PGS.TS Lê Phước Minh: Quy mô của một đại học lớn chẳng thua kém một tổng công ty... (kỳ 1)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Giáo dục đại học Việt Nam những năm qua đã có nhiều đổi mới song còn gặp không ít thách thức. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, PV VietTimes đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Lê Phước Minh - Trưởng ban Điều phối đầu tiên của Dự án Giáo dục Đại học.

PGS TS Lê Phước Minh - Trưởng ban Điều phối đầu tiên của Dự án Giáo dục Đại học.
PGS TS Lê Phước Minh - Trưởng ban Điều phối đầu tiên của Dự án Giáo dục Đại học.

PV: Từng là Trưởng ban Điều phối đầu tiên của Dự án Giáo dục Đại học, xin ông cho biết những công việc mà ông đã làm thời gian đó?

PGS TS Lê Phước Minh: Tôi được giao nhiệm vụ tham gia Dự án Giáo dục đại học từ đầu những năm 2000, vào thời điểm đó, Dự án này là Dự án lớn nhất trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo với nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Mục đích của Dự án là nhằm cải cách giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới của ngành trước thềm thế kỷ 21. Khi tham gia Dự án Giáo dục đại học, tôi thấy Dự án phải đối mặt với khá nhiểu thách thức khi Dự án có các cấu phần, nội dung rất mới, khái niệm rất mới với bối cảnh tình hình giáo dục đại học Việt Nam thời cách đây tròn 20 năm.

Có thể đơn cử như cấu phần đánh giá và kiểm định chất lượng giáo duc đại học. Ngày nay, tức là sau hai mươi năm, khái niệm, nội dung, nội hàm đánh giá chất và kiểm định chất lượng nhà trường hay kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, là khá thân quen và được hiểu một cách thấu đáo đối với mọi giảng viên, sinh viên, nhà quản lý và các bên liên quan khác. Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000 thì hoàn toàn không như vậy.

Bên cạnh đó, các nội dung hoạt động về thúc đẩy triển khai đào tạo theo tín chỉ, thành lập hội đồng trường và phải lý giải về vai trò khác biệt giữa hội đồng trường và hội đồng quản trị, khảo sát lần theo dấu vết sinh viên tốt nghiệp, xây dựng kế hoạch chiến lược của nhà trường với sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng và phải công khai… Những điều này là rất mới mẻ đối với hệ thống giáo dục đại học thời đó. Do vậy, việc triển khai Dự án gặp không ít thách thức, trở ngại, khó khăn.

Nhiều trường đại học muốn tham gia Dự án và mong muốn nhận các gói hỗ trợ tài chính từ Dự án, tuy nhiên về nhận thức còn hoài nghi và thiếu nhiệt tình triển khai các thành tố khác của Dự án. Do vậy, khi đó Dự án có yêu cầu các trường phải tiến hành đồng thời nhiều hoạt động mang tính cải cách, trong đó có điều kiện để tham gia và nhận hỗ trợ tài chính từ Dự án thì trường phải nộp bản kế hoạch chiến lược của nhà trường và kết qủa khảo sát lần theo dấu vết sinh viên tốt nghiệp.

Phải lưu ý rằng trước Dự án, hầu hết các trường đại học chưa có kế hoạch chiến lược và hầu như tất cả các trường chưa xem trọng vấn đề việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp, chưa có thông tin về việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng. Có thể nói, sau hai mươi năm, hiểu biết và nhận thức về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học đã có những bước tiến rất xa.

PV: Được biết, khi đó Dự án Giáo dục Đại học đã vấp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai như báo chí đã phản ánh. Xin ông cho biết cụ thể những khó khăn đó.

PGS TS Lê Phước Minh: Chúng tôi đã gặp phải rất nhiều thách thức và trở ngại. Tại thời điểm triển khai dự án, mối quan hệ giữa các trường đại học với Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn mang nặng dấu ấn của cơ chế xin – cho, vẫn còn cơ chế cấp chỉ tiêu tuyển sinh mà nhiều nơi vẫn gọi là cấp quota tuyển sinh. Bộ quản lý các trường đại học theo đúng nghĩa “quản lý”.

Thế nhưng tinh thần của dự án là phải trao cho các trường ngày càng nhiều tính tự chủ, sáng tạo và tính độc lập. Và mỗi trường phải được quyền xây dựng cho mình sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu đào tạo có bản sắc riêng. Các đại học có thể chọn theo hướng nghiên cứu hay ứng dụng, thực hành. Đó là quyền của các đại học và tất nhiên sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, tầm nhìn, nhưng Bộ không thể và không nên quản lý và yêu cầu các trường làm theo những khuôn mẫu có sẵn.

Đây là thách thức rất lớn, mặc dầu có sự thúc đẩy và thảo luận ở cấp chiến lược giữa Ngân hàng Thế giới và đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và đại diện của các Bộ ngành liên quan, trong một cơ cấu gọi là Hội đồng chỉ đạo Liên Bộ, cùng với sự tư vấn của nhiều chuyên gia nước ngoài, và các chuyên gia trong nước, tuy nhiên những người trực tiếp triển khai Dự án, trong đó có tôi, tại thời điểm đó, nhiều việc vừa triển khai, vừa học hỏi, bời vì có nhiều vấn đề quá mới.

