Pakistan tiếp tục ca ngợi máy bay chiến đấu JF-17, nhưng vẫn khó xuất khẩu

VietTimes -- Với lô 16 máy bay JF-17 mới được trang bị, Không quân Pakistan hiện đã sở hữu 86 chiếc JF-17, nhưng các nỗ lực xuất khẩu của cả Trung Quốc và Pakistan cho đến nay vẫn chưa có kết quả, tồn tại nhiều rủi ro.
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 Thunder do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất. Ảnh: Sohu
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 Thunder do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất. Ảnh: Sohu

Pakistan đã biên chế 5 phi đội JF-17

Ngày 16 tháng 2, Không quân Pakistan đã tổ chức lễ biên chế thêm 16 máy bay chiến đấu JF-17 Thunder hoàn toàn mới (Trung Quốc gọi là FC-1 Kiêu Long). Lô máy bay này trang bị cho phi đội 14, thay thế cho các máy bay chiến đấu J-7 và JJ-7 đã cũ và cũng mua của Trung Quốc trước đây.

Sau khi tiếp nhận lô máy bay chiến đấu JF-17 này, Không quân Pakistan hiện có 5 phi đội máy bay chiến đấu JF-17, tổng cộng 86 chiếc. Do đó, kế hoạch mua sắm tổng cộng 150 chiếc đã hoàn thành trên 50%.

Tham dự buổi lễ biên chế lần này có các nhà lãnh đạo quốc phòng và quân đội Pakistan như Bộ trưởng Quốc phòng Khawaja Asif, Tham mưu trưởng Không quân Sohail Aman.

Tại buổi lễ, ông Khawaja Asif cho biết: “Những máy bay chiến đấu này sẽ tăng cường năng lực tác chiến của không quân. Đồng thời, tăng cường sức mạnh quốc phòng bằng cách nội địa hóa, tự lực cánh sinh là phương pháp khả thi duy nhất. Chính phủ sẽ tiếp tục ủng hộ các chương trình “tự chủ” của Không quân Pakistan, nhất là JF-17”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan còn khẳng định Pakistan là một nước yêu chuộng hòa bình, mong muốn giữ quan hệ hòa bình với cộng đồng quốc tế nhất là các nước láng giềng. Song, quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia và biên giới của Chính phủ Pakistan sẽ không thay đổi.

Ngày 15 tháng 2 năm 2017, Không quân Pakistan trang bị thêm 16 máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 Thunder hoàn toàn mới, trong đó có 3 chiếc chưa kịp sơn màu không quân. Ảnh: Sina
Ngày 15 tháng 2 năm 2017, Không quân Pakistan trang bị thêm 16 máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 Thunder hoàn toàn mới, trong đó có 3 chiếc chưa kịp sơn màu không quân. Ảnh: Sina

Lô máy bay chiến đấu mới này bắt đầu sản xuất vào năm 2016, là phiên bản JF-17 Block II.

Theo tờ Jane's Defence Weekly Anh, máy bay chiến đấu JF-17 có 7 điểm treo bên ngoài, trang bị 1 khẩu pháo hai nòng 23 mm.

JF-17 có thể mang theo nhiều nhất 4 quả tên lửa không đối không tầm gần PL-5, PL-7, PL-8 hoặc PL-9, hoặc 4 quả tên lửa không đối không tầm trung PL-12; 2 quả tên lửa chống hạm C-802A; 2 quả tên lửa chống bức xạ; 5 quả bom 500 kg hoặc có thể mang theo nhiều nhất 8 quả bom 250 kg.

Máy bay JF-17 vẫn khó bán

Trong dịp Pakistan trang bị thêm 16 máy bay chiến đấu JF-17 Thunder, tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 16 tháng 2 cho rằng JF-17 Thunder (FC-1 Kiêu Long) là máy bay chiến đấu đa dụng hạng nhẹ, một động cơ, một chỗ ngồi, do Công ty máy bay Thành Đô Trung Quốc và doanh nghiệp tổng hợp hàng không Pakistan hợp tác nghiên cứu chế tạo.

