Ngày 29/3/2019, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) đã tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. Tại cuộc họp, ông Trần Đình Long nhận được nhiều câu hỏi của cổ đông về kế hoạch kinh doanh năm 2019 và dự án KLH gang thép Dung Quất.
"Chúng tôi bảo thủ có cơ sở"
Về kế hoạch kinh doanh, nhiều cổ đông cho biết khá băn khoăn trước kế hoạch kinh doanh rất thận trọng của HPG trong năm 2019.
Ông Trần Đình Long cho biết vẫn kiên định với việc theo đuổi thị phần, tập trung vào ngành cốt lõi là thép, coi trọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ là hệ quả tất yếu. Điều này được thể hiện trong kế hoạch năm 2019, HPG vẫn theo xu hướng đi lên với kế hoạch doanh thu tăng 22% so với năm 2018.
“Chúng tôi bảo thủ có cơ sở, dựa trên nhiều yếu tố và có nguyên tắc. Kế hoạch 6.700 - 6.800 tỷ đồng là tương đối chính xác” - ông Trần Đình Long chia sẻ thẳng thắn.
Ông Long cũng dẫn chứng lại thống kế cho biết lợi nhuận tất cả các công ty thép nằm trên 3 sàn (HNX, HOSE, Upcom) chỉ khoảng 20% so với HPG để khẳng định lại vị thế của doanh nghiệp này trên thị trường.
Vị Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cũng chia sẻ HPG luôn được nhiều nhà đầu tư và công ty chứng khoán (CTCK) trên thị trường quan tâm, theo dõi sát sao. Một số CTCK thậm chí còn ban hành các báo cáo phân tích về HPG hàng quý với các dự báo có sai lệch rất nhỏ, chỉ từ 1 - 2%.
“Trước đây bảo HPG có gì đó bí mật nhưng các nhà phân tích của CTCK thậm chí còn nắm rõ hơn cả các cán bộ nhân viên của Hòa Phát” - ông Trần Đình Long chia sẻ.
Cũng theo ông Long, hoạt động sản xuất kinh doanh của HPG còn phụ thuộc vào yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan (diễn biến thị trường) và “cách tốt nhất để bảo vệ nhà đầu tư là làm tốt nhất có thể”.
Một cổ đông nữ đặt câu hỏi cho Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (Ảnh: P.D)
|
Chi phí lãi vay của HPG chỉ từ 7,5 - 9%
Trong số các yếu tổ chủ quan, các chi phí liên quan đến dự án KLH gang thép Dung Quất (chi phí lãi vay, chi phí khấu hao…) là một trong những vấn đề được cổ đông và người đứng đầu tập đoàn Hòa Phát chia sẻ khá chi tiết.
Về KLH gang thép Dung Quất, ông Long cho biết tổng vốn đầu tư ban đầu là 40.000 tỷ đồng cho đầu tư tài sản cổ định và trung hạn, 12.000 tỷ đồng vốn lưu động. Tuy nhiên, do đầu tư thêm công nghệ mới cho bảo vệ môi trường nên tổng vốn đầu tư đã có nhiều thay đổi, tăng lên mức 65.000 tỷ đồng: bao gồm 50.000 tỷ đồng đầu tư cho TSCĐ, nguồn vốn lưu động là 15.000 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn vốn tự có của HPG là 25.000 tỷ đồng, phần còn lại huy động từ vốn vay ngân hàng nhưng HPG mới giải ngân hết 30.000 tỷ đồng. Dự kiến đến Quý 2/2020, dự án này sẽ hoàn thành cả 2 giai đoạn.
“Năm 2019, do nhà máy Dung Quất đi vào hoạt động một phần, cho nên chi phí lãi vay thay vì được vốn hóa sẽ được đưa vào chi phí sản xuất. Điều này khiến chi phí tài chính của HPG trong năm nay sẽ tăng lên nhưng so với doanh thu cũng không có nhiều ảnh hưởng” - ông Trần Đình Long cho biết ngắn gọn.