Trong quá trình này, có những lúc Dự án đóng vai trò đứng ở giữa các trường đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chúng tôi phải đồng thời phục vụ, hỗ trợ và phải thuyết phục được các vụ, cục chức năng của Bộ và cũng phải thuyết phục các trường đại học nữa. Nhiều khi chúng tôi cảm thấy có quá nhiều trở ngại, khó khăn, mà tiếc thay lại do chính sức ỳ, báo thủ, trì trệ không muốn, không dám thay đổi của cả hệ thống và của từng nhà trường, của từng nhà quản lý hay giảng viên đại học. Có thể nói những nămm đầu 2000, hệ thống giáo dục đại học đã có những chuyển biến ban đầu từ một nền giáo dục đại học quan liêu, bao cấp, từng bước chuyển sang cơ chế quản trị đại học tiên tiến. Nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng phải nói rằng Dự án Giáo dục đại học đã có một vai trò, mọt nhân tó hay một cú hích quan trọng của quá trình chuyển đổi này.

PV: Như ông đã từng ví von thì về quy mô của một trường đại học lớn chẳng hề thua kém một tổng công ty, một tập đoàn kinh tế. Xin ông giải thích quan điểm này.

PGS TS Lê Phước Minh: Trước hết, để được phép ra đời một trường đại học thì quyết định thành lập phải do Thủ tướng ký ra và điều này tương đương như đối với các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế. Tại thời điểm triển khai Dự án Giáo dục Đại học từ những năm đầu 2000, việc đào tạo của các trường đại học đã có sự bùng nổ về quy mô sinh viên và đa ngành, đa nghề. Nhiều trường như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Thương mại… cả ở Hà Nội và TPHCM cùng 2 Đại học Quốc gia, 3 đại học vùng thực chất xét về quy mô sinh viên, giảng viên, người lao động, kinh phí nhà nước được cấp cho các trường này cũng rất lớn.

Một trường lớn như ĐH Bách khoa Hà Nội xét về quy mô hoàn toàn không thua kém các tổng công ty, tập đoàn kinh tế.

Một trường lớn như ĐH Bách khoa Hà Nội xét về quy mô hoàn toàn không thua kém các tổng công ty, tập đoàn kinh tế.

Do vậy, nếu vẫn quản lý theo cơ chế xin – cho, quan liêu, kiểu cũ, theo cách hầu hết các việc nhà trường sẽ “đẩy lên”, sẽ báo cáo Bộ và chi tiến hành khi Bộ cho phép. việc phát huy hiệu quả đồng vốn ngân sách cùng những nguồn thu xã hội hoá sẽ kém hiệu quả và chậm chạp. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ ngành chủ quản không thể tiếp tục duy trì cách quản lý các trường đại học như trước đây nữa. Chính các đại học lớn phải được phân quyền, giao quyền, phân cấp, phải có hệ thống quản trị có tính độc lập tương đối, có tính sáng tạo nhất định và cả quyền tự quyết của mình để phát huy hết tiềm lực, tất nhiên kèm theo đó là cơ chế trách nhiệm giải trình. Khái niệm vào lúc đó gọi là tự chủ và tự chụ trách nhiệm, nay nhận thức lại ta nói là tự chủ và trách nhiệm giải trình.

Rõ ràng nếu cứ theo cơ chế quản lý cũ thì sẽ phát sinh rất nhiều hệ luỵ, mà hệ luỵ lớn nhất là chất lượng giáo dục và hiệu quả về tài chính không cất cánh được. Hệ luỵ tiếp theo là không cung ứng được nguồn nhân lực có chất lượng cao theo yêu cầu của thị trường lao động. Trong khi các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đã dần thực sự chịu ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường có định hướng XHCN, thì dường như sự chuyển đổi và tiếp cận thị trường của hệ thống giáo dục đại học có phần chậm trễ hơn.

Thị trường là thước đo của chất lượng, hiệu quả, nhưng nếu tiếp tục cơ chế cũ thì các trường đại học không phát huy được chất lượng, hiệu quả như mong đợi. Vì thế, Dự án Giáo dục Đại học khi đó chủ trương khuyến khích các trường đại học khởi thảo xây dựng đề án tự chủ và lúc đó 5 trường đầu tiên đã được chọn để xây dựng thí điểm, sau đó số lượng các trường được nhân rộng.

Với những đại học lớn, nơi mà quy mô khách hàng sinh viên, lực lượng cán bộ giảng viên rất lớn, với nguồn ngân sách, cộng với nguồn thu học phí, dịch vụ… là rất lớn chẳng thua kém các tổng công ty, tập đoàn kinh tế, thì sự chuyển đổi từ cơ chế quản lý xin - cho truyền thống sang cơ chế quản trị đại học tiên tiến có vai trò rất quan trọng trong nâng cao chất lượng, hiệu quả và sứ mạng đóng góp cho sự nghiệp CNH và HĐH đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.

Kỳ 2: Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cơ hội đặc biệt đối với mọi sinh viên