Phái đoàn Đại sứ Singapore và Hội Truyền thông số Việt Nam thảo luận về phát triển kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Jaya Ratnam - Đại sứ Singapore tại Việt Nam và Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) Nguyễn Minh Hồng đã cùng trao đổi một số vấn đề về phát triển kinh tế số.
Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng tiếp đón Đại sứ Singapore Jaya Ratnam
Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng tiếp đón Đại sứ Singapore Jaya Ratnam

Tại buổi làm việc vừa diễn ra vào chiều 15/10, ngài Đại sứ Singapore Jaya Ratnam đã cảm ơn Chủ tịch VDCA dành thời gian tiếp đón. Ngài Đại sứ đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Singapore thời gian qua. Ông chia sẻ các giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế, trong đó có việc khuyến khích các doanh nghiệp Singapore tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo và kinh tế số tại Việt Nam.

Đại diện VDCA, Chủ tịch Nguyễn Minh Hồng cảm ơn ngài Đại sứ và đoàn công tác đã dành thời gian tới làm việc với Hội. Trao đổi với ông Jaya Ratnam, Chủ tịch VDCA chia sẻ một số những vấn đề về phát triển kinh tế số mà Việt Nam quan tâm và mong muốn ngài Đại sứ Singapore chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Singapore như việc hoàn thiện môi trường pháp lý, đặc biệt là liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo an toàn, thuận lợi trong các giao dịch điện tử, việc đảm bảo các quyền sở hữu trí tuệ/tài sản số.

Cùng với đó, các lĩnh vực kinh tế quan trọng mà Việt Nam chú trọng như thương mại điện tử, Fintech, kinh tế chia sẻ và kinh tế số ở các lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, giao thông,... Các Hội viên của VDCA cũng quan tâm tới việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ; việc phát triển và cung cấp các sản phẩm kinh tế số ra ngoài thị trường Việt Nam ra toàn cầu; việc nâng cao mức độ tiếp cận số của toàn xã hội.

Khép lại cuộc gặp, Phái đoàn của Đại sứ Singapore và Hội Truyền thông số Việt Nam thống nhất sẽ có những thảo luận và hợp tác cụ thể hơn ở các lĩnh vực như tổ chức các buổi tọa đàm giữa doanh nghiệp kinh tế số hai nước; đề xuất các hình thức triển khai thử nghiệm (sandbox) một số lĩnh vực tiềm năng giữa doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.

Được biết, cuộc gặp và làm việc này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Cuối tháng 6/2021, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan, Việt Nam và Singapore thống nhất thành lập nhóm công tác kỹ thuật chung về Đối tác kỹ thuật số, khởi động quá trình nghiên cứu phát triển Hiệp định kinh tế số song phương. Sáng kiến này diễn ra ngay trước thềm Đối thoại chính sách cấp cao Hội nghị Á-Âu (ASEM), cho thấy tầm quan trọng của sáng kiến này đối với chương trình nghị sự chính trị cả hai nước.

Việt Nam hiện là đối tác duy nhất thuộc nhóm quốc gia đang phát triển và cũng là quốc gia ASEAN duy nhất, bắt đầu khởi động nghiên cứu đàm phán Hiệp định Kinh tế số với Singapore.

Cho đến cuối 2021, cả Việt Nam và Singapore đều gấp rút chuẩn bị đề xuất chiến lược cho khung hợp tác này. Để thành công, nhất thiết sẽ cần thảo luận, thúc đẩy hợp tác ở nhiều cấp độ, mà nền tảng quan trọng nhất là hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.

Hiệp định Kinh tế số có thể coi là một dạng Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được thiết kế đặc biệt để thích nghi với những thách thức mới nổi của thương mại kỷ nguyên số, điển hình như đạo đức công nghệ số, hợp tác dữ liệu chính phủ mở, bảo vệ dữ liệu cá nhân, ….

Các đối tác khác của Singapore, tính đến thời điểm hiện tại, đều thuộc nhóm các quốc gia phát triển. Cụ thể, Singapore đã chính thức ký Hiệp định Đối tác Kinh tế số (DEPA) giữa Singapore, Chile, và New Zealand, và Hiệp định Kinh tế số Singapore-Australia (SADEA) trong năm 2020. Hàn Quốc, Nhật Bản, và Vương Quốc Anh là các đối tác đang xúc tiến.

Việt Nam hiện cũng là quốc gia ASEAN duy nhất đang thúc đẩy tiến trình này với Singapore.

Những chi tiết này thể hiện mức độ tín nhiệm của Singapore đối với tiềm năng phát triển kinh tế số của doanh nghiệp Việt Nam, cũng như sự tin tưởng vào năng lực quản trị của chính phủ Việt Nam trong điều chỉnh các khung chính sách, pháp lý để thích nghi với tốc độ nhanh chóng của chuyển đổi số.