Cũng do không được vốn hóa và phải đưa vào chi phí sản xuất, năm 2019, chi phí tài chính của HPG được dự báo sẽ tăng lên hơn 2.000 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần so với mức 700 tỷ đồng năm 2018.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại diện phụ trách tài chính của HPG cho biết mức lãi suất đi vay từ các ngân hàng được điều chỉnh theo từng quý, điều chỉnh theo mức lãi suất trên thị trường nhưng “chỉ từ 7,5 - 9%”. Mức lãi suất này dựa trên mức lãi suất bình quân 12 tháng của một số ngân hàng lớn và cộng thêm biên độ 2,5%.
Bổ sung thêm, ông Trần Đình Long cho biết mức lãi suất cho vay áp dụng cho Hòa Phát khá cạnh tranh so với các lĩnh vực, doanh nghiệp khác. Đối với vay ngắn hạn, do HPG là công ty có uy tín nên được các ngân hàng đáp ứng đầy đủ và mức lãi suất “rất tốt”.
Về chi phí khấu hao, đại diện HPG cho biết dự kiến năm 2019 chi phí này sẽ tăng khoảng 38% so với năm trước, ước tính giá trị sẽ đạt khoảng 3.100 tỷ đồng. Nguyên nhân là do một số dự án lớn sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2019 và phải thực hiện trích khấu hao.
Tôi nghĩ cổ phiếu HPG vẫn là cổ phiếu tốt!
“Rất hiếm có công ty nào đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản, dồn toàn lực mà vẫn kiếm được ra tiền. Rất nhiều công ty, quỹ lớn nghiên cứu kỹ về ngành thép đều đánh giá rất cao Hòa Phát, họ cho biết mức lợi nhuận đã đạt được là hiếm có. Do đó, tôi nghĩ cổ phiếu HPG vẫn là cổ phiếu tốt” - ông Trần Đình Long chia sẻ về những nỗ lực của HPG trong thời gian qua khi vừa đầu tư các dự án lớn vừa đạt được mức tăng trưởng tốt.
Ông Trần Đình Long chia sẻ thêm thông tin tới cổ đông về tiến độ dự án KLH gang thép Dung Quất (Ảnh: P.D)
|
Đối với các yếu tố bên ngoài, ông Trần Đình Long cũng chỉ ra nhiều thách thức như: giá nguyên nhiên liệu, giá điện có xu hướng tăng; giá bán có chiều hướng giảm; chi phí tài chính tăng do chính sách tín dụng thắt chặt…
Trong đó, ông Long đề cập tới sự cố vỡ đập của một doanh nghiệp khai thác quặng lớn tại Brazil. Sự cố này đã khiến cho giá nguyên liệu quặng sắt đầu vào tăng lên tới 20% trong thời gian qua.
Tuy nhiên, chính phủ Brazil đã bắt đầu cho công ty này hoạt động khai thác một số mỏ trở lại sau khi giải quyết xong các vấn đề về môi trường. Do đó, người đứng đầu Tập đoàn Hòa Phát tỏ ra lạc quan hơn về diễn biến giá nguyên liệu đầu vào trong thời gian tới.
Ngoài ra, cũng trong phần trả lời cổ đông, ông Trần Đình Long cũng cho biết theo Báo cáo nhanh trong Quý 1/2019, lợi nhuận của HPG đạt 1.700 tỷ đồng./.
Năm 2019, ban lãnh đạo HPG xác định sẽ tiếp tục là năm tiền đề, doanh thu của Tập đoàn Hòa Phát dự kiến ghi nhận tăng bởi đưa giai đoạn I - Dự án KLH Gang thép tại Dung Quất và dây chuyền tôn mạ màu vào hoạt động, tăng dần quy mô từ các sản phẩm nhóm ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó là những thách thức như: giá nguyên nhiên liệu có xu hướng tăng, giá bán có chiều hướng giảm, các dự án mới đưa vào vận hành chưa chạy đủ công suất, chi phí tài chính tăng do chính sách tín dụng thắt chặt. Do đó, ban lãnh đạo HPG đã đề xuất kế hoạch kinh doanh năm 2019 bao gồm: Kế hoạch doanh thu: 70.000 tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2018); Kế hoạch lợi nhuận: 6.700 tỷ đồng (giảm 22% so với năm 2018)./. |