Trong quá trình phát triển, máy bay chiến đấu JF-17 Thunder đối mặt với 5 rủi ro lớn:

Trước hết là rủi ro thị trường. Đến nay, Không quân Trung Quốc vẫn chưa trang bị máy bay chiến đấu FC-1 Kiêu Long, do đó khó có thể thúc đẩy mạnh mẽ tiêu thụ loại máy bay này. Hiện nay, Trung Quốc và Pakistan còn rất khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng cho loại máy bay này.

Máy bay chiến đấu JF-17 bàn giao cho Không quân Pakistan lần này có ống tiếp dầu (bên trái) và máy bay chiến đấu J-7 cũ thuộc phi đội 14, Không quân Pakistan. Ảnh: Sina
Máy bay chiến đấu JF-17 bàn giao cho Không quân Pakistan lần này có ống tiếp dầu (bên trái) và máy bay chiến đấu J-7 cũ thuộc phi đội 14, Không quân Pakistan. Ảnh: Sina

Thứ hai là sức ép cạnh tranh từ phương Tây, bao gồm máy bay chiến đấu F-16A/B. Trước đây, Mỹ thậm chí cho phép cung cấp máy bay chiến đấu F-16C/D cho Pakistan.

Ngoài ra, còn có sức ép từ máy bay chiến đấu Mirage-2000 của Pháp, đến năm 2000 văn phòng của Pháp mới rút khỏi Pakistan.

Thứ ba là rủi ro chính trị. Thương mại quân sự luôn gắn liền với các vấn đề chính trị, ngoại giao, quân sự của các nước, rủi ro chính trị khó có thể kiểm soát.

Mặc dù hiện nay chưa xuất hiện rủi ro chính trị, nhưng nếu xuất hiện các vấn đề như Nga chậm bàn giao, tăng giá… (động cơ) thì sẽ có rất nhiều vấn đề phiền phức. Điều này đòi hỏi Trung Quốc phải tìm cách nắm lấy quyền “chủ động”.

Thứ tư là rủi ro vốn. Việc nghiên cứu chế tạo máy bay tiêu tốn rất nhiều nguồn lực và bản thân phía Trung Quốc khó có đủ vốn để hỗ trợ. Điều này đòi hỏi nhà cung cấp phải nỗ lực hết sức mình, đồng thời phải tìm cách giảm chi phí nghiên cứu chế tạo, kiểm soát giá thành máy bay.

Cuối cùng là rủi ro công nghệ. Việc phát triển máy bay chiến đấu JF-17 Thunder trải qua một quá trình dài, Trung Quốc cuối cùng đã tự chủ thiết kế, nghiên cứu chế tạo ra máy bay chiến đấu hoàn toàn mới. Điều này được lợi lớn từ tận dụng đầy đủ kinh nghiệm phát triển máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc.

Ngày 15 tháng 2 năm 2017, Không quân Pakistan trang bị thêm 16 máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 Thunder hoàn toàn mới, trong đó có 3 chiếc chưa kịp sơn màu không quân. Ảnh: Sina
Ngày 15 tháng 2 năm 2017, Không quân Pakistan trang bị thêm 16 máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 Thunder hoàn toàn mới, trong đó có 3 chiếc chưa kịp sơn màu không quân. Ảnh: Sina

Phát triển một loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba hoàn toàn mới như JF-17 Thunder là có rủi ro rất lớn về công nghệ. Kiểm soát giá thành thì phải kiểm soát vật liệu mới, công nghệ mới. Trung Quốc đã học hỏi các biện pháp của phương Tây.

Trong nghiên cứu chế tạo, Trung Quốc đã nỗ lực áp dụng công nghệ hoàn thiện và sản phẩm sẵn có để giảm rủi ro, kiểm soát chi phí và rút ngắn thời gian.