bức tượng bị chìm cùng tàu,” Sharvit và Dror cho biết, “nên chúng bị chìm trong nước và từ đó được ‘cứu’ khỏi quá trình tái chế”.